Niềm đam mê với khoa học tái tạo
“Tôi luôn bị cuốn hút bởi cách vạn vật vận hành, bởi những quy luật ẩn sau những hiện tượng tự nhiên”, Anseth chia sẻ. Chính niềm đam mê khám phá này đã dẫn dắt Kristi đến với ngành kỹ thuật hóa học, một lĩnh vực còn khá mới mẻ, đặc biệt với phụ nữ.
Kristi được sinh ra và lớn lên tại Williston, Bắc Dakota, một thị trấn nhỏ yên bình nép mình giữa những cánh đồng bất tận của miền Trung Tây nước Mỹ. Ngay từ nhỏ, cô bé đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt với những con số và các vấn đề về kỹ thuật, tự nhiên - những điều vốn mặc định chỉ dành cho con trai. Bước ngoặt đến với Anseth khi bà theo học tại Đại học Purdue. Giáo sư Nicholas Peppas, người thầy đầu tiên nhìn thấy tiềm năng to lớn ở cô sinh viên trẻ tuổi, đã khơi dậy trong bà niềm đam mê với kỹ thuật sinh học. “Ông ấy luôn khuyến khích tôi đặt câu hỏi, thử nghiệm và không ngừng sáng tạo”, Anseth nhớ lại. Chính sự dẫn dắt tận tâm của Peppas đã giúp Anseth nhận ra rằng kỹ thuật hóa học có thể là chìa khóa để giải quyết những vấn đề y học nan giải.
Một bước ngoặt nữa đến với Anseth khi bà tham dự buổi thuyết giảng của giáo sư Robert Langer từ Viện Công nghệ Massachusetts về kỹ thuật mô. “Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi ý tưởng tạo ra những bộ phận cơ thể thay thế, giúp con người vượt qua những giới hạn sinh học”, Anseth chia sẻ. Đặc biệt, bà bị thu hút mãnh liệt bởi những khía cạnh liên quan đến việc tái tạo và hồi phục các bộ phận cơ thể suy yếu, thoái hóa, theo lẽ tự nhiên. Khao khát ấy đã thôi thúc bà theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Đại học Colorado Boulder, nơi bà bắt đầu hành trình nghiên cứu.
Tại đây, Anseth đã chứng tỏ tài năng vượt trội. Bà và các cộng sự thiết kế các vật liệu sinh học tương tác với các mô sống để thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo, hỗ trợ chữa lành vết thương và bệnh tật, đẩy nhanh quá trình chữa lành. “Mục tiêu của tôi là tạo ra những vật liệu có thể “giao tiếp” với tế bào, hướng dẫn chúng tái tạo và phục hồi chức năng” - Anseth giải thích. Những nghiên cứu và sáng chế của bà đã mở ra hướng đi mới cho y học tái tạo, ứng dụng trong chữa lành xương gãy, thay thế van tim, điều trị bỏng nặng và nhiều bệnh lý khác, giúp hồi phục chức năng cho hàng triệu bệnh nhân.
Bà cũng mong muốn tạo ra những phương pháp đột phá nhằm giúp con người chiến thắng sự lão hóa, bằng việc cải thiện những cơ quan trên cơ thể: “Lão hóa là một quá trình tự nhiên phức tạp mà chúng ta không thể đảo ngược, nhưng chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị thoái hóa khớp, cơ và tim”.
Những đóng góp của bà đã và đang mở ra hy vọng cho hàng triệu người bệnh trên khắp thế giới, giúp họ có cơ hội phục hồi sức khỏe và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn. Trong tương lai, bà cũng mong muốn tìm ra cách can thiệp sớm hơn, để có thể khiến cơ bắp phát triển, chữa lành sụn, nối các dây thần kinh, hoặc chống lại sự lão hóa..., những điều chưa thể thực hiện lúc này.
Kristi Anseth trong giây phút nhận Giải đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ. |
Hãy biết cách chấp nhận thất bại
Ngay từ những ngày đầu sự nghiệp, Kristi Anseth đã sớm chú trọng đến việc truyền kiến thức, kinh nghiệm cho những người có đam mê khoa học. Bà nhận thấy rằng việc cố vấn giúp người khác đạt được mục tiêu của họ là một điều vô cùng ý nghĩa. Các sinh viên tại Đại học Boulder vẫn truyền tai nhau về nữ giảng viên tin cậy, chân thành và đầy sự đồng cảm ấy.
Hành trình khoa học của Kristi Anseth là một hành trình hướng về con người, với những nỗ lực không ngừng để tạo ra thay đổi tích cực trong khoa học, y tế và giáo dục. Không chỉ luôn tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu, Anseth còn không ngừng học hỏi từ chính những sinh viên và đồng nghiệp của mình. Bà trân trọng và không ngừng biết ơn những người thầy đã dìu dắt mình trên con đường khoa học. Hơn thế nữa, Anseth nhận thức rõ giá trị của việc trở thành hình mẫu, truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.
Là một phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, bà đã phải đối mặt không ít khó khăn và định kiến. “Như tất cả mọi người, cũng có những lúc tôi cảm thấy mình lạc lõng, bị nghi ngờ về năng lực”, Anseth thẳng thắn chia sẻ. Nhưng, bà cũng luôn khuyên các học viên: “Hãy chăm chỉ, tiếp thu những lời phê bình mang tính xây dựng, học hỏi từ chính những sai lầm, luôn hướng về phía trước và đừng ngại tìm kiếm người thầy giỏi để học hỏi”. Anseth tin rằng việc thử thách bản thân và chấp nhận thất bại là chìa khóa cho sự tiến bộ.
Mặc dù là người kín tiếng, Giáo sư Anseth cũng luôn trân trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình, đặc biệt là người bạn đời và con cái, mỗi khi bà đạt được thành công trong sự nghiệp. Bà biết rõ, chính sự ủng hộ và thấu hiểu của họ đã tạo nên “hậu phương” vững chắc, giúp bà toàn tâm toàn ý nghiên cứu khoa học. Tình cảm gia đình ấm áp này cũng là động lực để Anseth không ngừng nỗ lực, không ngừng đóng góp những điều ý nghĩa cho cộng đồng.
Năm 2008, Kristi Anseth được phong hàm Giáo sư xuất sắc, trở thành người trẻ nhất trong lịch sử Đại học Boulder đạt được danh hiệu này. Bà cũng được tạp chí Popular Science vinh danh là một trong “10 nhà khoa học xuất sắc” và được Viện Kỹ sư Hóa học Mỹ xướng tên trong danh sách “100 Kỹ sư Hóa học của Kỷ nguyên hiện đại”. Năm 2009, bà được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ. Một năm sau đó, bà trở thành thành viên trẻ nhất được bầu vào cả Viện Hàn lâm Kỹ thuật và Viện Y học quốc gia.