Cần cơ chế để báo chí phát triển mạnh mẽ

Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vừa qua, trong thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, mức thuế áp với các lĩnh vực truyền thông, báo chí hiện nay khá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Nguồn thu của các cơ quan báo chí gần đây sụt giảm mạnh do giảm thu từ quảng cáo; chịu sức ép cạnh tranh lớn từ mạng xã hội, nền tảng số; áp lực đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển đổi số tăng,... cho nên vấn đề tài chính của các cơ quan này gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi các đơn vị này không phải là doanh nghiệp kinh doanh thông thường mà đang thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Bởi vậy, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên áp mức thuế chung cho tất cả các loại hình báo chí là 10%, thậm chí nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị báo chí, hoặc áp thuế ở mức thấp nhất để các đơn vị này vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.

Trong lịch sử phát triển của mình, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng xung kích, tiên phong trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đồng hành cùng đất nước trên mọi chặng đường… Việc giảm thuế cho các cơ quan báo chí chỉ là một trong nhiều cơ chế, chính sách cần được nghiên cứu, ban hành kịp thời để các cơ quan báo chí hoạt động vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực tế cho thấy, khi các cơ quan báo chí phải lo làm kinh tế, lo cho đời sống của phóng viên thì sẽ xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại, thí dụ như: chỉ chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội; đăng tải tin, bài hoặc thường xuyên cử phóng viên viết những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích; nhà báo, phóng viên đe dọa, buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… cung cấp lợi ích về tài chính; có phóng viên hoạt động tác nghiệp vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp…. Có cơ quan báo chí khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện, thực hiện liên doanh liên kết nhưng không kiểm soát nội dung…

Các cơ quan báo chí đang đứng trước thời cơ và thách thức không nhỏ để tiếp tục vươn lên và khẳng định vai trò, vị trí của mình. Nhất là trong việc thực hiện chủ trương của Đảng tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, để báo chí nước ta thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, những cơ quan báo chí có hoạt động chính, trọng tâm là phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thì sẽ được bảo đảm về kinh phí, bằng cơ chế đặt hàng... Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí cho phù hợp thực tiễn truyền thông, phù hợp xu thế báo chí đa nền tảng hiện nay và quan trọng nhất là đáp ứng yêu cầu thực tế của các cơ quan báo chí sau khi được sắp xếp, tổ chức, đổi mới bộ máy.

Trong quá trình hội nhập và đa nền tảng hóa báo chí, thực tế cho thấy những vấn đề mới cần được quan tâm kịp thời, như các quy định về nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cho báo chí hoạt động; các quy định liên quan sở hữu trí tuệ trên môi trường số và nhất là các quy định về việc khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí… Vì vậy, các cơ quan báo chí cần được hỗ trợ và tự mình tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ để có thể tham gia giải quyết những vấn đề mới phát sinh.

Các cơ quan trung ương, bộ, ngành chức năng cần chú trọng nguồn kinh phí phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách, đối với các cơ quan báo chí để các cơ quan này thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, bảo đảm thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.