Tuy nhiên, nhận thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn chưa đúng tầm mức, tốc độ phát triển của nước ta còn chậm, còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi, thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu…
Nhận thức rõ yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mang tính chiến lược và cách mạng, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, những ngày cuối năm 2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết số 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết vạch ra tầm nhìn và mục tiêu cụ thể đến 2030 và 2045, theo đó, quy mô kinh tế số tối thiểu đạt 30% GDP năm 2030 và ít nhất là 50% đến năm 2045; trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định rõ trong Nghị quyết gồm: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội; khẩn trương hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vào hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế...
Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh. Muốn vậy, cả hệ thống phải tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết, Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Điểm nhấn này cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, cũng là lợi thế để triển khai Nghị quyết số 57, khi cả hệ thống chính trị đều cùng vào cuộc…
Sự ra đời của Nghị quyết số 57 mang đến “làn gió mới” cho cộng đồng khoa học và công nghệ, cộng đồng thực thi chuyển đổi số cũng như người dân, doanh nghiệp… Đặc biệt, Nghị quyết có tính hành động rất cao, vạch rõ mục tiêu, định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia một cách bài bản, hệ thống, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.
Để Nghị quyết được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp... cần thay đổi phương thức làm việc, mỗi cơ quan, ban, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt. Việc thực hiện nghị quyết vừa tạo thời cơ, vừa là đòi hỏi thực tế nhằm đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.