Kiên định mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,84 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, từ giờ đến cuối năm, thị trường gạo thế giới còn nhiều biến động, tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho mục tiêu xuất khẩu bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,2- 43,4 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh| MINH ANH
Dự kiến, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,2- 43,4 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh| MINH ANH

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, chỉ số giá gạo thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Nhiệm vụ của ngành lúa gạo Việt Nam là vừa tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu gạo, vừa giữ vững an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Đồng thời bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu để giữ uy tín và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Bứt phá ngoạn mục

Trong 7 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam đã tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 534 USD/tấn. Kể từ cuối tháng 7/2023, liên tiếp các quốc gia như Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Nga có thông báo cấm xuất khẩu gạo càng làm thị trường gạo “nóng” lên. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng liên tiếp lập đỉnh, có thời điểm tăng theo ngày, lên đến mức hơn 600 USD/tấn. Với đà tăng trưởng này, dự báo nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam cả năm 2023 sẽ cán mốc kỷ lục 4 tỷ USD.

Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa cho biết: triển vọng ngành gạo được đánh giá rất tích cực trong những tháng cuối năm. Ngoài nguyên nhân từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số quốc gia thì còn có nguyên nhân quan trọng từ dự báo sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm do tác động của El Nino. Tại Thái Lan, sản lượng gạo năm nay có thể giảm 6%, xuống mức từ 25,1 đến 25,6 triệu tấn và còn có thể xuống thấp hơn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Việt Nam cũng dự báo 70-80% hiện tượng El Nino sẽ phát triển vào gần cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Dựa trên ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sẽ có 10-15 nghìn ha lúa thu đông của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước, xâm nhập mặn. Trong khi đó, để đối phó với El Nino, nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đều đã đẩy mạnh dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực khiến nhu cầu gạo trên thế giới càng tăng cao.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ giờ đến cuối năm nay. Ngoài các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam cũng đang ngày càng tăng lượng xuất khẩu sang các thị trường mới, tiềm năng. Đặc biệt với thị trường Liên minh châu Âu (EU), lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang EU 47,1 nghìn tấn gạo, đạt 55,4% lượng năm 2022 với kim ngạch 31,4 triệu USD, đạt 53% kim ngạch năm 2022. Riêng gạo Japonica, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng gần 800 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “7 tháng đầu năm 2023, tổng các hợp đồng đã xuất khẩu và đã ký chờ xuất khẩu của công ty đạt 73% sản lượng theo kế hoạch năm 2023, bảo đảm cung ứng 500.000 tấn gạo phục vụ xuất khẩu cho Vinafood1 như đã ký kết hồi tháng 12/2022. Đối với thị trường chất lượng cao, Lộc Trời tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng thị phần gạo thương hiệu Cơm ViệtNam Rice tại châu Âu, hướng tới mục tiêu ngày càng tăng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này”. Ngoài ra, gần đây, Việt Nam đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu hơn 16.600 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc, đưa lũy kế xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 sang nước này đạt 31,5 nghìn tấn, trị giá 15,3 triệu USD, đạt 45,5% kim ngạch năm 2022.

Linh hoạt trong điều hành xuất khẩu gạo

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng phải đặt trong sự cân đối bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Theo đó, cần có giải pháp tích cực để ổn định sản xuất, phục vụ đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Về vấn đề này, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường thông tin: Lũy kế đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được gần 6,2 triệu ha lúa. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha với năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch đạt hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đến thời điểm này, Cục Trồng trọt đã có đoàn đi kiểm tra tại một số vùng trồng lúa trọng điểm cho thấy sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa rất tốt, nên dự kiến sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,2- 43,4 triệu tấn là rất khả thi. Hiện Cục cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm việc với các địa phương để kiểm tra nguồn nước, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 để có nguồn cung lúa gạo tốt nhất cho thời gian tới. Đồng thời có kế hoạch tăng diện tích sản xuất lúa vụ thu đông tại đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên 700.000 ha để gia tăng sản lượng. “Không chỉ an ninh lương thực quốc gia nói chung mà an ninh lương thực tới từng hộ gia đình cũng được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở nâng lên một tỷ lệ rất cao, ví dụ bình quân thống kê mỗi người dân Việt Nam sử dụng 7,5 kg gạo/tháng nhưng hiện đã nâng lên 9kg/tháng” - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Kiên định mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững ảnh 1

Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Phước Thành II, tỉnh Long An. Ảnh | MINH HÀ

Mặc dù nguồn cung được dự báo ổn định để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu gạo vẫn đang “nóng” lên từng ngày, thì cũng đang đặt ra thách thức cho việc kiên định mục tiêu xuất khẩu bền vững của ngành hàng này. Thực tế, thời gian qua, tại vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm cả nước là đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện hiện tượng tranh mua, tranh bán lúa gạo, gom hàng, tích trữ hàng để đẩy giá lúa gạo lên cao. “Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn thì có thể sẽ gây tác động thiếu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bởi lẽ, khi giá lúa trong nước không ngừng tăng cao, doanh nghiệp phải mua vào với giá cao thì càng đẩy giá xuất khẩu của Việt Nam tăng bất thường, sẽ khiến nhiều khách hàng phải tìm đối tác khác để nhập khẩu. Chưa kể, với giá lúa tăng cao từng ngày thì khả năng mua hàng của doanh nghiệp cũng hạn chế, dẫn đến việc doanh nghiệp tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cả nông dân trồng lúa và “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp xuất khẩu, rất dễ gây ra sự xáo trộn về thu mua và xuất khẩu gạo trong thời gian kế tiếp” - ông Nguyễn Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, tỉnh Long An nhận định.

Trước tình hình đó, về công tác điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh đến vai trò của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo quy hoạch vùng trồng lúa theo định hướng của ngành nông nghiệp và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường. Đặc biệt là chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, loại bỏ ngay tư duy kinh doanh “chộp giật” để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá... Về lâu dài, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu gạo vào nhiều quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.