Nhà thiết kế Thủy Nguyễn

Kể chuyện Việt Nam đương đại qua thời trang

Triển lãm Mộng bình thường, chọn lọc giới thiệu 60 mẫu thiết kế thời trang của nhà thiết kế Thủy Nguyễn đang thu hút đông đảo khách tham quan tại Thủ đô Hà Nội. Triển lãm có quy mô lớn và cách thức trưng bày mới lạ ngay từ không gian phía ngoài bao quanh khu vực nhà triển lãm. Chị trò chuyện cùng chúng tôi bên lề sự bận rộn của kế hoạch tiếp tục đưa triển lãm tới TP Huế (Thừa Thiên Huế).
0:00 / 0:00
0:00
Kể chuyện Việt Nam đương đại qua thời trang

Sáng tạo mới trên nền truyền thống

- Chị dành chín năm để định hình một con đường riêng trong lĩnh vực thiết kế thời trang và chọn lọc sáng tác để trưng bày triển lãm đầu tiên nhưng lại chọn cái tên Mộng bình thường. Liệu có phải chị đang muốn làm nhẹ đi những vất vả không thể đo đếm trong câu chuyện dài trên hành trình này?

- Tôi muốn chia sẻ đến khán giả rằng, để có một ngày bình thường, chúng ta cũng phải sống, quyết liệt và đam mê. Đại dịch Covid-19 xảy ra càng chứng minh để có thể được sống bình thường, chúng ta cũng phải cố gắng đến thế nào. Mỗi ngày nỗ lực một chút, trau dồi một chút, mơ mộng một chút...

Sau chín năm bền bỉ, tôi đã xây dựng được câu chuyện thời trang của riêng mình. Đó là câu chuyện về Việt Nam đương đại, không chỉ là áo dài, cây đa bến nước sân đình hay tranh dân gian, mà còn là những sáng tạo mới trên nền truyền thống, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Mọi người sẽ thấy "mộng bình thường" của tôi phải trải qua bao nhiêu mòn mỏi, bao nhiêu mầu sắc, bao nhiêu kim chỉ. Từng dòng ghi chép nghiên cứu tôi viết ra, từng cái tên của chủ đề và nội dung trưng bày, cách sắp xếp tác phẩm với phụ kiện trang trí, ánh sáng... và địa điểm triển lãm thế nào để hấp dẫn người xem đều được cân nhắc kỹ lưỡng.

- Chị có thể chia sẻ thêm suy nghĩ của chị về câu chuyện "sáng tạo mới trên nền truyền thống"? Đưa văn hóa truyền thống vào thời trang có vẻ đang là một trào lưu nhưng làm thế nào để không phải là "cắt-dán" mà là sáng tạo cá nhân?

- Tôi nghĩ tác phẩm chính là tâm hồn mình, nó không thể giả được, mình đau đáu về điều gì sẽ ra tác phẩm như thế. Tôi không thể không làm về dân gian, vấn đề là thể hiện thế nào. Tất cả những bộ sưu tập của tôi đều lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, từ cuộc sống. Đó cũng chính là những điểm chạm giữa tôi và khán giả, dù tôi kể bằng ngôn ngữ đương đại.

Tôi sử dụng nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng như hoa sen, đình chùa, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, hình ảnh gợi từ câu dân ca, tục ngữ… những gì ám ảnh mình nhất. Nhưng dùng chúng như thế nào là một bài toán khó. Tôi không đưa hình ảnh theo lối "lắp ghép" để ra mầu sắc Việt Nam mà chỉ khơi gợi lại để cho mọi người thấy một hình ảnh khác của chúng thôi. Tôi kết hợp nhiều chất liệu và kỹ thuật thể hiện trên một mẫu sản phẩm: in kỹ thuật số, đắp nổi 3D, sử dụng cả những kỹ thuật đương đại dùng trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp nhất của thế giới.

Chúng ta không thể bê nguyên truyền thống mà phải có những cách kể mới bằng ngôn ngữ hôm nay để tiếp cận giới trẻ, bởi tôi không làm vì mình mà làm vì thế hệ tương lai. Phải làm thế nào để có kết nối với các bạn trẻ thì chúng ta mới đi được con đường dài và Việt Nam mới phát triển được.

- Yếu tố "có thể sử dụng" được chị quan tâm như thế nào khi bắt đầu với một ý tưởng thiết kế trang phục?

- Tôi quan tâm đến cảm xúc của mình nhiều nhất, sau đó là kỹ thuật gì, mầu gì và bao nhiêu tiền. Tôi không thể đứng trên vai nghệ thuật hoàn toàn được vì đằng sau đó là câu chuyện chi phí. Chúng ta vẫn hay mặc định thời trang phải mặc được, mặc ở đâu, mặc ra sao chứ không phải chỉ là một tác phẩm. Nhưng chúng ta có thể cân bằng hay thay đổi, hóa giải được "mặc định" ấy không… Trong Mộng bình thường, tôi có một tác phẩm thiết kế mà để hoàn thiện, cần tới sáu người thợ thủ công làm trong vòng tám tháng. Nó chứng minh rằng, nghệ nhân của chúng ta rất giỏi, có thể thực hiện được nhiều yêu cầu kỹ thuật vô cùng lắt léo. Song quan trọng nữa, tác phẩm được làm bằng tay nhưng cũng rất dễ mặc và hoàn toàn thuận tiện trong sử dụng thường ngày chứ không chỉ để trình diễn như khán giả vẫn mặc định.

Kể chuyện Việt Nam đương đại qua thời trang ảnh 1
Một gian trưng bày tại triển lãm Mộng bình thường. Ảnh: Thu An

Tôi muốn tạo cảm hứng cho khán giả

- Quả vậy, nhiều người vẫn cho rằng, các bộ sưu tập thời trang vẫn chỉ là để trình diễn, thỏa mãn cảm hứng sáng tạo và tạo thương hiệu cho nhà thiết kế chứ nó vẫn xa rời đời sống.

- Có lẽ phần vì giới thiết kế thời trang nước ta chưa làm nhiều trưng bày để đến gần hơn với công chúng. Với Mộng bình thường, tôi muốn đo lượng khán giả họ tiếp nhận thế nào. Tôi đã trưng bày ở TP Hồ Chí Minh, đang trưng bày ở Hà Nội, có thể sắp tới, tôi đi Huế. Làm nghệ thuật cần đời sống, cần sự tương tác. Tôi muốn khán giả hiểu rằng, thời trang không chỉ ở trên sàn diễn và những người mẫu lạnh lùng, xa cách. Thời trang cũng rất gần gụi và có nhiều cách tiếp cận khác nhau, dần dần các bạn trẻ sẽ có cảm hứng, mở ra những con đường để tiếp cận đời sống và ngược lại, công chúng cũng đến gần với mình hơn, nhìn thời trang theo con mắt khác. Nó không chỉ là một bộ sưu tập, trình diễn xong là xong, mà chúng ta cần phải kết nối với nó để kể câu chuyện nào đó, thể hiện mong ước gì cho nó trong tương lai.

- Những cái tên bộ sưu tập/tác phẩm của chị rất lãng mạn, mơ mộng, như Lúng liếng, Mộng mị, Tìm người trong mộng..., Có vẻ, thời trang, với chị còn là một giấc mộng đẹp?

- Là một giấc mộng của tôi về đời sống này (cười), nó rất đẹp và lãng mạn nhưng cũng rất nhọc nhằn. Và nó cũng còn là câu chuyện của ký ức nữa, ký ức cũng luôn đẹp. Tôi tập trung cảm xúc của mình vào những điều như thế, còn nguyên vẹn trong lòng mình, những thứ thuộc về con người, mình lôi nó ra và kể lại theo cách của mình qua thời trang, và tôi tin là những gì thật sự từ tâm hồn mình cũng sẽ đến được với tâm hồn người xem.

- Sau Mộng bình thường sẽ là một hành trình mới của chị chứ?

- Tôi sợ cảm giác không vượt qua được chính mình. Đây là một chặng đường mà tôi phải suy nghĩ và nhìn nhận về những cái gì bản thân đã đi qua, đã không làm được, những sai lầm không nên lặp lại để đi tiếp giấc mộng thứ hai bằng một hình ảnh khác.

Nhưng sau Mộng bình thường, tôi mong nhiều người sẽ nhìn nhận thời trang khác đi, nhất là những bạn đồng nghiệp sẽ có câu chuyện và cách làm việc khác thói quen thông thường, truyền cảm hứng và có thêm nhiều triển lãm nữa, để về lâu dài, công chúng sẽ có cách nhìn khác với thời trang của nước mình. Tôi muốn các nghệ sĩ trẻ hãy làm việc và cống hiến, dám đi con đường của mình tạo cảm hứng cho khán giả. Hằng ngày, tôi đứng ở nhà triển lãm để lắng nghe những chia sẻ của khán giả, chứng tỏ khán giả vẫn rất quan tâm tới thời trang.

- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị!

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn khởi đầu hành trình thời trang từ năm 2011. Chị là nhà thiết kế trang phục biểu diễn cho nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng như Tùng Dương, Hồng Nhung, Hoàng Thùy Linh…, tham gia thiết kế trang phục cho nhiều bộ phim điện ảnh như Cô Ba Sài Gòn, Em và Trịnh… Năm 2019, chị là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.