Xây dựng luật đáp ứng đòi hỏi đổi mới

Trong những ngày này, cả hệ thống chính trị đang khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa vào cuộc sống Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025….
0:00 / 0:00
0:00
Các Chỉ thị, Nghị quyết và Kết luận thể hiện sâu sắc mục tiêu quyết tâm đổi mới vì sự phồn vinh của dân tộc, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Các Chỉ thị, Nghị quyết và Kết luận thể hiện sâu sắc mục tiêu quyết tâm đổi mới vì sự phồn vinh của dân tộc, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Các Chỉ thị, Nghị quyết và Kết luận nêu trên thể hiện sâu sắc mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước ta nhằm quyết tâm đổi mới vì sự phồn vinh của dân tộc, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương là triển khai những Chỉ thị, Nghị quyết và Kết luận nêu trên thật nghiêm túc, khoa học và quan trọng nhất phải tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nhân dân, cán bộ, đảng viên. Để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan, tỉnh, thành phố cần khẩn trương hành động, ban hành kế hoạch, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng chú trọng ban hành ngay các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phù hợp. Các quy định pháp luật không thể là điểm gây khó khăn, cản trở việc thực thi và cần tập trung tạo môi trường thật sự thuận lợi để cả hệ thống vận hành liên tục, khơi thông nguồn lực trong dân; loại bỏ các thủ tục rườm rà, nhũng nhiễu…

Hướng tới mục tiêu này, chúng ta đang đứng trước khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung mới phát sinh, cách nhìn đa dạng. Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần có quyết tâm cao, khắc phục những khó khăn, trở ngại đang đặt ra để thực hiện tốt các yêu cầu nhằm đổi mới, xây dựng nguồn lực, tiềm lực dồi dào cho đất nước. Với tinh thần đó, các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật cần được tiếp tục đổi mới quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự chuyển mình của thực tế. Vừa qua, chỉ trong hơn sáu ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (từ ngày 12 đến ngày 19/2/2025) đã xem xét, thông qua bốn luật, 12 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, thông qua sáu nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, cấp bách, cần thiết...

Chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa tinh thần khẩn trương đó, nhất là trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, tập trung tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, có hiệu quả, thực chất. Quá trình xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội cần tiếp tục theo hướng vừa có chiến lược, dài hạn, vừa mang tính linh hoạt cao, bám sát những vấn đề mới từ cuộc sống để điều chỉnh phù hợp nhưng cần bảo đảm tuân thủ Hiến pháp.

Các luật, văn bản quy phạm pháp luật cần được giao cho một chủ thể chịu trách nhiệm từ đầu đến khi hoàn thành, qua đó, giúp các luật, văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, thuận lợi trong việc triển khai, bảo đảm sự gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành. Các cơ quan liên quan sớm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ biến, giới thiệu nội dung cơ bản các luật, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để cán bộ và nhân dân dễ tiếp cận, đồng thuận trong triển khai…