Dân tộc ta từ xưa luôn trân trọng hiền tài. Quan niệm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” do danh sĩ Thân Nhân Trung viết từ năm 1484 trong bài ký khắc trên bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, được nhiều triều đại coi là tư tưởng quan trọng, gắn với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống coi trọng người có đức, có tài, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương đúng đắn để sử dụng người tài đức.
Quan điểm của Đảng về đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài được thể hiện thống nhất và xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về đào tạo, sử dụng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nước ta còn thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng người có năng lực, người có tài.
Thực tế có những cơ quan, đơn vị thực hiện quy trình lựa chọn cán bộ mang tính hình thức, thiếu khoa học, trái đường lối, chủ trương của Đảng, để lọt cán bộ có trình độ, phẩm chất kém, cơ hội, có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân vào bộ máy nhà nước. Việc áp dụng cơ chế “cào bằng” ở một số nơi cũng làm thui chột tài năng, dẫn đến “chảy máu chất xám” khỏi khu vực công. Và nếu không kịp thời xây dựng chính sách phù hợp thì chính từ cuộc tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy lần này, những người có tài, có năng lực thật sự, tâm huyết, trách nhiệm với công việc “ra đi”. Trong khi người yếu kém, hoặc thuộc diện “có cũng được, không có cũng chẳng sao” nghiễm nhiên “ở lại”. Việc tìm kiếm, phát hiện người tài đưa vào bộ máy, “giữ chân” thành phần tinh hoa càng trở nên cấp thiết.
Bởi vậy, đúng ngày cuối năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Đây được xem là “quy chuẩn hành động” khi cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí đối với nhân sự được xem là “có tài năng”, xây dựng đồng thời chính sách thu hút người có tài năng nhằm đưa vào bộ máy và chính sách trọng dụng người có tài năng để giữ lại trong bộ máy.
Khi sự chênh lệch về thu nhập giữa khu vực công và khu vực ngoài nhà nước ngày một lớn, nhiều nhân sự xuất sắc trong khu vực công chuyển sang làm việc cho khu vực ngoài nhà nước thì Nghị định số 179 mang tính đột phá với việc thúc đẩy chính sách tiền lương, thưởng, thu nhập tăng thêm dành cho người tài ở khu vực công. Đảng, Nhà nước ta cũng nhận thức rõ thu hút người tài không chỉ từ mức thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt. Điểm nhấn của Nghị định còn là xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, tạo điều kiện để người tài tỏa sáng, được tôn vinh, ghi nhận và phát huy năng lực. Đó chính là “trọng người tài”.
Muốn thu hút, giữ chân người tài, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cán bộ quản lý cũng phải là người tài mới có được “con mắt xanh” tìm kiếm, phát hiện, thu phục người tài. Vì lẽ đó, Nghị định số 179 dành không ít điều nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, tổ chức. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng, cần trí tuệ, bản lĩnh, công tâm, công bằng để nhận ra người có tài, có năng lực nổi trội để đưa vào các vị trí, giữ chân họ trong bộ máy; nhận diện người yếu kém để chuyển họ sang công việc khác, hoặc đưa vào danh sách tinh giản.
Việc trọng người tài, quy tụ được người có tài năng trong bộ máy là điều kiện cốt yếu để phát huy nguồn lực, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.