Như vậy, trong hai năm qua, giá dịch vụ y tế liên tục được điều chỉnh. Ở lần tăng trước đó, vào tháng 11/2023, giá dịch vụ khám bệnh, giá thuê giường bệnh theo ngày, giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm bảo hiểm y tế tăng khoảng 10%.
Theo nhận định chung từ các cơ sở y tế, với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và tiến đến tính đúng, tính đủ viện phí, các bệnh viện sẽ có thêm nguồn lực để nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh, từng bước giảm chi cho người dân. Tuy vậy, thực tế, tỷ lệ chi tiền của người bệnh tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% tổng chi phí y tế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một bộ phận người bệnh giảm niềm tin vào bảo hiểm y tế vì họ vẫn phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng bảo hiểm... với đủ nguyên do khác nhau, tùy theo kiến giải của cơ sở khám chữa bệnh(!).
Lần này, với việc áp dụng mức lương cơ sở năm 2024, giá khám chữa bệnh dự kiến tăng 10%-20%. Nhiều câu hỏi lại tiếp tục được đặt ra về tác động tới người tham gia bảo hiểm y tế bởi việc điều chỉnh này. Phía Bộ Y tế thông tin, Quỹ Bảo hiểm y tế đủ khả năng cân đối và không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Cụ thể, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc các nhóm hưởng chính sách an sinh xã hội không bị tác động do được bảo hiểm y tế thanh toán 100%; nhóm người có thẻ bảo hiểm y tế cũng không bị tác động nhiều, do phần đồng chi trả ở mức 5% hoặc 20% và thu nhập của họ cũng được tăng theo tiền lương cơ sở; riêng nhóm người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (hiện chiếm khoảng 8% dân số) chỉ bị ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng, hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh mới tính hai yếu tố: chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư y tế…) và tiền lương, chưa tính chi phí khác (bao gồm quản lý, duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…) và khấu hao tài sản cố định. Do đó, theo ý kiến chung từ đại diện nhiều bệnh viện, việc tăng chi phí khám chữa bệnh lần này vẫn chỉ đáp ứng cơ bản kinh phí để trả lương cho cán bộ, viên chức bệnh viện. Trong khi đó, do nhiều yếu tố chi phí khác chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, hầu hết các bệnh viện vẫn gặp khó khăn cân đối thu-chi, đặc biệt đối với các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên.
Vì vậy, mặc dù việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ giúp các bệnh viện tháo gỡ được khó khăn nói trên, song người bệnh, nhất là người nghèo, tiếp tục gánh thêm nỗi lo việc tăng giá các dịch vụ y tế sẽ chưa dừng lại.
Hơn bao giờ hết, người dân luôn mong chờ việc tăng viện phí phải phù hợp khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, đồng thời mức đóng bảo hiểm y tế của người dân cần được thiết kế theo lộ trình hợp lý. Điểm mấu chốt, khi tăng viện phí, phải làm sao bảo đảm đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Muốn vậy, các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng điều trị thông qua việc đầu tư tăng chất lượng nguồn nhân lực, tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cải cách hành chính, ứng xử giao tiếp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh.
Chỉ như thế, việc tăng viện phí mới trọn vẹn ý nghĩa!