Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp gồng mình "vượt bão" cuối năm

Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, đơn hàng sụt giảm... hàng loạt khó khăn khiến các doanh nghiệp trong nước phải sa thải, cắt giảm lao động. Trong "bão" khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, thích ứng với tình hình và xem đây như một cơ hội với tinh thần trong "nguy" có "cơ", "cái khó ló cái khôn".
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ hệ sinh thái đa dạng và triết lý kinh doanh riêng, tập đoàn Amaccao vẫn duy trì đủ việc làm cho 4.000 lao động.
Nhờ hệ sinh thái đa dạng và triết lý kinh doanh riêng, tập đoàn Amaccao vẫn duy trì đủ việc làm cho 4.000 lao động.

Gần nửa triệu công nhân bị ảnh hưởng việc làm

Co ro trong giá buốt của mùa đông Hà Nội, chị Phan Tuyết kều viên than hồng nướng ngô trên vỉa hè, chia sẻ: "Trước em làm công nhân may bên Khu công nghiệp Thăng Long, nhưng nhà máy không còn đơn hàng, em bị mất việc, đi xin chỗ công ty khác cũng từ chối nên đành mua ít ngô bên Đông Anh rồi qua phố cổ nướng bán kiếm sống qua ngày".

Chị Tuyết quê ở Sơn La, trong hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua, nhà máy phải đóng cửa, chị phải đi xe máy về huyện vùng cao Phù Yên làm rẫy. Đầu năm nay, nhà máy may mở cửa trở lại, đơn hàng về tới tấp, chị được thuyết phục xuống núi tiếp tục làm công nhân. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau 2 quý làm việc, nhận lương đều, chị Tuyết buộc phải giảm dần giờ làm, rồi nghỉ việc. Không thể về quê tay trắng khi năm hết Tết đến, chị xoay sang bán trà đá, rồi ngô nướng chỉ mong đủ cho ngày ba bữa cơm bụi, trả tiền nhà trọ và có chút ít tích cóp về quê. Các công nhân cùng nhà máy với chị Tuyết khi mất việc đều tứ tán tìm kế mưu sinh, người bán vé số, kẻ chạy xe ôm... nhưng nói chung đều bế tắc như "con kiến mà leo cành đa".

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện có 500 nghìn người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42 nghìn lao động bị mất việc. Trong số đó có 31.000 lao động nữ hơn 35 tuổi; 10 nghìn lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang bầu. Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phân tích, những doanh nghiệp lớn có khách hàng truyền thống, lâu dài vẫn có đơn hàng đến đầu năm 2023, nhưng nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng, đơn giá lại sụt giảm, nhiều khách đặt hàng đưa ra mức giá chỉ đạt 50%, thậm chí 40% so với bình thường.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả doanh nghiệp trong ngành. Bình quân lượng hàng đã giảm khoảng 30% so với đầu năm. Tình hình sụt giảm đơn hàng quý IV năm 2022 gia tăng nhiều hơn và có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023.

Ngành gỗ cũng rơi vào tình trạng ảm đạm khi đơn hàng đã giảm hơn 50%, xuất khẩu nhỏ giọt, hoặc bị đối tác "câu giờ". Đầu ra của gỗ ghép thanh là làm hàng bàn, ghế, tủ, giường xuất đi Hoa Kỳ, EU. Kinh tế suy thoái tại các thị trường này khiến "tắc" đầu ra, không có đơn hàng xuất khẩu.

Như một vết dầu loang, sụt giảm việc làm diễn ra ở mọi nhóm ngành nghề như chăm sóc khách hàng, telesales, bán hàng, nhân viên nhà hàng-khách sạn với mức giảm 12-25%. Các nhóm ngành còn lại gồm công nhân, shipper, tài xế ô-tô, bảo vệ đều ghi nhận mức giảm khoảng 50%.

Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu từ các yếu tố: Chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Sức ép này đến từ các yếu tố gồm: Giá dầu thế giới có thể bị đẩy lên mức cao, lãi suất tăng nhanh; rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất...

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó tổng hợp và chỉ ra các thách thức lớn nhất của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Đó là, ngoài việc đơn hàng bị sụt giảm, nhiều ngành, doanh nghiệp còn gặp một số thách thức đặc biệt lớn. Thách thức về tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn hai năm dịch bệnh. Hiện nay các nguồn vốn từ ngân hàng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán... đều tắc nghẽn ở mức độ khác nhau.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chịu thách thức về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp. Hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết bài toán cấp bách...

Doanh nghiệp chủ động, sáng tạo "vượt bão"

Trong tình cảnh khó khăn bủa vây tứ phía, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sáng tạo vượt khó. Tập đoàn Amaccao - một thương hiệu hàng đầu về sản xuất vật liệu xây dựng là một thí dụ điển hình của tinh thần đã dựa vào nội lực và hệ sinh thái của mình để vượt qua thách thức, thích ứng với hoàn cảnh mới.

Thời điểm gặp "bão" khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, ngành xây dựng, bất động sản đóng băng, lãnh đạo Công ty Amaccao quyết định một số cán bộ, nhân viên phải nghỉ thứ 6, thứ 7 để bảo đảm cho lao động có việc 5 ngày trong tuần. Để vượt qua khủng hoảng, doanh nghiệp này giảm giá thành bằng cách không thu khấu hao để đỡ cho khách hàng và công ty duy trì được công việc.

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Vinh cho biết, Tập đoàn Amaccao đã xây dựng được một hệ sinh thái riêng, đa dạng với hệ thống hơn 10 nhà máy sản xuất bê-tông, nhờ đó hỗ trợ, bổ sung và gánh đỡ cho nhau và khi gặp khó khăn về thị trường. Hai năm 2020-2021, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Amaccao vẫn tăng trưởng trên hai con số. Đến thời điểm cuối năm 2022, kinh tế suy thoái, đơn hàng giảm, ngành bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng tới Amaccao vì một nửa sản xuất của tập đoàn này phục vụ các dự án bất động sản, xây dựng. Tuy nhiên, ông Vinh chia sẻ, do doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm và hệ sinh thái đa dạng, mối quan hệ rộng nên vẫn đủ việc làm cho 4.000 lao động, mặc dù lợi nhuận trên doanh thu bị giảm nhiều so với những năm thuận lợi.

Theo ông Vinh, một trong những yếu tố giúp Amaccao vượt khó, vươn lên nhờ dựa vào triết lý kinh doanh riêng, như: trong sản xuất, đầu tư thì lựa chọn những sản phẩm, dự án, công nghệ đặc thù ở Việt Nam chưa có; tính khó cao; yêu cầu kỹ thuật khó nên cần có kiến thức, bí quyết công nghệ, thời gian nghiên cứu lâu dài; ít phải cạnh tranh với người Việt. Đặc biệt, Amaccao lựa chọn tiêu chuẩn đầu ra sản phẩm cũng là tiêu chuẩn Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng thích ứng với tình hình khó khăn chung, và xem đây như một cơ hội với tinh thần trong "nguy" có "cơ", "cái khó ló cái khôn".

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng thời điểm khó khăn này chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới những chuẩn mực quốc tế về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, về chuyển đổi số không chỉ đơn lẻ mà hướng tới giải pháp quản trị tổng thể.

Theo xu thế đó, Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã chủ động thích ứng, linh hoạt đưa ra các quyết sách để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Đó là chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm giữ chân người lao động; đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp. Nhờ đó, trong "bão" khó khăn, công ty này vẫn tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: "Suy thoái kinh tế lại là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam hình thành tư tưởng phát triển mới, trong đó có việc chuyển đổi sản phẩm sao cho phù hợp với những đòi hỏi mới của thị trường. Cách tiếp thị, gắn kết giữa các đối tác và với thị trường cũng đang có sự chuyển dịch đáng kể. Đặc biệt, doanh nghiệp đang tích cực trong chuyển đổi số để hòa cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu".