Quyết tâm và lòng dũng cảm

Những ngày này, vấn đề tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn, là chủ trương đúng đắn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân mong chờ, đón nhận và ủng hộ, song đây đó không tránh khỏi những trăn trở, nghĩ suy.

Vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ được Đảng và nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chú trọng. Từ Đại hội Đảng VI (năm 1986), khi tiến hành đổi mới, chuyển từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã ý thức được là đi kèm với đổi mới kinh tế phải đổi mới bộ máy nhà nước.

Qua từng nhiệm kỳ, Đảng ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị… để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cách đây bảy năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ra Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tiếp đó, ngày 28/2/2023 Bộ Chính trị có Kết luận số 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng như các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, hệ thống chính trị thời gian qua có chuyển biến tích cực về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động... Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ nhất ngày 19/11 vừa qua, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cao hơn nữa trong việc đổi mới hệ thống chính trị.

Nhận thức ra tính cấp thiết của việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” là quan trọng, song đi đôi với đó phải là quyết tâm hành động, chủ động, sáng tạo, đột phá nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia. Đây không chỉ đơn thuần là một bước cải cách hành chính mang tính kỹ thuật mà còn thể hiện quyết tâm chính trị sâu sắc, phản ánh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng về lãnh đạo đất nước. Chính vì lẽ đó, trong phần kết luận Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Không tinh gọn, bộ máy không phát triển được. Song, cùng lúc tiến hành cuộc cách mạng sâu và rộng đối với cả hệ thống chính trị đòi hỏi quyết tâm và trên hết là trách nhiệm nêu gương. Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu "Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu" là vì như vậy !

Thêm nữa, khi đã đụng đến cơ cấu lại, tức là có khả năng phải giải thể, sáp nhập cơ quan, tổ chức đồng nghĩa là từng đơn vị, thậm chí từng nhân sự chịu sự tác động vô cùng lớn. Làm sao tinh gọn các ban Đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội nhanh gọn, hiệu quả, sớm ổn định? Cách nào chọn đúng người, xếp người đó vào vị trí phù hợp năng lực, chuyên môn? Làm sao nắm bắt, giải tỏa tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp, cơ cấu lại vị trí... Lời giải cho những câu hỏi khó ấy nằm ở sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Hơn lúc nào hết, phương châm “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý” mà Đảng ta đã khẳng định tại Đại hội VI, càng cần được thống nhất, quán triệt từ trên xuống dưới trong hệ thống chính trị, từ đó hoàn thiện mô hình tổng thể, thực hiện điều chỉnh, sắp xếp khoa học, tránh duy ý chí, cực đoan.

Cuối cùng và cũng là yếu tố quan trọng chính là cuộc cách mạng ấy không chỉ tác động mà còn gắn chặt với từng cá nhân trong hệ thống. Chỉ khi mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dũng cảm, sẵn sàng đặt lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của tập thể… lên trên lợi ích bản thân, chúng ta mới có đủ nguồn lực đưa Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển, sánh vai “cùng cường quốc năm châu”.