Thấm sâu khóa học nhân văn

Theo thời gian, khi xã hội càng phát triển hiện đại, thì dịp Tết cổ truyền của dân tộc càng được coi như những cơ hội cho các thế hệ, nhất là lớp người trẻ quay lại với truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ diện áo dài truyền thống đón Tết. Ảnh: Đăng Khoa
Các em nhỏ diện áo dài truyền thống đón Tết. Ảnh: Đăng Khoa

Trong những sinh hoạt nhịp nhàng của các phong tục Tết vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới âm lịch, các cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng cùng thấm nhuần đạo lý, văn hóa nghìn năm của cha ông. Ý thức về tổ tiên, nguồn cội và sức mạnh văn hóa tiềm tàng truyền nối qua bao thế hệ lại được vun đắp, khơi dậy, thêm trở nên bền chặt.

Bởi thế, đón Tết, vui xuân, chính là những khóa học tự nhiên giàu giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị thẩm mỹ dành cho mọi người. Khóa học này đang tiếp tục được củng cố, làm cho sinh động với thực tại trong tiến trình phục hồi, chấn hưng văn hóa của toàn xã hội những năm gần đây.

Góp phần đẩy cao hơn ý nghĩa của khóa học đó, chúng ta đang chứng kiến sự nở rộ của nhiều chương trình, hoạt động tôn vinh Tết cổ truyền. Với tính chất tổ chức, có mục đích cụ thể, có sự sắp xếp và mang cả yếu tố xã hội, yếu tố thương mại chính đáng, các khóa học này được triển khai ở nhiều bảo tàng, di tích, không gian văn hóa, đơn vị du lịch, tổ chức xã hội, và cả các trường học, cơ quan, đơn vị. Ở đó có các hình thức tái hiện nghi thức và sinh hoạt đón Tết, vui xuân như gói bánh, in tranh, cho chữ, trang trí hoa và cỗ Tết, các lễ dâng hương, khai hội, tổ chức các trò chơi xuân… dành cho các đối tượng công chúng, du khách, học sinh, thanh thiếu niên tham gia trải nghiệm, thụ hưởng. Qua các mô hình vui chơi, giải trí, tham quan, trải nghiệm này, những người cao tuổi, trung tuổi được “hồi” lại nhiều ký ức, không khí Tết xưa của Tết cổ truyền, “Tết bao cấp”; thế hệ trẻ được tiếp cận và tiếp nhận mỗi năm một đầy đủ hơn ý nghĩa, nội dung, diễn biến của các phong tục, tập quán Tết trong dòng chảy văn hóa từ xưa cũ tới hiện đại, đương đại.

Và góp phần thêm nữa vào Tết hôm nay, cùng với tiến trình phục cổ, chấn hưng để tiếp tục đồng hành cùng hiện tại đó, không thể không nhắc tới những nét mới, được khởi lên từ chính những chuyển động đa chiều của xã hội hiện đại. Những cái mới đó làm rộng, làm sâu sắc thêm giá trị của Tết cổ truyền, khiến cho ý nghĩa văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ của Tết hôm nay càng mang tính cộng đồng, nhân văn, nhân ái. Đó chính là việc tổ chức các chương trình Tết ấm, những chuyến xe Tết, các hoạt động sắm Tết 0 đồng, tặng quà Tết, những hành trình về quê ăn Tết trong những năm qua, hướng tới công nhân, người lao động ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Đó là Tết áo ấm, là các hoạt động nấu-tặng bánh chưng Tết, Tết miền cao hay những chuyến xe Tết… đến với người nghèo, người tàn tật, đồng bào khó khăn vùng sâu, vùng xa, các điểm trường heo hút. Và trong thời gian qua, còn có những cuộc sẻ chia Tết đến đồng bào tại nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3.

Tết vốn mang ý nghĩa đoàn tụ, sẻ chia và đón Tết là phong tục phổ biến trong cả nước. Nhưng trong các năm qua, từ ý nghĩa và phạm vi mang tính tổ chức của cộng đồng làng, xã, địa phương, các phong trào nhân văn như thế đã đưa ý nghĩa cộng đồng, tinh thần dân tộc của Tết ngày càng mở rộng đến xuyên địa phương, xuyên vùng, đa thành phần, đa dân tộc và rộng khắp trên toàn quốc.

Bởi vậy mà, trong Tết hôm nay, bên cạnh ý nghĩa tự nhiên, tiếp biến của ngày Tết truyền thống; đã bao hàm cả Tết của sự kiến tạo, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế-xã hội-dịch vụ phát triển; cũng bao trùm thêm rộng lớn là Tết của sẻ chia, lan tỏa, đùm bọc trong hoàn cảnh mà cuộc sống mỗi người nơi nọ, chỗ kia vẫn đối mặt không ít khó khăn.

Và như thế, giá trị của Tết cổ truyền hôm nay đang tiếp thêm năng lượng vào cả tình cảm, thẩm mỹ và đạo đức con người. Mỗi chúng ta, dịp Tết đến, xuân về, cùng thấm sâu và thu hoạch cho mình những trải nghiệm và đúc rút quý báu trong một khóa học đặc biệt, khóa học nhân văn của văn hóa trường tồn và lòng yêu thương sâu sắc.