Xét xử trực tuyến:

Xu hướng tất yếu trong bối cảnh mới

Không giống với các phiên họp, hội nghị trực tuyến, dạy học trực tuyến thường thấy, điểm khác biệt với xét xử trực tiếp là thay vì chỉ diễn ra tại một địa điểm là Phòng xử án của Tòa án, xét xử trực tuyến có thể diễn ra tại một số địa điểm (điểm cầu trực tuyến). Tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch Covid-19, tuy nhiên cần cân nhắc thấu đáo và những bước đi thận trọng.

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Nhật Cường. Ảnh | Phạm Kiên
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Nhật Cường. Ảnh | Phạm Kiên

Nhiều ưu thế

Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hoạt động xét xử của tòa án bị ảnh hưởng. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa; một số Tòa án địa phương đã đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn tổ chức xét xử trực tuyến (XXTT) đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trên bình diện quốc tế, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển và nền tư pháp tiến bộ như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore đều ứng dụng mạnh mẽ công nghệ điện tử và công nghệ số vào hoạt động tư pháp, trong đó có tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến... đến XXTT, nhất là sau khi đại dịch bùng phát. Đa số tòa án các nước khu vực ASEAN cũng đã thực hiện việc xây dựng Tòa án điện tử và tổ chức XXTT. Theo cam kết khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN, đến năm 2025 Việt Nam phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử.

Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy một số tòa án đã triển khai xét xử các vụ án về xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/HÐTP, trong đó người bị hại ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (như micro, loa, ti-vi, camera..) kết nối trực tiếp với phòng xử án để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa và đến nay chưa có tòa án nào phản ánh có vướng mắc liên quan đến nội dung này. Một minh chứng điển hình khác là đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa qua cũng đã tham gia trực tuyến một phiên tòa ở Singapore.

Thực chất, XXTT là một phương thức xét xử trực tiếp, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. XXTT có đầy đủ các đặc điểm và bảo đảm các yêu cầu của xét xử trực tiếp (như bằng lời nói, liên tục, trực diện đối thoại, cùng một thời điểm, công khai, có sự chứng kiến của các bên tham gia, đúng trình tự, thủ tục tố tụng do pháp luật quy định). Các thủ tục tố tụng vẫn được thực hiện trong cùng một thời điểm như xét xử thông thường, bị cáo, đương sự vẫn được trình bày ý kiến, bảo đảm việc xét hỏi, tranh luận, xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ; nghe kiểm sát viên phát biểu ý kiến một cách trực diện. Tổ chức XXTT không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể có liên quan, thậm chí còn được bảo đảm tốt hơn vì phiên tòa trực tuyến bắt buộc phải ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Với nhiều ưu thế, XXTT là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; tố tụng trực tuyến phù hợp chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định, rất cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho các bên bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tháo gỡ khó khăn mà thực tiễn đặt ra, tiết kiệm nguồn lực và chi phí xã hội, bảo đảm công tác xét xử của tòa án nhanh chóng, kịp thời, thực hiện được mục tiêu kép trong tình hình dịch bệnh. Đó cũng là bước đi cần thiết cho xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh theo tinh thần các văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp và ứng dụng công nghệ thông tin. Trang thiết bị Phòng xử án của các tòa án hiện đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu XXTT nên không làm phát sinh nhiều kinh phí đầu tư ban đầu về hạ tầng kỹ thuật.

Cân nhắc thấu đáo, xem xét triển khai thận trọng

Nhận thức được ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử, nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn cấp bách do dịch Covid-19, trên cơ sở nghiên cứu chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, TANDTC đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức XXTT. Trong đó, nhiều quy định chặt chẽ đã được đề cập về nguyên tắc tổ chức, phiên tòa XXTT, điều kiện, các vụ việc được XXTT, yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, thông báo, triệu tập tham gia, giao, nhận tài liệu, chứng cứ, tống đạt văn bản tố tụng, chuẩn bị XXTT... Dự thảo Quy chế cũng đưa ra yêu cầu bắt buộc và hạn chế số lượng điểm cầu tham gia để tránh việc tùy tiện, đồng thời bảo đảm sự trang nghiêm của phiên tòa; bị cáo, đương sự phải có văn bản đồng ý XXTT...

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh việc XXTT vẫn diễn ra ở phòng xét xử theo đúng các quy định hiện hành, một số chủ thể do điều kiện, hoàn cảnh khách quan không đến dự phiên tòa được có thể tham gia tại điểm cầu. Dẫn chứng các tình huống bị hại bị đâm trọng thương đang điều trị tại bệnh viện mà lời khai rất quan trọng, hay nhân chứng đang ở nước ngoài không thể có mặt tại tòa thì cho phép khai báo trực tuyến tới phiên tòa và coi đó cũng là lời nói trực tiếp, bị cáo đang bị F0 không thể áp giải ra tòa để bảo đảm an toàn chống dịch thì trại giam tổ chức một phòng xét xử có đầy đủ hình ảnh Hội đồng xét xử truyền từ phiên tòa, có sự giám sát của Viện Kiểm sát để bị cáo khai báo làm rõ sự thật vụ án cho thấy nếu triển khai sớm XXTT sẽ mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng mà một số thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đề cập. Đơn cử khi cung cấp tài liệu chứng cứ mới, tại một điểm cầu chỉ được xem gián tiếp qua hình ảnh truyền bằng đường truyền thì độ chính xác thế nào, có bảo đảm khách quan, trong khi thực tế có phiên tòa khi xuất hiện chứng cứ mới, HĐXX đã tạm dừng xét xử, yêu cầu điều tra bổ sung. Rồi đường truyền bảo đảm âm thanh, hình ảnh rõ nét, trung thực và yếu tố bảo mật ra sao; trong quá trình XXTT mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do mất mạng, mất điện hoặc các sự cố khách quan khác làm phiên xét xử không thể tiếp tục thì xử lý thế nào...

Với vấn đề mới, liên quan nhiều đến các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân... đòi hỏi xem xét, cân nhắc thận trọng, có lộ trình tiến hành từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm bảo đảm chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất, trước hết áp dụng chủ yếu trong xét xử các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính và một số vụ án hình sự cần thiết, không phức tạp, ít bị cáo. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý yêu cầu đặt ra là bảo đảm thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật chặt chẽ của quá trình tranh tụng và những vấn đề đặt ra.

Trước hết, TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể, phối hợp với các cơ quan tố tụng thống nhất phương án báo cáo xin ý kiến về thẩm quyền xác định khái niệm XXTT và về lâu dài, khi chủ trương tổ chức XXTT được triển khai, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, cần pháp điển hóa bằng đạo luật mới về tố tụng điện tử hoặc sửa đổi, bổ sung các đạo luật tố tụng tư pháp cho phù hợp.