Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ…

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, trên các trang mạng xã hội, trên diễn đàn của các hội, nhóm với hàng trăm nghìn người tham gia “nóng” lên câu chuyện “Đồng hồ đếm ngược trên hệ thống đèn giao thông”, khi một số nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thí điểm bỏ đồng hồ giao thông đếm ngược, tạo ra những ý kiến khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Việc thí điểm bỏ đồng hồ giao thông đếm ngược tại một số nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra những ý kiến khác nhau.
Việc thí điểm bỏ đồng hồ giao thông đếm ngược tại một số nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra những ý kiến khác nhau.

Thật ra, đây là vấn đề đã được đưa ra bàn luận, trao đổi công khai tại nhiều hội nghị, hội thảo của các cơ quan chức năng, các địa phương nhưng chưa đưa đến những kết luận cuối cùng. Nhiều người đề nghị giữ lại đồng hồ đếm ngược vì cho rằng, đây là một phát minh rất hữu ích, tạo cảm giác an toàn cho người tham gia giao thông... Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến ủng hộ bỏ đồng hồ đếm ngược với lập luận, người tham gia giao thông sẽ chủ động hơn trong việc dừng lại, cũng như giảm được tình trạng tranh thủ thời gian còn lại để cố vượt qua… Nhiều nơi trên thế giới cũng đã bỏ hệ thống đếm thời gian vì lý do này.

Song, những lo lắng của hàng trăm nghìn người dân về việc bỏ đếm ngược trên hệ thống đèn giao thông, không phải không có lý. Bởi trong những ngày qua, người dân liên tiếp cung cấp các video thực tế về việc đèn tín hiệu giao thông “đang xanh bỗng dưng chuyển sang đỏ”, khiến người tham gia giao thông có thể bị phạt oan.

Ngay sau khi nhận được thông tin của người dân, Bộ Công an đã kịp thời trả lời: Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương, phối hợp các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu, kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ. Những nút giao có hiện tượng “nhảy đèn”, CSGT sẽ không xử phạt. Ngoài ra, hiện tượng này là cá biệt, người dân yên tâm sẽ không bị CSGT phạt oan, phạt sai. Khi lập biên bản xử phạt, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp CSGT tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển xe, cho xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó. Đối với việc phạt nguội, CSGT sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản, bảo đảm người dân “tâm phục, khẩu phục”, tránh oan sai.

Việc cần bàn, cần quan tâm ở đây là một quy định về an toàn giao thông, cụ thể là đồng hồ đếm ngược trên hệ thống đèn đã được triển khai rất hiệu quả trong nhiều năm qua, có cần thiết phải thay đổi hay không? Thực tế đã chứng minh, những người cố tình vi phạm luật giao thông nói chung và không tuân thủ tín hiệu đèn thì họ sẽ vi phạm bất cứ lúc nào, cho nên việc loại bỏ đồng hồ đếm ngược không có tác dụng đối với những hành vi cố tình vi phạm.

Đồng hồ đếm ngược trên hệ thống đèn giao thông từ lâu trở nên quen thuộc với người tham gia giao thông, là “người bạn” trên rất nhiều tuyến đường của người dân và người bạn đó đang thực hiện tốt chức năng dẫn dắt, điều tiết của mình. Vì vậy, có thể nói, việc duy trì đồng hồ đếm ngược hiện nay là để phục vụ người dân, tạo cảm giác an toàn, chủ động cho người tham gia giao thông; đồng thời tiết kiệm, chống lãng phí khi không cần thiết chi ngân sách nhà nước để mua sắm hệ thống đèn mới ■