Thực hiện chủ trương đó, hệ thống thể chế hành chính nhà nước đã được cải cách, sửa đổi, bổ sung, tinh thần dân chủ trong cải cách hành chính được đề cao. Năm 2021, Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 xác định tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Hệ thống tổ chức hành chính nhà nước nhờ đó từng bước được tinh gọn từ trung ương đến địa phương, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm. Chính phủ số, nền hành chính số từng bước định hình, hướng tới hành chính hiện đại. Tính đến hết tháng 4/2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính). Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từng bước được cơ cấu lại theo hướng gắn với vị trí việc làm, trình độ được nâng cao. Chế độ, chính sách tiền lương từng bước cải thiện giúp giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Tuy nhiên, cải cách hành chính đến nay chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa có sự đồng bộ giữa cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thủ tục hành chính còn rườm rà, bộ máy vẫn cồng kềnh, thiếu minh bạch, chồng chéo chức năng giữa các đơn vị, năng lực cán bộ chưa đồng đều. Chính phủ số và nền hành chính số phát triển chậm và chưa có sự liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương. Việc tinh giản biên chế dù được triển khai nhưng có nơi, có chỗ, có lúc còn mang tính hình thức.
Đáng chú ý là chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém. Tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân vẫn còn xảy ra. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển sâu rộng, vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên song phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chỉ biết vun vén bản thân.
Đó là lý do trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” công bố mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quan điểm cần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, ban hành khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, đổi mới việc tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, cùng đó thu hút, sử dụng người có tài, có năng lực nổi trội...
Để xây dựng một nền hành chính của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, yếu tố tiên quyết là con người - cũng chính là các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đảng viên... đang thực thi nhiệm vụ trong bộ máy hành chính ấy. Bởi thế, điều cần chú trọng là nâng cao năng lực, hình thành cho được những công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Một nền hành chính với cán bộ, công chức, viên chức như vậy sẽ tạo ra động lực đưa nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.