Hết thời không quản được thì cấm!

Cấm đoán trong xã hội hoặc trong các hoạt động quản lý nhà nước, thường là biện pháp dễ được lựa chọn. Tuy nhiên, việc cấm đoán thường chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề mà không tìm ra được nguyên nhân gốc rễ. Muốn tìm giải pháp để quản lý hiệu quả đòi hỏi nhiều thời gian, công sức hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Do chưa có phương thức quản lý hữu hiệu việc giao dịch và lưu thông tiền ảo, tiền kỹ thuật số, nên hiện nhà đầu tư không được thực hiện các giao dịch này tại Việt Nam.
Do chưa có phương thức quản lý hữu hiệu việc giao dịch và lưu thông tiền ảo, tiền kỹ thuật số, nên hiện nhà đầu tư không được thực hiện các giao dịch này tại Việt Nam.

Để quản lý hiệu quả, trước hết cần hiểu biết sâu sắc về vấn đề, kỹ năng phân tích và kèm theo đó là cả sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong việc đưa ra các giải pháp cân bằng giữa nhiều yếu tố.

Trong thời gian qua, cụm từ "không quản được thì cấm" đã trở thành một biểu tượng tiêu cực của tư duy quản lý hành chính ở Việt Nam. "Không quản được thì cấm" là lối tư duy bảo thủ và thiếu sáng tạo trong quản lý nhà nước rất cần phải thay đổi.

Tư duy này xuất phát từ việc cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm soát và điều chỉnh một hiện tượng hoặc hoạt động cụ thể. Thay vì tìm giải pháp điều chỉnh hoặc cải tiến quản lý, họ chọn cách đơn giản, dễ làm, nhanh chóng là cấm đoán để tránh rủi ro. Điều này rất thường xảy ra khi hệ thống quản lý thiếu nguồn lực, kiến thức, hoặc công nghệ để theo kịp "tồn tại xã hội".

Vấn đề ở đây là sự thiếu trách nhiệm trong việc tìm kiếm giải pháp hợp lý. Thay vì cấm đoán, cơ quan quản lý cần phải đầu tư vào nghiên cứu, thử nghiệm những phương thức mới, học hỏi từ các mô hình thành công ở nước ngoài, hoặc sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề. Cấm đoán có thể là giải pháp tức thời, nhưng về lâu dài, nó không giúp cải thiện hệ thống, mà ngược lại, có thể làm cho vấn đề trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn.

Khi cơ quan quản lý chọn cách cấm đoán thay vì tìm cách giải quyết các vấn đề một cách hợp lý và minh bạch, người dân sẽ cảm thấy rằng họ bị hạn chế quyền lợi, bị đối xử không công bằng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng bất tuân luật pháp hoặc tìm cách lách luật, làm cho việc kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn.

Thứ hai, việc cấm đoán thường gây ra những hệ lụy không mong muốn cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Những ngành nghề, dịch vụ liên quan có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn cho người lao động và làm chậm sự phát triển của nền kinh tế. Thay vì khuyến khích sự đổi mới và phát triển, chính sách cấm đoán tạo ra một môi trường kinh doanh bị thắt chặt, làm giảm cơ hội cạnh tranh và sáng tạo.

Thứ ba, trong thời đại kỹ thuật số, các giải pháp công nghệ có thể giúp quản lý hiệu quả hơn, tạo ra sự linh hoạt cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội mà không cần phải dùng đến cấm đoán. Áp dụng công nghệ vào quản lý là xu hướng tất yếu và cần được khai thác tối đa, để bảo đảm phát triển bền vững.

MUỐN quản lý hiệu quả, các nhà lãnh đạo không chỉ cần nâng cao năng lực quản lý, mà còn phải bồi dưỡng tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đầu tư nghiên cứu các giải pháp quản lý hiện đại và linh hoạt, sử dụng công nghệ để thích ứng với thực tế thay đổi nhanh chóng của xã hội. Điều này không chỉ giúp giải quyết vấn đề hiệu quả mà còn tạo dựng niềm tin của người dân vào chính quyền, bảo đảm sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước.

Năng lực lãnh đạo cần được bồi dưỡng không chỉ qua việc học hỏi từ các quốc gia phát triển, mà còn qua việc lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp và chính người dân. Điều này không chỉ giúp các nhà quản lý đưa ra những quyết sách hiệu quả hơn mà còn tạo dựng được niềm tin trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững và tiến bộ như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy "Không quản được thì cấm"