Món quà bất ngờ
“Trong các tác phẩm của mình, Han Kang đối mặt những tổn thương lịch sử và phơi bày những quy tắc vô hình, đồng thời phơi bày sự mong manh của sinh mệnh con người. Bà có một nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, sự sống và cái chết. Không chỉ vậy, với phong cách đầy chất thơ và sự trải nghiệm, bà đã thành công đổi mới văn xuôi đương đại” - Ander Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel đánh giá.
Đương nhiên, như hầu hết mọi lần trao giải Nobel Văn học gần đây, chiến thắng này của Han Kang nhanh chóng tạo nên những cuộc tranh cãi. Một bên cho rằng bà hoàn toàn xứng đáng, một bên lại đánh giá các tác phẩm của bà tuy có hay nhưng… chưa đủ xuất sắc.
Nhiều nhà phê bình cũng như các diễn đàn văn học đã xôn xao bàn luận về các đề cử sáng giá cho giải thưởng năm nay, trong đó hoàn toàn không có cái tên Han Kang. Họ “đặt cược” vào những “gương mặt thân quen” như: Tàn Tuyết (Trung Quốc), Gerald Murnane (Australia), Haruki Murakami (Nhật Bản), Michel Houellebecq (Pháp)… Nhưng vượt qua tất cả, Han Kang thành công trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên nhận giải Nobel Văn học.
Trên thực tế, Han Kang là “con nhà nòi”. Bố của bà là tiểu thuyết gia Han Seung Won, anh trai bà cũng theo đuổi con đường văn chương, dù có phần thầm lặng hơn. Han Kang lớn lên trong không gian tràn ngập sách. Đó là thứ duy nhất được nâng niu mỗi lần chuyển nhà của cả gia đình, cũng là điều giúp Han Kang cảm thấy an toàn khi tới một môi trường mới. “Tôi chỉ có thể yên tâm khi được bao bọc bởi sách”, bà thổ lộ.
Vào năm 2005, Han Kang vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Yi Sang danh giá của quê hương, chính thức đánh dấu sự tiếp nối thành công của gia đình họ Han. Trước đó, năm 1988, ông Han Seung Won cũng nhận được vinh dự tương tự. Trên các diễn đàn văn học lúc bấy giờ, người ta bàn luận sôi nổi về chiến thắng của Han Kang, ghi nhận bà như “thành viên bé nhất trong gia đình, không chỉ thành công trong sự nghiệp, còn thành công trong việc thay đổi nhận định trật tự phụ hệ truyền thống, trọng nam khinh nữ, đánh bay định kiến chỉ con trai trưởng mới kế thừa và phát triển di sản của gia đình!”.
Thành công của Han Kang hiện đang tạo nên một làn sóng “càn quét” sách của bà trên mọi sàn thương mại điện tử cũng như các hiệu sách trên khắp Hàn Quốc. Một đại diện của hiệu sách trực tuyến Coupang cho biết: “Các nhà sách đang gấp rút bổ sung, bảo đảm nguồn cung sách. Doanh số bán ra các tác phẩm của nhà văn Han Kang đã tăng mạnh, gấp 600-700 lần so trước đó!”.
Người Hàn xếp hàng tìm mua các tác phẩm của Han Kang. |
Con người chỉ hiện lên trong trang sách
Giống như phần lớn những đại diện vinh dự nhận giải Nobel khác, thông tin về Han Kang và cuộc sống của bà hiếm hoi và ít ỏi. Bà thường chỉ xuất hiện trước công chúng mỗi khi xuất bản sách, sau đó lại lui về ở ẩn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy chuyên ngành viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul. Công chúng chỉ có thể nhìn thấy bà, “làm quen” với bà thông qua các tác phẩm.
The white book, xuất bản năm 2018, được giới phê bình văn học nhận xét là “một áng thơ dài, rực rỡ và cảm động”. Nhưng ít ai biết, tác phẩm ấy được lấy cảm hứng từ người chị đã mất khi mới lọt lòng được vài giờ của Han Kang. Bà chỉ được biết về người chị ấy qua lời kể của mẹ, và ngay chính bà được sinh ra cũng đã là may mắn. Khi mang thai Han Kang, mẹ của bà gặp phải những trận ốm liên miên, phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Nhiều lời khuyên được đưa ra, nhưng mẹ của bà nhất quyết không bỏ đứa con trong bụng, khi cảm nhận được chuyển động đầu tiên của Han Kang. “Đó là một tín hiệu: Hãy giữ con lại! Và tôi sống được như một phép mầu!” - một trong những chia sẻ hiếm hoi của Han Kang về đời tư của bà.
Greek Lessons, xuất bản lần đầu năm 2011, kể về một cô gái đột nhiên mất đi giọng nói một cách bí ẩn, may mắn tìm thấy sự an ủi trong lớp học của giáo viên tiếng Hy Lạp cổ - người cũng mất đi thị lực. Nhân vật nữ chính mất đi phương tiện giao tiếp duy nhất, như cách Han Kang kêu cứu cho tình trạng không thể viết, không thể đọc của bản thân trong suốt thời gian trước đó. Bà mô tả về thời gian “mất đi phương tiện duy nhất”: “Trong suốt một năm ấy, ngôn ngữ giống như con dao hai lưỡi mà tôi không thể nắm bắt, không có nguyên nhân cụ thể nào. Tôi tự trị liệu bằng cách chuyển sang thư giãn bằng cách xem phim tài liệu, tìm đọc nghiên cứu về khoa học”.
Một phần nguyên nhân dẫn tới hội chứng khó đọc đó, đến từ chứng bệnh đau nửa đầu - căn bệnh đã dai dẳng đeo bám lấy Han Kang từ những năm niên thiếu. Nhưng trên hết, bà vẫn biết ơn những cơn đau: “Nếu tôi khỏe mạnh hoàn toàn, có lẽ tôi đã không thể trở thành nhà văn. Từng cơn đau đều đang nhắc nhở tôi là con người, cần phải sống và khiêm tốn với sức lực của bản thân!”.
The Vegetarian, xuất bản lần đầu năm 2007, tác phẩm giúp tên tuổi của Han Kang được nhiều người biết tới, miêu tả cuộc đời của nữ chính - người từ chối không ăn thịt, trái với quy định về ăn uống của gia đình, dẫn tới việc cô bị bạo hành bởi chính người thân của mình. Tác phẩm thể hiện sự đồng cảm của Han Kang với những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ trong xã hội bất bình đẳng giới. Tờ The Guardian đã từng nhận xét: “Cuốn tiểu thuyết này là sự giằng xé nội tâm muốn thoát ra khỏi những ràng buộc áp đặt lên phụ nữ hiện đại”.
Và sau hàng loạt những chiêm nghiệm về thương tổn, đến hiện tại, khi đang ở độ tuổi 54, trải qua những ngày nhẹ nhàng bên con trai, Han Kang không còn muốn khai thác những tổn thương. Bà chia sẻ khi chuẩn bị cho cuốn sách mới, hướng đến những câu chuyện tươi sáng và ấm áp hơn: “Tôi đã chịu đủ cảm giác lạnh lẽo rồi, tôi muốn mùa xuân đến!”.