Tìm kiếm từng phần trăm tăng trưởng cho nền kinh tế

Dư địa để góp nhặt từng điểm phần trăm tăng trưởng quý báu cho nền kinh tế được nhận diện khá rõ, tuy nhiên, thách thức lớn đang nằm ở quyết tâm lựa chọn và thực thi giải pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Lạch Huyện. Ảnh | TRẦN HẢI
Cảng Lạch Huyện. Ảnh | TRẦN HẢI

Dư địa tăng trưởng

Cho dù khó khăn sẽ còn chi phối kinh tế năm 2024, nhưng những con gió mát lành đã bắt đầu thổi mạnh hơn. GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định về kinh tế Việt Nam 2024. “Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tiếp nối đà của năm 2023 và chính vì vậy, mục tiêu đặt ra 6- 6,5% cũng không phải là quá khó để đạt được”.

Lý do của góc nhìn lạc quan này đến từ việc Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn được bảo đảm ngay cả trong những lúc khó khăn nhất; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế vững vàng thêm sau các bước tiến vô cùng quan trọng trong hoạt động ngoại giao...; chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam được cải thiện, bám theo xu thế phát triển...

Hơn thế, những cơn gió ngược càn quét kinh tế thế giới của năm 2023 đang được dự báo sẽ đổi chiều trong năm nay, như lạm phát của kinh tế thế giới cũng như của các thị trường lớn của Việt Nam, Mỹ, châu Âu... được dự báo sẽ kiểm soát tốt hơn khi Fed cũng đã phát đi tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Kinh tế Mỹ, Nhật và cả Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh hơn... trong các dự báo đầu năm 2024 của Liên hợp quốc so với những dự báo được đưa ra trước đó, cho dù kinh tế toàn cầu vẫn trong bối cảnh ảm đạm, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn vẫn khiến thị trường thế giới phân mảnh...

Đáng nói hơn, theo TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá tốt khả năng chống chịu trước những cú sốc. “Trong khi kinh tế thế giới phục hồi không đều thì tăng trưởng kinh tế của chúng ta tăng dần qua từng quý và đang có một xu hướng đi lên khá đều. Vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, Chính phủ sẽ chủ động hơn trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là việc quyết liệt thực hiện chính sách tài khóa ngược chu kỳ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi”, ông Sang nhấn mạnh.

Thực tế đang cho thấy, năm 2023 đi qua với những chỉ dấu đáng kể, đó là nợ công thấp, xuất siêu tăng bảo đảm cho nguồn lực dự trữ tốt hơn. Như vậy, dư địa để kéo dài giải pháp cắt giảm thuế VAT đang được áp dụng 6 tháng đầu năm 2024; tiếp tục các giải pháp giảm, miễn tiền thuế, thuê đất cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh đầu tư công... sẽ rộng rãi hơn trong năm 2024.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 15% ngay từ đầu năm, cùng với cam kết sẽ tăng chỉ tiêu phù hợp với tình hình và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế. Điều này có nghĩa sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa thêm vào nền kinh tế trong năm nay, tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ năm 2023 là khoảng 13,56 triệu tỷ đồng...

Cũng không thể né tránh, khó khăn, thách thức vẫn đang chi phối, thậm chí đang là bài toán khó cho hầu hết kế hoạch đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong năm nay, nhưng rõ ràng, Việt Nam đang có những yếu tố để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh thay vì tiết kiệm.

Tìm kiếm từng phần trăm tăng trưởng cho nền kinh tế ảnh 1

Lắp ráp và sản xuất ô-tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công 2, Tập đoàn Thành Công.

Khi nền kinh tế có triển vọng phục hồi, các nguồn đầu tư mới xuất hiện nhiều hơn, nhu cầu đầu tư cho bất động sản cũng sẽ gia tăng. Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua cùng với Luật Bất động sản, Luật Nhà ở được thông qua, môi trường pháp lý cho các dự án bất động sản sẽ thuận lợi hơn, thúc đẩy các hoạt động đầu tư mở rộng, đầu tư mới. Cơ hội để thị trường tiền tệ và thị trường vốn năm nay cũng sẽ có cơ hội để phát triển sôi động trở lại, GS,TS Hoàng Văn Cường phân tích thêm.

Thách thức thực thi

Dù cơ sở để từng điểm phần trăm tăng trưởng quý báu được nhận diện khá rõ, được kỳ vọng sẽ góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2024, song các chuyên gia kinh tế khá đồng thuận khi cho rằng, các giải pháp thực hiện không thể chỉ nhìn vào một năm.

Thậm chí, theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 cần phải thực hiện ngay trong năm 2024, làm cơ sở cho năm 2025. “Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2024 chỉ đạt khoảng 6%, thì năm 2025, tăng trưởng GDP phải đạt được 12% mới bảo đảm thực hiện được mục tiêu nhiệm kỳ. Chính vì vậy, thách thức mà kinh tế 2024 đối mặt sẽ lớn hơn, cần quyết tâm chính trị của cả hệ thống trong lựa chọn và thực thi các giải pháp kích hoạt các động lực tăng trưởng mạnh trở lại”.

Tuy nhiên, nhìn vào các động lực tăng trưởng của năm 2024, gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, ông Cung cho rằng, bệ đỡ chính vẫn nằm ở đầu tư và tiêu dùng trong nước. Xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn, nhưng phụ thuộc rất lớn vào sự hồi phục của kinh tế thế giới, nên khó chủ động.

“Khơi thông được nguồn lực trong đầu tư công, thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo nguyên tắc đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, đầu tư công có những giới hạn và không thể tăng mãi, trong khi đầu tư tư nhân năm 2023 chỉ tăng có 2,7%, thấp hơn cả thời kỳ Covid-19. Lúc này, sự an tâm trong đầu tư kinh doanh và môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cần phải được coi là trọng tâm trong các giải pháp”, ông Cung đề xuất. Một lần nữa, các yêu cầu cải cách thể chế được đặt ra cấp bách hơn.

Tuy nhiên, đây lại là “phần nhiệm vụ chưa làm được nhiều” trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, dù cải cách thể chế luôn được xác định là khâu đột phá trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội cũng như Chính phủ. Vấn đề là, hậu quả của việc chậm cải cách thể chế chưa rõ ràng, còn chồng chéo là môi trường không tốt cho thực thi, kể cả ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Thậm chí, đây cũng một trong những nguyên nhân của nhiều đại án đang được xử lý.

Trong các báo cáo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, giải pháp chủ yếu vẫn là cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản, nghĩa là vướng chỗ nào thì tháo chỗ đấy, thấy chỗ nào lệch thì sắp lại. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, việc tháo gỡ nói trên cần, nhưng chưa đủ vì xã hội luôn phát triển, các quan hệ thay đổi liên tục, chỉnh hôm nay thì ngày mai có thể đã lạc hậu. “Để giải quyết căn cơ, phải có hướng tiếp cận khác, nhiều khi cần tư duy lại để có cách làm khác, làm mới chứ không thể chỉnh sửa mãi. Đó là chưa kể trong xu thế phát triển mới, với các yêu cầu xanh, tuần hoàn, phát triển dựa vào đổi mới, sáng tạo... đang đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống, rất cần sự hậu thuẫn của thể chế”.

Bài toán đặt ra là cần có những người dám nghĩ, dám làm để tạo ra giá trị mới, tìm kiếm giải pháp thực sự đột phá, tạo bước chuyển mạnh mẽ. Song, các chuyên gia lo ngại, với nguyên tắc công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định, việc tìm lời giải cho việc tháo gỡ vướng mắc do quy định thiếu thống nhất còn khó, chứ chưa nói đến động lực tìm kiếm cách thức đổi mới, sáng tạo trong quản lý nhà nước.

Vào thời điểm này, có lẽ phải nhắc tới tinh thần “Năm quyết tâm” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương vừa diễn ra sáng 5/1.

Đó là quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Có nghĩa là quyết tâm đã rõ, giờ cần lan tỏa trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị.