HÀ NAM TẠO BỨT PHÁ ĐỂ TRỞ THÀNH TỈNH CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI

NDO - Từ năm 2022, Hà Nam đã tự chủ về ngân sách. Tỉnh đạt tốc độ phát triển kinh tế nhanh và liên tục, trở thành tỉnh khá trong khu vực nhờ đóng góp lớn từ sản xuất công nghiệp. Ðịnh hướng đến năm 2030, Hà Nam phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc Bộ về phát triển công nghiệp, trong đó, có một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam (ảnh bên) đã có cuộc trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về chiến lược và những giải pháp để Hà Nam đạt được mục tiêu này.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam
Ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

Thưa ông, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã phát huy tiềm năng, lợi thế để có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về kinh tế-xã hội và trở thành tỉnh khá trong khu vực. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy những tiềm năng lợi thế đó như thế nào để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics của vùng đồng bằng sông Hồng?

Phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh là cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã nỗ lực đưa Hà Nam trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics của vùng đồng bằng sông Hồng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm:

HÀ NAM TẠO BỨT PHÁ ĐỂ TRỞ THÀNH TỈNH CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI ảnh 1

Một góc thành phố Phủ Lý

Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối, nhất là về hạ tầng giao thông. Hiện nay tỉnh đang triển khai thi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng...

Cùng với đó, tỉnh đang phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo định hướng, quy hoạch, khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, phù hợp với điều kiện của địa phương. Chúng tôi đang lập quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, với 8 KCN đã được thành lập, 4 KCN đã có trong quy hoạch với diện tích 940 ha và dự kiến thành lập các KCN mới với tổng diện tích là 3.200 ha.

Hà Nam có chủ trương thu hút các tập đoàn lớn để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, kết hợp mua sắm, đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - vui chơi - giải trí và mua sắm. Để thực hiện chủ trương đó, Hà Nam đã nỗ lực thu hút nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam, cũng như trên thế giới để đầu tư vào Hà Nam, như: Vingroup, Sungroup, Flamingo, Central Retail,...

Chúng tôi cũng luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh cả về số lượng và chất lượng, Hà Nam có khu Đại học Nam Cao đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến nay, một số trường như Đại học Xây dựng, Trường FPT đã đầu tư về khu Đại học Nam Cao.

Xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà để phát triển các ngành khác, tỉnh đã có những đột phá nào về cơ chế chính sách để thúc đẩy công nghiệp phát triển, thưa ông?

Với tiềm năng lợi thế của tỉnh, chúng tôi đã xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng, công nghiệp phát triển sẽ là động lực để dẫn dắt các ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị,... cùng phát triển. Để phát triển công nghiệp, chúng tôi tập trung vào một số cơ chế chính sách như sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Tập trung giải phóng mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp; Rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics.

Thứ hai, củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp như điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, logistics, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Hà Nam đang quyết liệt triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030”. Hiện có 2 dự án nhà ở xã hội; 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN đang được triển khai.

Thứ ba, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính. Từ đó, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư tại một số nước, qua đó giúp Hà Nam luôn giữ vững được vị trí nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, tăng cường nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện Hà Nam có tỷ lệ lao động qua đào tạo khá cao, đạt khoảng 70%. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề về làm việc, sinh sống tại tỉnh.

Công tác giải phóng mặt bằngvà hoàn thiện đồng bộ hạ tầng luôn là “nút thắt” cho phát triển. Tỉnh đã có những bài học kinh nghiệm như thế nào để giảiquyết vấn đềnày, thưa ông?

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương; tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng luôn là “nút thắt” trong việc thúc đẩy phát triển của các KCN trên địa bàn. Từ thực tế của tỉnh, chúng tôi nhận thấy cần làm tốt công tác quy hoạch và hoàn thiện sớm các đồ án quy hoạch các KCN trong danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung; đồng thời khẩn trương rà soát hiện trạng, xây dựng dự thảo phương án phát triển các KCN tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về hạ tầng công nghiệp cho các dự án mới, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại; bảo đảm đồng bộ các quy hoạch, xây dựng hạ tầng trong và ngoài KCN.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh đã tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ lợi ích và trách nhiệm đối với việc xây dựng và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên đối thoại để nắm bắt nguyện vọng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như giải đáp những thắc mắc cho người dân. Từ đó, kịp thời điều chỉnh và vận dụng linh hoạt các chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho phù hợp tình hình thực tế, để tạo sự đồng thuận của đa số nhân dân và đây được xem là điều kiện then chốt để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hiệu quả.

Giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước, nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi. Trong đó, công tác tái định cư cho người dân được tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, hướng đến mục tiêu tạo ra nơi ở mới có điều kiện bằng hoặc tốt hơn cho người dân khu vực có đất bị thu hồi; phải đi trước một bước trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện thị thành phố phải bố trí quỹ đất cho tái định cư, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư các khu đô thị mới phải bố trí quỹ đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án sau này trên địa bàn. Người dân có đất bị thu hồi được tỉnh quan tâm để bảo đảm an sinh bền vững. Chúng tôi đã phối hợp tốt với nhà đầu tư, các trường học trên địa bàn để đào tạo nghề cho con em các gia đình nơi có dự án; hợp tác với các doanh nghiệp để lo sinh kế cho người dân, bảo đảm họ có cuộc sống ổn định, thu nhập tốt hơn và được làm việc ngay trên mảnh đất đã gắn bó.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm công tác giải phóng mặt bằng. Tập trung giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc bồi thường giải phóng mặt bằng ngay từ cơ sở, không để tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài.

Xin trân trọng cảm ơn ông!