“Tôi tồn tại. Tôi vẫn đang ở đây”
Khi còn là một cậu bé, Blas Jaime đã dành nhiều buổi chiều để tìm hiểu về tổ tiên của mình. Thông qua yerba mate (một loại trà thảo mộc của Nam Mỹ) và torta fritas (bánh nướng), mẹ của cậu, Ederlinda Miguelina Yelón, truyền lại kiến thức mà bà đã lưu trữ bằng Chaná - một ngôn ngữ cổ được nói bằng cách hầu như không cử động môi hoặc lưỡi.
Người Chaná là dân tộc bản địa ở Argentina và Uruguay, cuộc sống gắn liền với dòng sông Paraná - con sông dài thứ hai ở Nam Mỹ. Họ tôn trọng sự im lặng, coi loài chim là người bảo vệ và hát những bài hát ru cho con mình: “Utalá tapey-’é, uá utalá dioi - ngủ đi con, mặt trời đã ngủ rồi!”.
Mẹ của Blas Jaime cảnh báo con trai không được chia sẻ những gì mình biết với bất kỳ ai. “Từ khi sinh ra, chúng tôi đã che giấu nền văn hóa của mình, bởi vì vào thời đó, thổ dân bản địa bị phân biệt đối xử”. Do vậy, phải đến khi nghỉ hưu, cụ mới có một khám phá đáng ngạc nhiên: Dường như, không còn ai khác nói tiếng Chaná. Các học giả từ lâu đã coi nó là một “tử ngữ”.
“Tôi nói với họ: “Tôi tồn tại. Tôi vẫn đang ở đây này’”, cụ Jaime kể. Những lời đó đã khởi đầu một cuộc hành trình cần mẫn mà cụ thực hiện cùng một nhà ngôn ngữ học, để kiến tạo cuốn từ điển khoảng 1.000 từ Chaná.
Đối với những người có nguồn gốc bản địa ở Argentina, cụ Jaime là ngọn hải đăng rọi về tiềm thức của họ. Và đối với toàn Argentina, cụ cũng là một phần quan trọng trong nỗ lực đánh giá lại lịch sử thuộc địa hóa cũng như sự xóa sổ văn hóa bản địa. “Ngôn ngữ là thứ mang lại cho bạn bản sắc. Những sắc dân không có ngôn ngữ riêng, thì không còn là một sắc tộc”, cụ Jaime khẳng định.
Cụ Jaime và con gái. |
Một hành trình đang được tiếp nối
Trên hành trình làm sống lại tiếng Chaná, cụ Jaime được chọn làm nhân vật, chủ đề của một số phim tài liệu, cũng như được mời thuyết trình trên kênh TED Talk, hoặc xuất hiện trong một phim hoạt hình giáo dục về Chaná. Năm ngoái, đoạn ghi âm cụ nói tiếng Chaná đã vang vọng khắp trung tâm thủ đô Buenos Aires, như một phần của dự án nghệ thuật, nhằm tôn vinh lịch sử bản địa Argentina.
Bây giờ, “ngọn đuốc” ấy đang được cụ chuyển giao cho con gái: bà Evangelina Jaime. Evangelina đã học tiếng Chaná từ cha mình, và đang dạy cho những người khác, dù không rõ có bao nhiêu người Chaná còn lại ở Argentina. “Đó là sự im lặng của nhiều thế hệ. Nhưng chúng tôi sẽ không im lặng nữa”, bà nói.
Theo các nhà khảo cổ, người Chaná định cư từ khoảng 2.000 năm trước tại khu vực ngày nay là các tỉnh Buenos Aires, Santa Fe và Entre Rios của Argentina, cũng như một phần của Uruguay hiện đại. Ghi chép của châu Âu đầu tiên về người Chaná được các nhà thám hiểm Tây Ban Nha thực hiện vào thế kỷ 16. Người Chaná đánh cá, sống cuộc sống du mục và là những nghệ nhân gốm lành nghề. Nhưng cùng với quá trình thuộc địa hóa, người Chaná bị di dời, lãnh thổ của họ bị thu hẹp và số lượng nhân khẩu giảm dần, khi bị đồng hóa ở quốc gia Argentina mới thành lập.
Trước khi cụ Jaime tiết lộ kiến thức của mình về Chaná, ghi chép cuối cùng được biết đến về ngôn ngữ này là vào năm 1815, khi Dámaso Larranaga, một linh mục, gặp ba người đàn ông Chaná lớn tuổi ở Uruguay và ghi lại những gì ông học được về ngôn ngữ này vào hai cuốn sổ tay. Nhưng, chỉ có một cuốn còn sót lại, và nó cũng chỉ chứa vỏn vẹn 70 từ.
May thay, kho thông tin mà cụ Jaime có được từ mẹ mình rộng lớn hơn nhiều. Cụ bà Miguelina Yelón là một adá oyendén - một “người phụ nữ lưu giữ ký ức” trong tiếng Chaná - có nhiệm vụ bảo tồn kiến thức của cộng đồng. Trước đây, chỉ có phụ nữ mới là người lưu giữ ký ức Chaná. Nhưng cụ bà Miguelina không có con gái nào để truyền đạt kiến thức (ba cô con gái của cụ đều mất khi còn nhỏ). Vì thế, cụ quay sang người con trai duy nhất. Đó là lý do cậu bé Blas Jaime thường dành cả buổi chiều để đắm mình vào những câu chuyện về người Chaná, học những từ mô tả thế giới của họ: “atamá” có nghĩa là “sông”; “vanatí beáda” là “cây”; “tijuinem” có nghĩa là “thần”; “yogüin” là “lửa”…
“Chúng ta sẽ không để mất Chaná nữa!”
Một trong những người đầu tiên đưa cụ Jaime đến với công chúng là Daniel Tirso Fiorotto, một nhà báo của tờ La Nación. “Tôi biết rằng đây là một kho báu”, ông Fiorotto, người đã xuất bản câu chuyện đầu tiên về cụ Jaime vào tháng 3/2005, kể lại. Sau khi đọc bài viết của nhà báo Fiorotto, Pedro Viegas Barros, một nhà ngôn ngữ học, cũng đã gặp cụ Jaime và tìm thấy một kho tàng những mảnh vỡ quý giá của một ngôn ngữ, ngay cả khi nó đã bị xói mòn do không được sử dụng. Cuộc gặp đánh dấu sự khởi đầu của sự hợp tác kéo dài nhiều năm. Viegas Barros đã viết một số bài báo về quá trình cố gắng phục hồi ngôn ngữ, đồng thời cùng cụ Jaime xuất bản một cuốn từ điển, bao gồm các truyền thuyết và nghi lễ Chaná.
Theo bà Serena Heckler - chuyên gia chương trình tại văn phòng khu vực UNESCO ở Montevideo (Uruguay), dù việc bảo tồn tiếng Chaná không phải là trường hợp duy nhất về một ngôn ngữ từng được cho là đã chết đột nhiên hồi sinh, nhưng nó đặc biệt hiếm trong bối cảnh Nam Mỹ. Ở Argentina, cũng như các quốc gia Mỹ latin khác, người bản địa từng phải chịu đựng sự đàn áp có hệ thống, khiến ngôn ngữ của họ bị xói mòn hoặc biến mất. Bà Heckler cho biết: Trong một số trường hợp, trẻ em còn bị đánh ở trường vì nói một ngôn ngữ không phải tiếng Tây Ban Nha. Vì thế, việc cứu vãn một ngôn ngữ hiếm như Chaná là rất khó.
Bản thân con gái cụ Jaime, bà Evangelina cũng từng phải xa lánh thứ tiếng của tổ tiên, vì bị bắt nạt ở trường và bị giáo viên mắng mỏ khi thừa nhận là người Chaná. Nhưng sau khi thấy cha mình bắt đầu diễn thuyết trước công chúng về Chaná, Evangelina đã giúp cha tổ chức các lớp học ngôn ngữ tại một bảo tàng địa phương. Trong quá trình đó, bà bắt đầu học tiếng Chaná. Hiện Evangelina dạy ngôn ngữ này trực tuyến cho học viên trên khắp thế giới - nhiều người là học giả và một số tin rằng họ có thể là hậu duệ của người Chaná.
Evangelina không có con gái. Và bà dự định sẽ dạy ngôn ngữ cho con trai lớn của mình, để cậu có thể tiếp nối gia phong. “Bây giờ con bé biết nhiều hơn tôi và làm được nhiều hơn tôi”, cụ Jaime nói, với một nụ cười mãn nguyện. “Chúng ta sẽ không để mất Chaná lần nữa!” ■