Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak:

“Hãy tập trung cho giáo dục, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo”

Trong chuyến công du Việt Nam mới đây, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak (ảnh bên) đã chia sẻ về những kinh nghiệm của Israel trong hành trình trở thành một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới và gợi mở nhiều vấn đề để Việt Nam có thể tham khảo, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
“Hãy tập trung cho giáo dục, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo”

Xin ông cho biết một số thành tựu của Israel từ khi lập quốc đến nay và yếu tố cốt lõi nào đã làm nên thành tựu đó?

Đất nước Israel nếu so với Việt Nam về diện tích chỉ bằng 1/15, về dân số cũng chỉ bằng 1/10. Chúng tôi sống bên Biển Chết, ở Biển Chết thậm chí một con cá cũng không có. Đất nước chúng tôi không có nhiều nước ngọt, một nửa số nước ngọt sử dụng từ tách muối biển. Israel trải qua chiến tranh, 7 cuộc chiến trong 75 năm qua và hứng chịu nhiều cuộc tấn công từ bên ngoài. 75 năm qua, dân số chúng tôi tăng 14 lần với người Do Thái trên khắp thế giới quy tụ về đất nước. Cũng trong thời gian đó, GDP của Israel đã tăng 70 lần.

Có một thời Israel nằm dưới ách đô hộ của thực dân Anh, nhưng bây giờ tính GDP trên đầu người chúng tôi đã vượt Anh. Israel nổi danh là quốc gia khởi nghiệp. Năm 2021, Mỹ có 45 công ty kỳ lân công nghệ, Trung Quốc có 25 công ty startup unicorn. Cùng trong khoảng thời gian đó, Israel - một quốc gia nhỏ hơn Mỹ và Trung Quốc nhiều lần - nhưng đã đóng góp tới 17 kỳ lân công nghệ. Ở Israel, ngành khoa học sinh học nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thủy canh hết sức phát triển. Tính cả công nghiệp quốc phòng thì ngành công nghệ cao chiếm 50% tổng lượng xuất khẩu của Israel... Trong vòng 75 năm qua, từ 30% dân số làm nông nghiệp, bây giờ chúng tôi chỉ còn 1,7%, canh tác đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Để đạt được những thành tựu đó, chúng tôi đặt trọng tâm vào giáo dục. Người Do Thái có truyền thống rất coi trọng việc học hành. Trẻ em bắt đầu học đọc và viết khi mới 3 tuổi. Đến khi 6 tuổi, mọi đứa trẻ đều biết đọc, biết viết. Giáo dục bắt buộc kéo dài 12 năm, áp dụng cho mọi người từ 6-18 tuổi.

Chúng tôi rất nỗ lực trong việc giáo dục khoa học cơ bản là Toán, Hóa, Vật lý, Sinh học và tiếng Anh, khuyến khích mọi người học các môn này. Israel có hệ thống trường đại học, với 7 trường uy tín nhất. 50 năm vừa qua sinh viên tăng khoảng 10 nghìn em, bây giờ là 350 nghìn em, nhưng số lượng các trường vẫn giữ nguyên, chú trọng chất lượng, trong đó có ba trường nằm trong top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Tốt nghiệp những trường này sinh viên có mức độ ứng dụng cao, thí dụ có em đã phát minh ra loại thuốc có thể kéo dài sự sống cho các bệnh nhân, khi đưa ra thị trường đã cho lợi nhuận hàng tỷ USD.

Israel nổi tiếng nhiều nhân tài, họ đóng vai trò quan trọng để đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển được cả thế giới ngưỡng mộ. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm về cách Israel tuyển chọn, đào tạo và sử dụng nhân tài?

Nói thật lòng là tôi không tin có sự khác biệt nào giữa người Israel và bất kỳ dân tộc nào khác. Tất cả chúng ta đều bình đẳng. Chất xám người Việt cũng có chất lượng cao như của người Israel.

Từ 45 năm trước chúng tôi đã có chính sách rà soát các trường học, 1.500 trường trung học ở Israel, mỗi trường tìm kiếm 3-6 học sinh giỏi nhất. Trong số 10.000 người đó chúng tôi chọn ra 500 người giỏi nhất và đưa họ vào đơn vị công nghệ của quân đội. Tất cả thanh niên nam nữ của Israel đều gia nhập quân đội. Từ 500 người đó lại chọn ra tiếp 40 người. Khi họ vào đại học, chúng tôi cung cấp cho họ căn hộ, tiền tiêu vặt và họ không phải lo nghĩ gì ngoài việc học.

Trong ba năm, họ sẽ hoàn thành bằng đầu tiên trong hai bằng Toán và Sinh học, Hóa và Vật lý, đôi khi là Toán và Triết học, nhưng thường là hai bằng khác nhau. Sau ba năm họ được cử đến những trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến nhất, chẳng hạn của Mosaad (cơ quan tình báo Israel), hoặc của những công ty công nghệ tiên tiến nhất và làm việc sáu năm. Sáu năm làm việc trong các phòng thí nghiệm bí mật, hiện đại, chuyên nghiệp nhất, một số có bằng tiến sĩ và bắt đầu khởi nghiệp. Họ là những thiên tài, vì vậy, chúng tôi nuôi dưỡng họ và chăm sóc từng cá nhân.

Không có nhiều thiên tài và các thiên tài lại rải rác ở khắp nơi. Nếu không được xác định sớm, tài năng của các cá nhân sẽ bị thui chột. Đôi khi bạn có thể thấy một người làm công việc đơn giản ở một dây chuyền sản xuất nào đó, nhưng bạn có thể đã bỏ lỡ thiên tài. Chúng tôi tìm mọi cách để phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.

Quốc gia khởi nghiệp không xuất hiện từ nguyên liệu thô hoặc từ dầu khí, mà từ khối óc con người. Chúng tôi đã dành rất nhiều nỗ lực để làm cho họ trở thành những tài sản quý giá của đất nước và từ đó thành công. Trong tương lai, chất xám sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn so với diện tích quốc gia hay sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Trước đây, quốc gia nào có than, sắt là có thể làm ra thép; có dầu mỏ hay kim loại có thể trở nên giàu có, nhưng trong tương lai, điều này sẽ khác đi.

Tôi chắc chắn rằng ở bất kỳ nơi đâu ở Việt Nam đều có người tài, các bạn phải tạo cơ hội cho họ. Việt Nam rồi đây sẽ có những trung tâm giáo dục, những trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mới, đó sẽ là động cơ của cuộc cách mạng 4.0. Dĩ nhiên đây không phải là một quá trình mà riêng một cá nhân nào làm được, cần nỗ lực tập thể, cần có sự định hướng của lãnh đạo Việt Nam, đưa ra được một tầm nhìn và thúc đẩy thực hiện tầm nhìn đó. Phải hành động, và trong quá trình hành động, chúng ta mới có thể biến tầm nhìn thành hiện thực.

Thưa ông, ngoài coi trọng giáo dục và phát hiện, đào tạo nhân tài, còn yếu tố nào giúp Israel vươn lên hàng đầu thế giới về khởi nghiệp, sáng tạo?

Chúng tôi có một nền văn hóa khuyến khích sự sáng tạo, không xem thất bại là vết nhơ, từ thất bại mới có kinh nghiệm, từ kinh nghiệm mới có thành công trong tương lai. Bạn chưa thành công, nhưng với thất bại, bạn được chuẩn bị tốt hơn cho lần sau, bạn không mất đi kiến thức của mình, bạn có hiểu biết khoa học... Thất bại không phải thứ đáng xấu hổ.

Chúng tôi khuyến khích cấp dưới trong quá trình lên kế hoạch luôn đặt câu hỏi với cấp trên. Nhưng khi đã tìm được sự thống nhất, bắt tay vào thực hiện thì trên dưới một lòng. Chúng tôi dạy người trẻ không quá e ngại hệ thống cấp bậc. Sinh viên được khuyến khích giơ tay và nói: “Tôi không đồng ý, tôi có thể làm theo cách khác”. Trong quân đội Israel, sĩ quan trẻ có thể chất vấn những phán quyết của cấp trên và đề xuất ý tưởng khác. Vì thế khi trở thành chỉ huy quân đội, tôi luôn nhớ điều đó và cũng cho phép các sĩ quan trẻ đánh giá quyết định của tôi. Có thể một đại úy trẻ biết rõ hơn một vị tướng điều gì đang xảy ra. Dĩ nhiên, làm gì cũng phải có kỷ luật, đoàn kết, có mục đích, nhưng khi bạn có tư duy khác thì chúng tôi ủng hộ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Ông đánh giá thế nào về khát vọng này và theo ông Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu đó?

Tôi cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đến Việt Nam, tôi rất ấn tượng với những gì mình chứng kiến và những thành tựu của Việt Nam. Tôi rất lạc quan với tương lai của Việt Nam vì tôi nhận ra ở đây có hai yếu tố cần thiết để phát triển đột phá. Thứ nhất, sự rõ ràng trong mục tiêu của các nhà lãnh đạo. Thứ hai, khi đi trên đường phố, nhìn thấy các thanh niên đi xe máy, các khu chợ, đường phố nhộn nhịp... tôi cảm nhận được ở đó một nguồn năng lượng rất lớn, đó là lợi thế của Việt Nam.

Nguồn năng lượng này nếu có sự lãnh đạo đúng đắn, đi đúng hướng, đúng tầm nhìn hoàn toàn có thể biến thành nguồn động lực, một đòn bẩy để Việt Nam hướng tới tương lai. Các bạn trẻ chính là tương lai của đất nước. Tôi không dám chắc tất cả các bạn sẽ thành công nhưng chắc chắn rất nhiều bạn sẽ đạt được điều đó và đóng góp cho quê hương. Không gì là không thể, bầu trời không có giới hạn, các bạn hãy dám đam mê và mơ ước.

Việt Nam có thể học bài học từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí từ Trung Quốc... Hãy học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, cách họ đã vươn lên sau thế chiến thứ hai, trở thành cường quốc. Các công ty Nhật Bản đến làm việc tại đây vì họ biết công nghệ, biết robot hóa, họ làm nên những điều kỳ diệu trong sản xuất. Các bạn cũng có thể học hỏi từ Hàn Quốc, họ có một quỹ đạo rất khác biệt và ấn tượng. Hãy học từ Singapore, họ rất có kỷ luật. Hãy tập trung vào giáo dục, đầu tư cho phát triển nhân tài, khuyến khích tinh thần doanh nhân, nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo, văn hóa không xấu hổ vì thất bại. Phải rất kỷ luật, dám làm, suy nghĩ tự do, lãnh đạo cởi mở.

Thưa ông, thông thường khi đổi mới sẽ gặp không ít lực cản, thậm chí vấp phải sự phản đối của số đông. Với kinh nghiệm của Israel, các ông đã làm gì để vượt qua và đổi mới thành công?

Đổi mới vấp phải sự phản đối của số đông là bình thường. Đổi mới phải chịu áp lực, có những người sẽ thoái lui, nhưng với vai trò lãnh đạo, chúng ta phải tạo ra động lực để mọi người cùng tiến lên phía trước. Đổi mới từ trên xuống hay đổi mới từ dưới lên? Tôi thấy cả hai mặt tiếp cận đó đều có mặt mạnh và yếu. Với tôi, tôi luôn đề cao vai trò của những nhà hoạch định, tạo lập chính sách.

Trân trọng cảm ơn ông!