1. “Tôi gọi đó là 72 ngày Thịnh nộ” - Donald Trump nói với Time, về 72 ngày nước rút trong chặng về đích của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, nơi chiến thắng sau cùng của ông được tung hô như “cuộc trở lại vĩ đại nhất lịch sử (nước Mỹ)” - “Đất nước này đã phẫn nộ, và chúng tôi đã chạm đến những dây thần kinh giận dữ ấy”.
Có lẽ, nhà tỷ phú, vị cựu Tổng thống thứ 45, người nhảy vào lĩnh vực chính trị với vị thế “tay ngang” năm 2016 này không trực tiếp nói về vụ ám sát đã suýt chút nữa lấy mạng ông, trong đường tơ kẽ tóc, ngày 13/7, ở Pennsylvania.
Như Time phân tích, Trump đề cập đến việc ông đã khai thác được sự thất vọng sâu sắc trong lòng đông đảo cử tri của quốc gia, về khả năng điều hành hệ thống kinh tế, về nạn nhập cư trái phép, về cả các vấn đề thuộc khía cạnh văn hóa. Chính nhờ việc khơi thêm những ngọn lửa trong tâm trạng xã hội ấy, ông đã lần lượt đánh bại không chỉ một mà là hai ứng viên đảng Dân chủ, bao gồm Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden - người “hạ gục” ông năm 2020 - cùng Phó Tổng thống Kamala Harris, “vào sân thay người” với hành trang là cơ hội mang đến cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nữ Tổng thống (và cũng là nữ Tổng thống da mầu) đầu tiên trong lịch sử.
“Quét sạch” cả bảy bang chiến địa (swing states), giành thắng lợi áp đảo ở cả lượng phiếu đại cử tri lẫn phiếu phổ thông, Donald Trump được Time đánh giá là đã “sắp xếp lại nền chính trị Mỹ, tái thiết đảng Cộng hòa, và khiến đảng Dân chủ phải nghiêm túc xem xét lại những gì đã xảy ra”. Điều đó sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu ông không có những kế hoạch khả thi và giàu tính thay đổi vượt trội để nói với cử tri. Từ ông, những nỗi bất bình đối với cả một hệ thống quản trị quốc gia được kết nối tới những bậc hưu trí, những bà mẹ, những người đàn ông (kể cả gốc Latin hay gốc Phi), thậm chí không ít thanh niên. Nhờ khai thác thứ “vũ khí tối thượng” này, ông tập hợp được quanh mình cả sự ủng hộ của một “đại gia công nghệ” như tỷ phú Elon Musk, lẫn một chính trị gia “trâm anh thế phiệt” của đảng Dân chủ chấp nhận “đổi phe”, như Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy Jr - người khẳng định: “Chúng ta cần có một Tổng thống có thể trả lời phỏng vấn, trình bày rõ ràng tầm nhìn, nói năng lưu loát, đủ khả năng bảo vệ chính sách, quan điểm của mình cũng như tham gia vào các cuộc tranh luận và những sự kiện không có kịch bản”.
Tuy vậy, cũng khó có thể phủ nhận được rằng: Chính viên đạn sượt qua linh hồn hôm 13/7 ấy, cũng như hình ảnh vung nắm tay và tiếng thét “Chiến đấu!” của ông, cũng như hai âm mưu ám sát bất thành sau đó nữa, đã góp phần đáng kể làm nghiêng cán cân ưu thế về phía Donald Trump. Ở rất nhiều phương diện, khoảnh khắc chấp chới trên lằn ranh sống chết đó, lan tỏa với tốc độ ánh sáng trên các nền tảng mạng xã hội, là một hình ảnh giàu sức lay động. Đặc biệt, với đặc trưng văn hóa Mỹ truyền thống, nó khoác lên cho ông dáng dấp của một “siêu anh hùng” trong những bộ phim bom tấn của Hollywood, để khiến đám đông tin tưởng và ngưỡng mộ.
2. “Donald Trump là một người phức tạp với những ý tưởng đơn giản. Trong khi đó, quá nhiều chính trị gia hiện thời hoàn toàn ngược lại” - Kellyane Conway, cố vấn thân cận và là người chịu trách nhiệm chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump, nhận xét. Điều này cố nhiên là một lợi thế, khi tạo nên sự khác biệt. Song, cũng chính vì vậy, nó khiến Trump luôn phải chấp nhận mạo hiểm, đôi khi là mạo hiểm trong thế đơn độc trên chính trường.
Trước khi bị ám sát bất thành, Donald Trump là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội, bởi một tòa án ở New York. Trước đó nữa, kể từ khi dấn thân vào con đường hoạt động chính trị, ông từng bị cáo buộc và điều tra, hết lần này đến lần khác. Nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông khép lại bằng cuộc tấn công vào Đồi Capitol (trụ sở lưỡng viện Quốc hội Mỹ) của những người ủng hộ ông, trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Thậm chí, đến cả một gia tộc lâu đời thuộc đảng Cộng hòa như nhà Bush cũng quay lưng với ông, và gần như toàn đảng Cộng hòa cô lập ông.
Ông là cái gai trong mắt nhiều người, và những chính sách quyết liệt cũng như tuyên bố “ngông ngạo” của ông khiến chuyện có những thế lực muốn ông bị tiêu diệt trở nên dễ hình dung. Thí dụ, nhiệm kỳ trước, Trump đặt mục tiêu “tát cạn đầm lầy Washington”, nghĩa là động chạm trực tiếp đến mặt tối của chính trường Mỹ - bao gồm cả sự câu kết và lũng đoạn giữa các đại tài phiệt với các quan chức chính quyền. Còn hiện tại, Donald Trump đang gấp rút xây dựng cho mình một bộ máy nhân sự tương thích với lập trường “Nước Mỹ trên hết (America First)” của ông, bao gồm những lựa chọn xa lạ với chính trị, tiêu biểu là Elon Musk, cùng một chức danh “khác biệt”: Bộ trưởng Hiệu quả Chính phủ, hay Scott Bessent, một tỷ phú khác, trong vai trò Bộ trưởng Tài chính.
Ông chú trọng vào các mục tiêu kinh tế, hứa hẹn sẽ giành lại những công đoạn giàu giá trị thặng dư nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu về cho các công dân Mỹ. Ở một khía cạnh nào đó, ông điều hành quốc gia theo cách điều hành một công ty. Và, khác với rất nhiều người tiền nhiệm, Donald Trump không hứng thú với chiến tranh. Đối với ông, mọi cuộc chiến mà nước Mỹ phải tham gia đều chỉ là sự phí phạm tiền bạc (bất chấp dòng lợi nhuận khổng lồ chảy ngược về các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ). Rõ ràng, cách tiếp cận này sẽ tiếp tục tạo nên những luồng phản chấn cũng như áp lực, từ các đối thủ chính trị (nhất là đảng Dân chủ) vốn luôn tìm mọi cách ngáng đường.
3. Chưa kể, bên ngoài biên giới, trạng thái căng thẳng là điều tất yếu (đã và đang) xảy ra, khi Donald Trump trở lại đỉnh cao quyền lực, như một biểu tượng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Không chỉ “thương chiến Mỹ - Trung”, sức nóng quanh những quyết sách của ông cũng đã rực lên ngay từ lúc này, với dự định áp dụng hàng rào thuế quan khắc nghiệt đối với cả các đồng minh truyền thống Liên minh châu Âu (EU), lẫn những nước láng giềng Bắc Mỹ như Canada hay Mexico.
Không chỉ vậy, có gì bảo đảm là ông có thể thuyết phục những người đồng cấp Vladimir Putin hay Volodymyr Zelensky chấp nhận kế hoạch ngừng bắn của mình, tại Ukraine, như lời hứa hẹn lúc tranh cử? Mặt trận ngoại giao, do đó, cũng đầy thách thức và cạm bẫy. Song, ở thế đã “cưỡi trên lưng hổ”, ngoài tiếp tục đi đến tận cùng con đường, có lẽ cũng chẳng còn nhiều lựa chọn dành cho ông...