18 tuổi, 14 đỉnh núi và một ngọn lửa đam mê

Nima Rinji Sherpa (ảnh bên), chàng trai 18 tuổi người Sherpa - một sắc dân thiểu số chuyên hỗ trợ những nhà leo núi Himalaya, vừa trở thành người trẻ nhất chinh phục 14 ngọn núi cao nhất thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
18 tuổi, 14 đỉnh núi và một ngọn lửa đam mê

Thảm kịch tiếp thêm sức mạnh

Mùa thu năm ngoái, Nima Rinji Sherpa (một số người Sherpa có họ riêng, chẳng hạn như Tenzing Norgay, người đã cùng Sir Edmund Hillary chinh phục đỉnh Everest; một số lấy tên của dân tộc làm họ của mình, như trường hợp nhân vật chính trong bài này), khi đó 17 tuổi, đã ở Tây Tạng chuẩn bị leo lên núi Shishapangma, ngọn núi cao thứ 14 thế giới. Anh biết rằng để lên đến đỉnh cao 8.027 m, anh sẽ phải bước vào khu vực gọi là “vùng tử thần”.

Nhưng thảm kịch đã xảy ra trước khi Nima Rinji Sherpa kịp bắt đầu hành trình. Một trận lở tuyết đã giết chết hai nhà leo núi, cùng hai người Sherpa hướng dẫn họ.

Trong số những người thiệt mạng có Tenjen Lama Sherpa, một hướng dẫn viên leo núi mà Nima Rinji Sherpa coi như là thầy mình. Vì vậy, cậu thanh niên Sherpa đã gác lại nỗ lực lập kỷ lục của riêng mình để tham gia nỗ lực cứu hộ, giúp những người leo núi khác bị mắc kẹt rời khỏi ngọn núi.

“Chúng tôi vẫn còn sốc”, Nima Rinji Sherpa kể lại trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times. “Tenjen Lama là người đàn ông mạnh mẽ nhất mà tôi biết”.

Nima Rinji Sherpa gần đây đã trở lại núi Shishapangma, mang theo kỷ niệm về người thầy. Vào ngày 9/10 năm nay, anh đã lên đến đỉnh và trở thành người trẻ nhất chinh phục đủ “8.000ers”, tức 14 ngọn núi cao hơn 8.000 mét.

Những lần leo núi của Nima Rinji đã được Rakesh Gurung, Cục trưởng Du lịch Nepal, xác nhận. Người giữ kỷ lục trước đó, Mingma Gyabu Sherpa, hoàn thành việc leo đủ 14 ngọn núi vào năm 2019 ở tuổi 30, theo tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness. Tổ chức này cho biết: Họ đã nhận được thông tin về kỳ tích của Nima Rinji, nhưng việc xác nhận có thể cần đến vài tháng.

Tai của Nima Rinji Sherpa đến giờ vẫn còn đen vì gió lạnh, một nguy cơ nghề nghiệp khi leo lên độ cao mà con người khó thở và thời tiết có thể gây mất mạng chỉ trong chốc lát. Nhưng mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với CNN từ thủ đô Kathmandu của Nepal, Nima Rinji cho biết anh sẽ nghỉ ngơi vài tuần trước khi chuẩn bị leo ngọn núi cao thứ tám thế giới, Manaslu, cùng nhà leo núi người Italy Simone Moro - ngay trong mùa đông năm nay.

Khát vọng Sherpa

Nima Rinji Sherpa cho biết: Anh hy vọng thành tích của mình sẽ nâng cao vai trò của người Sherpa bản địa ở Nepal trong một hoạt động mà họ phải gánh chịu nhiều rủi ro nhưng thường chỉ nhận được một phần nhỏ vinh quang. “Tôi phải chứng minh rằng chúng tôi giỏi như bất kỳ vận động viên nước ngoài nào,” chàng thanh niên 18 tuổi nói.

Dân tộc Sherpa bản địa đã sống ở vùng cao của dãy Himalaya qua nhiều thế hệ, và từ lâu đã là những hướng dẫn viên cho những người leo núi nước ngoài thực hiện ước mơ chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới. Người Sherpa thường là “xương sống” của các chuyến chinh phục Himalaya. Họ vận chuyển thiết bị nặng và vật tư cho khách hàng. Họ sửa dây thừng, mang theo thức ăn và hướng dẫn mọi người lên đỉnh núi cao trong điều kiện nguy hiểm. Thực hiện tất cả những công việc đó, họ phải dành thời gian ở “vùng tử thần”, bắt đầu từ độ cao khoảng 8.000 mét, nhiều hơn so với khách hàng của họ.

Các nạn nhân người Sherpa chiếm khoảng một phần ba trong số hơn 300 ca tử vong được biết đến trên đỉnh Everest. Nhưng, họ thường bị xếp vào phần... chú thích của lịch sử leo núi. Họ hiếm khi được vinh danh và tặng thưởng như khách hàng của mình. Thí dụ, Tenjen Lama Sherpa đã hướng dẫn nhà leo núi người Na Uy Kristin Harila khi chinh phục đủ 14 đỉnh trên 8.000 mét trong thời gian kỷ lục vào năm ngoái. Dù Tenjen Lama cũng đã làm mọi thứ mà khách hàng thực hiện (và còn hơn thế nữa), Kristin Harila mới là người nhận được hầu hết tiền bạc và danh tiếng.

“Nếu bạn thật sự hiểu về leo núi ở độ cao lớn, bạn sẽ biết người Sherpa đã đóng góp nhiều như thế nào cho toàn bộ ngành công nghiệp này”, Nima Rinji Sherpa nói. “Nhưng về cơ bản, tên tuổi của họ không được công nhận”.

18 tuổi, 14 đỉnh núi và một ngọn lửa đam mê ảnh 1

Người Sherpa luôn có mặt trên những hành trình vượt núi chông gai nhất, nhưng hiếm khi được ghi nhận xứng đáng.

Giữ lửa đam mê

Tenjen Lama Sherpa hy vọng sẽ thay đổi điều đó bằng cách định vị mình là một vận động viên, không chỉ là một hướng dẫn viên. Và vào thời điểm nhiều người Sherpa đang rời bỏ ngành này hoặc ngăn cản con cái họ theo nghề (vì sự nguy hiểm và mức đãi ngộ khiêm tốn), anh muốn chứng minh rằng hướng dẫn leo núi có thể trở thành một nghề nghiệp danh giá.

Không giống như nhiều người Sherpa khác, coi hướng dẫn leo núi là con đường thoát khỏi đói nghèo, Tenjen Lama theo đuổi nó như một niềm đam mê. Từ khi còn nhỏ, anh sống cùng những câu chuyện về kỳ tích của gia đình. Cha của Tenjen Lama, ông Tashi Lakpa Sherpa, mới 19 tuổi khi trở thành người trẻ nhất lên đến đỉnh Everest mà không cần sử dụng oxy bổ sung. Và hai người chú của Tenjen Lama - Mingma Sherpa và Chhang Dawa Sherpa - là cặp anh em đầu tiên leo lên 14 ngọn núi cao nhất.

Năm 16 tuổi, Tenjen Lama bắt đầu thực hiện sứ mệnh leo lên “8.000ers”, điều mới chỉ có vài chục người trên thế giới hoàn tất. Anh cho biết, hơn cả thể chất hay kỹ năng, điều cốt lõi “là chuyện ai có thể chịu đựng nhiều nhất, khi tình hình trở nên tồi tệ nhất”.

Tenjen Lama giải thích sức mạnh tinh thần của anh là kết quả của việc học cách “coi cái chết là một phần bình thường của công việc”, và không để nó cản trở. “Nếu bạn thấy có điều gì đó không ổn, bạn phải tin tưởng vào nhóm của mình”, anh nói, “Bạn phải tin vào bản năng”.

Cha mẹ Tenjen Lama đang điều hành 14 Peaks Expedition - một công ty chuyên tổ chức các chuyến leo núi tại Himalaya. Nhưng họ muốn con trai mình có thể sống tốt bằng một nghề nghiệp khác thay vì leo núi. Vì thế, Tenjen Lama được gửi tới thủ đô Kathmandu, nơi anh học hết trung học và thử sức với nghề nhiếp ảnh. Song, cuối cùng, dòng máu Sherpa chảy rần rật trong huyết quản vẫn “điều hướng” anh trở lại quê nhà.

Tenjen Lama cho biết, việc tạo dựng tên tuổi với tư cách là một vận động viên Sherpa không hề dễ dàng. Đến nay, anh vẫn phải vật lộn để thu hút sự chú ý của các thương hiệu, nhằm tìm kiếm các khoản tài trợ lớn. Tuy nhiên, anh hy vọng thành tích của mình sẽ thay đổi điều đó.

“Ước mơ của tôi rất đơn giản,” Tenjen Lama nói. “Đó là trở thành một trong những vận động viên leo núi giỏi nhất, tạo dựng tên tuổi cho bản thân và trở thành người được các thương hiệu lớn lựa chọn”.