Từ lâu, Đảng ta nhìn ra những điểm nghẽn, ách tắc trong hệ thống và đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận liên quan vấn đề này. Tuy nhiên, sau bảy năm kể từ thời điểm Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được ban hành, tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh khiến công việc bị ì trệ, sự trùng lắp, chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ gây nên lực cản trong phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu các phương án đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng hoạt động, theo đó giảm ít nhất bốn cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương; giảm năm bộ và hai cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm bốn Ủy ban của Quốc hội; kết thúc nhiều mô hình... Tương ứng việc này sẽ là giảm số lượng người đứng đầu ở nhiều ban, bộ, ngành ở trung ương và tiếp đó là ở địa phương.
Chuyển biến của cả hệ thống những ngày gần đây cho thấy rõ mục tiêu là tổ chức lại bộ máy một cách khoa học, hợp lý, loại bỏ đầu mối trung gian không cần thiết... Do đó, hoạt động này tác động lớn tới việc cân đối tình hình chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư cho phát triển. Việc sắp xếp lại phù hợp chủ trương lớn của Đảng ta là tăng cường tiết kiệm và chống lãng phí, giúp loại bỏ thói trì trệ, bệnh quan liêu vốn tạo gánh nặng đối với bộ máy, gây lãng phí cơ hội phát triển.
Phương án sắp xếp đối với các ban, bộ, ngành trung ương cho thấy đây thật sự là cuộc cách mạng về vị trí việc làm, nhân sự, công tác cán bộ… Tinh gọn không chỉ là cơ cấu lại mà còn là cải cách mạnh mẽ về tư duy và phương pháp làm việc, việc chống lãng phí chính là tập trung nguồn lực cho lĩnh vực then chốt, thúc đẩy tính sáng tạo, hiệu quả trong chỉ đạo của lãnh đạo các cấp.
Một điểm đáng lưu ý là quá trình tinh gọn bộ máy dẫn đến tình trạng “người ở, người đi”. Bởi thế, mỗi cơ quan, đơn vị cần quan tâm bố trí sử dụng cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tránh đánh giá nhìn nhận sai về cán bộ, khiến người tài, người làm tốt phải “ra đi”, người làm kém hoặc không phù hợp thì “ở lại”.
Việc sắp xếp lại, tinh gọn cũng tạo ra một số lượng lớn công chức, viên chức dôi dư. Có phương án thế nào đối với các nhân sự này sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy là bài toán khó, song phải sớm có lời giải. Để tránh lãng phí, bộ máy tổ chức từ trung ương đến địa phương cần xây dựng chính sách cho từng đối tượng. Đối với đội ngũ dôi dư vì hết việc nhưng có năng lực, phải đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi công việc; đối với người nghỉ hưu sớm hoặc ra khỏi bộ máy cũng có chính sách bảo đảm tốt chế độ, tạo điều kiện cho họ yên tâm chuyển sang giai đoạn mới…
Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ hệ trọng, cấp bách, phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương song cũng cần cẩn trọng, chắc chắn. Tin rằng cuộc cách mạng này sẽ giúp chúng ta phát huy mọi nguồn lực, mở đường cho đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.