Kinh tế vĩ mô tốt, chứng khoán sẽ sớm hấp dẫn trở lại

Năm 2022, trong khi kinh tế thế giới gập ghềnh khó khăn với triển vọng suy thoái trên toàn cầu thì hàng loạt tổ chức lớn liên tục đưa ra những nhận định tích cực cho tăng trưởng Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,9%; ngân hàng UOB dự báo 8,2%; HSBC dự báo 7,6%, Dịch vụ nhà đầu tư Moody’s dự báo 8,5%... Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính con số tăng trưởng cả năm 2022 sẽ đạt 8% cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tươi sáng hơn dự định và đây chính là yếu tố nền tảng thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) lấy lại sức hấp dẫn, tiếp tục phát triển để xứng đáng với vai trò "phong vũ biểu" của nền kinh tế nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế vĩ mô tốt, chứng khoán sẽ sớm hấp dẫn trở lại

Việt Nam - vùng an toàn kinh tế

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital - tổ chức đang quản lý danh mục đầu tư khoảng 7 tỷ USD - đã gọi Việt Nam là "vùng an toàn kinh tế" trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi. Lý do chính, theo ông là ở việc tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam (quý III/2022, GDP tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021) được dựa vào thị trường nội địa và lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức dưới 4%. Mức lạm phát khiêm tốn này phần nào phản ánh cách xử lý thận trọng của Chính phủ đối với đại dịch Covid-19. Chính phủ đã không phải gánh một khoản nợ đáng kể để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn đại dịch và đang có thặng dư ngân sách trong năm nay. Cũng theo ông Michael Kokalari, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực, nên lạm phát giá lương thực ở Việt Nam dưới 4%. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới có chính sách lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát, khiến VND trở nên hấp dẫn cho người Việt Nam gửi tiết kiệm hơn là bán VND để mua USD.

Tiêu dùng chiếm 2/3 GDP của Việt Nam và doanh số bán lẻ thực tế (đã loại trừ tác động của lạm phát) tăng là một dấu hiệu tốt cho tiêu dùng của hộ gia đình ở Việt Nam (9 tháng đầu năm 2022 tăng 16,8% so với cùng kỳ). Tiếp theo, sản xuất chiếm hơn 20% GDP của Việt Nam và sản lượng sản xuất của Việt Nam cũng tăng 10,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng. Tăng trưởng sản lượng sản xuất của Việt Nam được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển của các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, giải ngân vốn FDI 9 tháng đầu năm 2022 tăng 16% so với cùng kỳ. Một yếu tố quan trọng khác đang và sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là việc Chính phủ tăng tốc đầu tư công. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (đầu tư công) trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 334,5 nghìn tỷ đồng (tăng 20,8% so với cùng kỳ), hoàn thành 52% kế hoạch năm. Càng về cuối năm, tốc độ triển khai đầu tư công càng tăng mạnh khi Chính phủ liên tục đưa ra những biện pháp đốc thúc, hỗ trợ kịp thời tại các đơn vị bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương... Nhiều dự báo cho rằng, đầu tư công cả năm sẽ tăng trưởng 20-25%, đặc biệt khi ngân sách nhà nước đang dồi dào trong thời điểm hiện tại. Đặt niềm tin vào động lực tăng trưởng của Việt Nam đến chủ yếu từ nội lực nền kinh tế, VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ ở mức 8%.

Sự vững tiến của kinh tế Việt Nam được đánh giá cao trên trường quốc tế khi Hãng S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+ với triển vọng "ổn định". Hãng Fitch Ratings xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Hãng Moody’s xếp hạng Ba2 với triển vọng "ổn định". Hãng Nikkei đánh giá Chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam tiếp tục được nâng hạng, xếp thứ 2 thế giới.

Ở khía cạnh khác, theo báo cáo vừa được Brand Finance công bố, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 11% trong năm nay, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD. So với năm 2019, giá trị tuyệt đối thương hiệu Việt Nam tăng 74% - mức tăng nhanh nhất thế giới.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, sự phục hồi của Việt Nam không chỉ là câu chuyện của "ngày mai trời lại sáng" mà "bây giờ, bình minh đã đến". Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. "Nền kinh tế lúc này đang có vị thế tốt để nắm bắt các khả năng. Tôi đã từng thấy một bình luận trên LinkedIn rằng Mỹ được cho là vùng đất của cơ hội, nhưng Việt Nam có những con người tạo ra cơ hội, chính con người mới tạo nên sự khác biệt", ông Tim Evans phát biểu.

Giới đầu tư chứng khoán cần bình tâm trở lại

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.027,94 điểm, giảm 28,83% so với tháng 9 và giảm 31,39% so với cuối năm 2021; VNAllshare đạt 993,43 điểm, giảm 32,75% so với tháng 9 và giảm 36,37% so với cuối năm 2021. Đây là những mức giảm quá lớn tính theo tháng, khi nhìn nhận diễn biến TTCK trong nhiều năm trở lại đây.

Sự suy giảm nhanh và sâu của chỉ số chứng khoán khiến vốn hóa TTCK Việt Nam bị tổn thương quá đà. Nếu cuối tháng 1/2022, sàn HOSE có 44 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có bốn doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD (gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID)), thì cuối tháng 10, toàn sàn HOSE chỉ còn 34 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó chỉ duy nhất VCB có vốn hóa trên 10 tỷ USD. Quy mô vốn hóa toàn sàn HOSE tính đến hết ngày 31/10/2022 khoảng 4,10 triệu tỷ đồng, chỉ tương đương 48,84% GDP năm 2021 (GDP theo giá hiện hành). Trong khi đó, tại thời điểm 31/12/2021, khi giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 92,77% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

Theo Công ty Chứng khoán EVE, việc xuất hiện hàng loạt các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một trong những nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến TTCK Việt Nam lao dốc trong thời gian vừa qua. Việc xử lý vi phạm TPDN ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường, nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, thống kê của FiinPro cho biết, dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (tương đương với hơn 13% GDP năm 2021). Trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng. Con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nếu đà tăng trưởng của kinh tế vĩ mô (GDP) là nhân tố nền tảng để tin rằng, TTCK không có lý do suy thoái mạnh, thì sự phát triển của chính các doanh nghiệp niêm yết là nhân tố trực tiếp, xứng đáng để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Thống kê đến ngày 25/10/2022, toàn TTCK Việt Nam có 645/1698 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022, với mức vốn hóa đạt 24% tổng vốn hóa thị trường, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 36% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng có mức tăng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 28% và 40%; Ngành thực phẩm và đồ uống phục hồi ấn tượng từ nền thấp với doanh thu tăng 51% và lợi nhuận sau thuế tăng 108%; ngành hóa chất ghi nhận doanh thu tăng 46%, lợi nhuận sau thuế tăng 87%... Trong bức tranh chung về hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính, ghi nhận doanh thu giảm 23%; lợi nhuận sau thuế giảm 57%. Nhóm bất động sản cũng có kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu giảm 9%, lợi nhuận sau thuế giảm 12%...

Lạc quan với triển vọng sáng của kinh tế Việt Nam, VinaCapital cũng như nhiều tổ chức tài chính lớn tin rằng, sự suy giảm của TTCK hiện nay mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội hấp dẫn để chọn lựa và mua cổ phiếu Việt Nam vì định giá rẻ. Cụ thể, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) dự phóng tại Việt Nam hiện ở mức 11x, thấp hơn rất nhiều mức bình quân P/E dự phóng của các thị trường trong khu vực như Indonesia/Malaysia/Thái Lan/Philippines. Chỉ cần bình tâm, cơ hội sẽ đến.