“Nếu nhìn thấy một ngôi sao băng...”

Giữa những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm châu Phi, có một thiên thể đặc biệt: (35462) Maramkaire. Tiểu hành tinh ấy được đặt theo tên Maram Kaire, nhà khoa học người Senegal đang miệt mài gieo mầm tình yêu thiên văn trên lục địa đen.
0:00 / 0:00
0:00
Maram Kaire - nhà khoa học người Senegal.
Maram Kaire - nhà khoa học người Senegal.

Không gian vẫy gọi

“Nó rất tối và ẩn khuất trong vành đai tiểu hành tinh (một khu vực trong Hệ Mặt trời nằm giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc, chứa hàng triệu tiểu hành tinh). Nó có đường kính 5 km, và phải mất bốn năm rưỡi để quay quanh mặt trời”, Maram Kaire mô tả ngắn gọn như vậy về (35462) Maramkaire.

Được phát hiện vào ngày 27/2/1998, tiểu hành tinh này ban đầu mang “số hiệu” (35462) 1998 DW23. Đến năm 2021, nó được Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU) đổi tên theo nhà khoa học người Senegal Maram Kaire, để ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy ngành thiên văn học tại đất nước mình cũng như trên khắp châu Phi.

Maram Kaire là người Senegal đầu tiên nhận được vinh dự đặc biệt, mà như ông mô tả: “Sẽ khắc ghi mãi mãi trong lịch sử”. “Ngoài tên tôi, toàn bộ Senegal cũng được vinh danh. Và đó là điều quan trọng nhất!”, ông phát biểu năm 2021. Bốn năm kể từ đó, Kaire vẫn miệt mài với hành trình đã chọn, trong vai trò người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Senegal (ASES).

ASES có những dự án đầy tham vọng. Đáng chú ý nhất là việc xây dựng chùm vệ tinh đầu tiên của Senegal, bao gồm ba đơn vị, mỗi đơn vị có hai vệ tinh nano. “Chúng tôi đang chế tạo hai vệ tinh đầu tiên với Công ty Prométhé Earth Intelligence của Pháp, và hy vọng sẽ phóng vào năm 2027”, Kaire cho biết.

Nhà khoa học 47 tuổi tin rằng: Đầu tư vào không gian là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của châu Phi. “Các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững là những quốc gia đã đầu tư vào không gian. Châu Phi coi không gian là một thứ xa xỉ, nhưng đó là một sai lầm”, ông nhận xét. “Dữ liệu vệ tinh rất cần thiết cho nông nghiệp, y tế, giáo dục, an ninh và thậm chí là khai thác dầu khí. Thí dụ, thông qua không gian, chúng ta có thể giám sát biên giới, cải thiện nông nghiệp thông minh và tạo điều kiện cho y học từ xa ở các vùng xa xôi”.

Chặng đường vòng của “nhà thiên văn học tay ngang”

Được vinh danh nhờ cống hiến cho thiên văn học, song Maram Kaire lại… chưa từng được đào tạo đúng chuyên ngành này. Tình yêu với không gian của ông nảy nở một cách rất tình cờ trước khi trở thành định mệnh.

“Lần đầu tôi nghe về vũ trụ là khi tàu con thoi Challenger phát nổ năm 1986”, Kaire tâm sự. “Ngày đó, chúng tôi sống ở một thị trấn không có điện, và chỉ có thể xem thời sự trên ti-vi bằng ắc-quy ô-tô của bố tôi. Năm 12 tuổi, tôi tình cờ đọc được cuốn Atoms of Silence: An Exploration of Cosmic Evolution của nhà vật lý thiên văn người Canada Hubert Reeves từ thư viện trường. Từ đó trở đi, tôi không ngừng nhìn lên bầu trời”.

Nhưng, từ giấc mơ đến hiện thực không phải một đường thẳng. Mong ước khám phá vũ trụ của Kaire bị cản trở bởi chính người cha - vốn đã hy sinh tất cả để con trai mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Khi tôi học đại học ở Pháp, cha tôi không muốn tôi theo đuổi thiên văn học. Ông lập luận rằng với tấm bằng đó, tôi sẽ không thể làm việc ở Senegal, mà ông thì luôn muốn tôi quay trở lại quê nhà”, Kaire hồi tưởng.

Vì không muốn làm cha buồn nên Kaire đành “chọn khoa học máy tính, vì điều này khiến cha vui và cho phép tôi đến gần hơn với lĩnh vực không gian. Sau một vài năm, tôi trở về Senegal, và vẫn làm việc như một chuyên gia tin học”.

Nhưng rồi, tình yêu với không gian thôi thúc Kaire phải làm điều gì đó. Năm 2006, ông thành lập Hiệp hội Thúc đẩy Thiên văn học Senegal (ASPA), với mục đích “giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng thiên văn học, để trong tương lai, những người trẻ tuổi mơ ước về các vì sao có thể ở lại đất nước này”.

Kaire đã cùng ASPA thực hiện những dự án “cực kỳ thú vị” dành cho thế hệ trẻ: “Chúng tôi đã khởi xướng hai lễ hội thiên văn thường niên ở Saint Louis và Dakar, và một chương trình có tên Xe buýt vũ trụ. Tới đây sẽ là một dự án hành trình vào tháng 4/2025, sau đó là kế hoạch thành lập các làng khoa học di động, tại 27 địa điểm trên khắp Senegal”.

Các dự án này của Kaire được đón nhận nhiệt liệt, đặc biệt là dự án “Xe buýt vũ trụ”. Suốt từ năm 2015 đến 2021, trẻ em Senegal năm nào cũng háo hức đón chờ đoàn xe, để được quan sát các hành tinh qua kính viễn vọng và tự tin tham gia các gameshow về khoa học không gian, tại những “điểm cầu” mà chương trình đi qua trong vòng một tháng.

Theo Kaire, sứ mệnh đưa Senegal và châu Phi bước vào kỷ nguyên không gian sẽ nằm trong tay thế hệ trẻ. Nhưng tương lai ấy phải được xây từ hôm nay, với sự kết nối của cả lục địa. Và vì thế, ông cũng là một trong những nhà khoa học đi đầu trong việc vận động thành lập Cơ quan Vũ trụ châu Phi (AfSA).

“Không gian nằm trong tầm với của các quốc gia châu Phi”, ông cho biết khi đề cập đến sự kiện khánh thành trụ sở của AfSA tại Cairo, Ai Cập vào tháng 4 tới. “Chúng tôi đang hợp tác với Kenya, Rwanda, Tunisia cũng như các quốc gia khác, để chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau tiến lên. Và việc thành lập AfSA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp các nỗ lực trên khắp lục địa”.

“Nếu nhìn thấy một ngôi sao băng...” ảnh 1

Một hoạt động trong lễ hội thiên văn học do ASPA tổ chức tại thành phố Saint Louis.

Ước mơ chưa bao giờ tắt

Maram Kaire tận dụng mọi cơ hội để đưa Senegal nói riêng và châu Phi nói chung hòa nhập vào hoạt động hàng không vũ trụ toàn cầu. Đáng kể nhất trong những nỗ lực đó là việc ông điều phối ba chương trình của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tại Senegal từ năm 2018 đến năm 2021. Những chương trình này phục vụ các sứ mệnh phóng tàu vũ trụ New Horizons tới sao Diêm Vương, hay tàu vũ trụ Lucy tới thám hiểm tám tiểu hành tinh Trojan của sao Mộc.

“Việc thực hiện thành công những nhiệm vụ phức tạp này giúp chúng tôi giành được sự tin tưởng của NASA, định vị khả năng của Senegal trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và mở ra nhiều cơ hội hợp tác”, Kaire chia sẻ. Kết quả này đã giúp ông thuyết phục được Tổng thống Senegal khi đó, Macky Sall, chấp thuận thành lập ASES vào năm 2023.

Theo Kaire, các hoạt động hợp tác quốc tế của ASES như ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ và đào tạo với Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp..., cũng như việc xây dựng trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm các vệ tinh nano ở Senegal sẽ đưa đất nước tiến gần hơn tới giấc mơ mà ông theo đuổi hàng chục năm qua. “Nếu bây giờ nhìn thấy một ngôi sao băng và có thể ước một điều, tôi sẽ ước Senegal trở thành một cường quốc không gian”, Kaire thổ lộ.