Thời điểm Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố thông tin trên, rất nhiều người cảm thấy băn khoăn: Tại sao các nhà khoa học máy tính lại nhận được giải Nobel Vật lý?
Tuy nhiên, đối với cộng đồng các nhà nghiên cứu, đây không phải điều gì quá đỗi bất ngờ. Geoffrey Hinton và cả John Hopfield đã sử dụng các công cụ vật lý để phát triển những phương pháp nền tảng của học máy (machine learning).
Giáo sư Elena Simperl (Khoa Thông tin, Đại học King, London, Vương quốc Anh) nhấn mạnh: Vai trò của AI trong việc biến đổi cách chúng ta làm khoa học là điều không thể xem thường. Giải Nobel ghi nhận điều này và đồng thời công nhận vai trò của những phương pháp liên ngành trong thời đại mới.
John Hopfield đã tạo ra bộ nhớ liên kết cho phép lưu trữ và tái tạo hình ảnh cũng như nhiều loại dữ liệu khác nhau. Từ nghiên cứu này, Geoffrey Hinton phát triển mạng lưới thần kinh nhân tạo mang tên Boltzmann. Nó có thể học cách nhận dạng các thuộc tính trong dữ liệu và thực hiện nhiệm vụ nhận diện những yếu tố cụ thể từ hình ảnh bất kỳ.
AI được lấy cảm hứng từ cấu trúc bộ não con người. Trong mạng lưới thần kinh nhân tạo, các neuron được biểu diễn bằng các node mạng với nhiều giá trị. Chúng sẽ tác động lẫn nhau thông qua các kết nối (được ví như các khớp thần kinh).
Việc phát triển các kết nối mạnh hơn hoặc yếu hơn chính là cách hiểu nôm na về việc đào tạo các mạng lưới trước khi đưa vào sử dụng. Và quá trình này được mô tả bằng ngôn ngữ vật lý.
“Trở thành học giả
hay làm kẻ thất bại”
Từ khi còn nhỏ, gia đình Geoffrey Hinton đã vạch rõ đường hướng phát triển tương lai. Người cha Geoffrey Taylor là học giả được kính trọng, thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh. Người em họ Joan Hinton là một trong số ít những nhà vật lý hạt nhân nữ làm việc trong Dự án Manhattan (dự án sản xuất vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới). Còn ông cố George Boole là nhà toán học phát minh ra đại số Boole, vĩ nhân đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học máy tính hiện đại.
“Bố tôi cho tôi theo học trường đạo, nơi mọi người phải cầu nguyện mỗi buổi sáng. Từ nhỏ, tôi đã bị thuyết phục rằng rất nhiều thứ giáo viên và trẻ con tin tưởng thật ra đều nhảm nhí. Đó có vẻ là cách đào luyện rất tốt cho một nhà khoa học, và nó càng đúng với trí tuệ nhân tạo”, Hinton chia sẻ.
Thời điểm học trung học, Hinton và một người bạn tin tưởng rằng những ký ức được lưu trữ trên một mạng lưới neuron rộng lớn. Thế nhưng, có nhiều câu hỏi cơ bản về bộ não mà khoa học lúc bấy giờ chưa thể giải đáp. Không mấy ai hiểu biết về nguồn gốc trí thông minh con người. Và Hinton quyết tâm đi tìm câu trả lời.
“Trong khoa học, bạn có thể nói những điều có vẻ điên rồ. Nhưng về lâu dài, chúng hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực. Do đó, khi bạn thấy ý tưởng của mình hay và mọi người nghĩ nó hoàn toàn vớ vẩn thì đây cũng là dấu hiệu của một ý tưởng rất hay”, Geoffrey Hinton khẳng định.
Những năm 50 và 60 của thế kỷ trước đánh dấu giai đoạn các nhà khoa học thời kỳ đầu liên tục gặp thất bại. Họ phải chật vật tìm kiếm kinh phí để tồn tại qua “mùa đông AI”.
Với Hinton, mạng neuron thần kinh nhân tạo ở nhiều thời điểm là chủ đề bị né tránh đến nỗi ông không tìm được nghiên cứu sinh hỗ trợ. Cố vấn luận án tiến sĩ cũng liên tục thúc giục ông sớm thay đổi cách tiếp cận của mình.
Phải tới năm 2012, Hinton và hai sinh viên sau đại học của mình (Alex Krizhevsky và Ilya Sutskever) mới tỏa sáng khi chinh phục toàn bộ đối thủ tại cuộc thi ImageNet. Sự kiên trì của ông đã được đền đáp. Mạng lưới neuron thần kinh nhân tạo mà ông dày công xây dựng bao năm rồi cũng đến ngày trưởng thành.
Giải Turing năm 2018 (giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực khoa học máy tính) và mới nhất là giải Nobel Vật lý đã chính thức ghi nhận sự cống hiến, đưa Geoffrey Hinton sánh vai cùng những vĩ nhân trong gia đình.
Những lằn ranh
mong manh
Geoffrey Hinton đã dành cả sự nghiệp của mình để xây dựng các hệ thống AI mô phỏng bộ não người. Ông luôn quả quyết rằng não bộ tốt hơn hẳn những bộ máy, cho tới khoảng thời gian gần đây.
Công trình tiên phong của Hinton giờ đã ứng dụng tại vô vàn lĩnh vực trong cuộc sống, đồng thời thúc đẩy sự chuyển đổi chóng mặt của các ngành công nghiệp. Cuộc cách mạng AI đã trở thành đề tài bàn luận gây sốt trên toàn cầu.
Năm 2023, giới công nghệ được phen chấn động khi Hinton xác nhận rời khỏi Google. Theo ông, quyết định này nhằm thúc đẩy sự lên tiếng mạnh mẽ hơn về những rủi ro tiềm ẩn của công nghệ, rằng AI sẽ vượt quá khả năng trí tuệ của con người.
Các nước trên thế giới giờ chạy đua với tốc độ khủng khiếp. Chỉ 5 năm nữa thôi, các hệ thống AI sẽ đạt được cột mốc 100 nghìn tỷ kết nối - gần bằng số lượng kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não bộ con người.
“AI tuyệt vời ở nhiều khía cạnh, nhưng chúng ta phải cảnh giác với những nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Khi chúng ta tạo ra những hệ thống đủ phức tạp, chúng có thể có những hành vi con người không thể dự đoán được, bên trong những hệ thống đó có thể tồn tại những quy luật vật lý mới mà chúng ta chưa khám phá hết”, Hinton phát biểu qua điện thoại từ California, sau khi được trao giải Nobel.
Công nghệ đang trở thành con dao hai lưỡi và Hinton giờ đã không thể làm gì nhiều. Ông cảm thấy mình quá già để tiếp tục nghiên cứu. Việc cống hiến gần như cả cuộc đời cho ngành khoa học máy tính đã tạo nên vấn đề về lưng. Hinton không thể ngồi xuống một cách bình thường. Việc dùng bữa cũng được thực hiện trong tư thế quỳ gối xuống phía trước bàn giống như cách các nhà sư hành lễ. Ông phải nằm trên băng ghế sau, mỗi khi di chuyển bằng ô-tô. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với tạp chí TIME, ông cũng không thể ngồi yên mà liên tục lắc lư người nhẹ nhàng trước ống kính máy ảnh.
Geoffrey Hinton dành thời gian chia sẻ với cộng đồng về những mối hiểm họa từ AI. |
Ở tuổi 76, Hinton không ngừng gióng lên những hồi chuông cảnh báo với thế giới, đồng thời cố gắng giải thích các chi tiết kỹ thuật của AI theo cách dễ hiểu nhất nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Ông cũng dành thời gian trò chuyện cùng các nhà hoạch định chính sách, bao gồm các quan chức tại văn phòng Thủ tướng Anh, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bernie Sanders và Jon Ossoff...
Luôn tồn tại những lằn ranh mong manh với các nghiên cứu khoa học. Như trường hợp người em họ Joan Hinton, bà đã trở thành nhà hoạt động vì hòa bình, sau khi vũ khí hạt nhân từ Dự án Manhattan được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Bây giờ, Joan dành phần lớn thời gian còn lại để tận hưởng cuộc sống tại một trang trại chăn nuôi bò sữa.
Tương tự như Joan, Geoffrey Hinton giờ cũng tìm về vùng quê để tránh xa những ồn ào. Ông dự định sẽ quay lại với đam mê làm đồ gỗ và nỗ lực khôi phục sức khỏe bằng những chuyến đi bộ đường dài.