Kiên quyết xử lý "bác sĩ mạng" hoạt động không phép

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok, YouTube, Facebook, một người đàn ông tự xưng là "giáo sư, bác sĩ Hà Duy Thọ" thường xuyên đăng tải các clip về kiến thức dinh dưỡng.
0:00 / 0:00
0:00

Tra cứu trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và tại Phòng Quản lý dịch vụ của Sở này, đều không có tên ông Hà Duy Thọ đăng ký hành nghề, cũng như mở phòng khám. Ông Thọ cũng chưa cung cấp được chứng chỉ hành nghề y cho đoàn kiểm tra liên ngành.

Trường hợp như ông Thọ không phải là hiếm. Sau dịch Covid-19, trên Facebook, Zalo và nhiều website, các quảng cáo tư vấn "khám bệnh" xuất hiện nhiều như nấm, người dân khó biết thật-hư về chất lượng. Theo nội dung nhiều quảng cáo, người bệnh chỉ cần sử dụng thiết bị thông minh, trả phí và có thể kết nối thông qua cuộc gọi video trực tuyến với các bác sĩ có chuyên môn giỏi, đang làm việc tại các bệnh viện công và tư uy tín trên cả nước. Tuy nhiên, một bác sĩ (giấu tên) đã nhiều năm tham gia ứng dụng khám từ xa của một website cho biết, các ứng dụng này chỉ tư vấn cho người bệnh chứ không phải thăm khám. Người bệnh khi tham gia tư vấn sẽ kể các triệu chứng bệnh gặp phải, nếu triệu chứng bệnh nhẹ, có thể kê đơn thuốc thuộc danh mục thuốc không cần kê đơn, thuốc đơn giản thông thường. Nếu thấy bệnh nhân có triệu chứng nặng, sẽ khuyến cáo người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám. Theo vị bác sĩ này, đối với khám bệnh từ xa, trường hợp kê các đơn thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn là không đúng với quy định.

Chấn chỉnh vấn đề này, theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp Phòng An ninh Chính trị Nội bộ, Công an Thành phố phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm đối với các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không phép, người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề... Sở Y tế kêu gọi người dân khi phát hiện các địa điểm nghi ngờ hoạt động trái phép, người hành nghề không chứng chỉ hoặc quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội gọi ngay đến số điện thoại 0989401155 hoặc qua app "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở kịp thời nắm bắt thông tin và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, Bộ Y tế đang dự thảo thông tư hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa. Theo dự thảo, danh mục bệnh, tình trạng được khám, chữa bệnh từ xa bao gồm 31 bệnh của 16 chuyên khoa. Trong đó, chuyên khoa dinh dưỡng chỉ được khám, chữa bệnh béo phì; răng hàm mặt chỉ được khám, chữa bệnh viêm loét lợi; ung thư được tư vấn điều trị sau ung thư; nội tiết chỉ được tư vấn điều trị đái tháo đường... Dự thảo cũng nêu rõ yêu cầu đối với người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải thực hiện theo phạm vi hành nghề của người hành nghề. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế. Đồng thời, các chỉ định và kê đơn thuốc của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Với thực trạng còn nhiều sự nhập nhèm "bác sĩ online" không phép hiện nay, các chuyên gia cảnh báo người dân tuyệt đối không nên áp dụng các phương pháp chữa bệnh trên mạng xã hội mà hãy chọn lọc thông tin tham khảo từ những bác sĩ chia sẻ trên website bệnh viện, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị.