Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

“Thiếu giải pháp căn cơ để ngăn chặn xâm hại trẻ em”

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh vấn đề xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong mùa dịch Covid, nhân câu chuyện buồn về em bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị dì ghẻ bạo hành đến tử vong.

Ông Lê Như Tiến.
Ông Lê Như Tiến.

Ông có những suy ngẫm gì khi nghe tin cháu bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị dì ghẻ bạo hành đến tử vong?

Khi nghe thông tin về cháu bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong vì bị mẹ ghẻ bạo hành, tôi rất bàng hoàng, phẫn nộ. Cháu bé bị bạo hành đến tử vong trong khi chúng ta là nước đầu tiên ở châu Á đã ký Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Chúng ta cũng lại giăng mắc rất nhiều những khẩu hiệu như: “Tất cả vì trẻ em thân yêu”, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Những gì tốt đẹp nhất là dành cho trẻ em”. Chúng ta cũng có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, có các cơ quan giám sát dân cử như Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, có các cơ quan kiểm tra các cấp của Đảng. Nhưng tại sao vẫn để xảy ra hiện tượng trẻ em bị xâm hại nhiều?

Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016 thay thế Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004. Luật đã thể hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Luật đã quy định đầy đủ chăm sóc trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng pháp luật nhưng hiện tượng xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn không bị đẩy lùi. Trẻ em bị xâm hại bằng nhiều hình thức như về thân thể, về danh dự, nhân phẩm, đặc biệt là xâm hại về tình dục. Chứng kiến tình trạng nhiều trẻ em bị xâm hại đang diễn ra, tôi đặt vấn đề: Khi trẻ em bị xâm hại, chính quyền các cấp ở đâu?

Đành rằng các cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em không thể với tới tận hang cùng ngõ hẻm, từng nhà từng ngõ, từng gia đình được, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước phải có văn bản hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Các tổ chức ở cơ sở, đặc biệt là tổ dân phố, cụm dân cư phường, xã phải vào cuộc rất sớm, kịp thời. Không ai hiểu, nắm rõ hoàn cảnh các gia đình bằng cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Phụ nữ... Tại sao lại để xảy ra hiện tượng xâm hại trẻ em diễn ra nhiều như thế?

Tôi cho rằng chúng ta thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát tình trạng xâm hại trẻ em. Trẻ em là đối tượng mong manh, không có khả năng tự vệ nên cần có sự bảo vệ mạnh mẽ và rộng rãi.

Ông có thể lý giải vì sao pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đầy đủ và rõ ràng nhưng hiện tượng trẻ em bị xâm hại vẫn gia tăng?

Theo tôi, có nguyên nhân từ việc chúng ta thực thi pháp luật yếu kém, các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa kịp thời, cũng như chưa đưa ra được các chế tài đủ mạnh.

Tôi nghĩ cần phát động một phong trào vì trẻ em trong toàn dân, toàn quốc, trong cả hệ thống chính trị. Chăm sóc, bảo vệ và đặc biệt là giám sát các hành vi xâm hại trẻ em. Mặt khác cần phân trách nhiệm rõ ràng từng cấp trong hệ thống chính quyền, cấp cơ sở có nhiệm vụ gì? Các cơ quan bảo vệ pháp luật thì phải thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em ra sao?

Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và phải có đường dây nóng tiếp nhận những cuộc gọi tố cáo về bạo hành, xâm hại trẻ em. Tôi cho rằng phải có đội phản ứng nhanh về những vấn đề  xâm hại, bạo hành trẻ em chứ không chỉ có đường dây nóng là đủ. Đường dây nóng chỉ tiếp nhận nhưng tiếp nhận rồi xử lý thế nào?

Ngoài ra khi phát hiện hành vi xâm phạm trẻ em phải xử lý thật quyết liệt, mang tính răn đe cao, không thể cứ hời hợt, xuê xoa. Các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật như điều tra, xét xử, thi hành án phải vào cuộc kịp thời để xử lý nghiêm những hành vi xâm hại trẻ em. Không chỉ trừng trị bằng pháp luật mà phải lên án ở khía cạnh đạo đức.

Đánh giá của ông về số liệu thống kê cho thấy mới chỉ 10% vụ bạo hành trẻ em bị xử lý?

Tôi thấy nếu theo thống kê chỉ 10% được xử lý, như vậy đến 90% chưa được xử lý, rõ ràng đó là con số quá ít. Nếu tỷ lệ đáng buồn này vẫn được duy trì thì 90% tội phạm đã bị bỏ lọt, chỉ 10% được đưa ra ánh sáng. Tội phạm xâm hại trẻ em càng nhờn với pháp luật, tính răn đe không có. Tôi thấy dư luận và các cơ quan truyền thông đóng vai trò rất lớn đối với việc bảo vệ trẻ em. Đó là kênh rất tốt để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Sự im lặng trước nạn bạo hành trẻ em cũng là đồng lõa với tội ác.

Tôi cũng biết thêm một thống kê buồn nữa: Hiện tượng trẻ em bị xâm hại gia tăng trong đại dịch Covid-19. Để ngăn chặn tình trạng này khi mà dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng ta phải lồng ghép chương trình phòng, chống Covid-19 với chương trình bảo vệ, chống xâm hại trẻ em. Chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể như Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc phải xem có dấu hiệu gì về xâm phạm trẻ em không vì họ rất sát dân. Người dân phải là tai mắt và có hình thức khen thưởng kịp thời với việc phát hiện ra các hành vi xâm hại trẻ em.

Tôi cũng muốn nói thêm, cha ông ta vẫn có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nhưng roi vọt ở đây chỉ mang tính chất răn đe để giáo dục con trẻ chứ không đề cao yếu tố bạo lực. Một khi dùng roi vọt để làm tổn thương thân thể, tinh thần thậm chí gây tử vong là không những hiểu sai tinh thần của câu tục ngữ trên mà còn vi phạm pháp luật. Chúng ta cần nhìn nhận trẻ em là một thực thể con người cần được bảo vệ chứ không phải đối tượng để dồn nén những tức giận, bức xúc theo kiểu “giận cá chém thớt”. Nhiều bậc cha mẹ đã bị nhầm lẫn giữa giáo dục bằng roi vọt và bạo lực với trẻ em. Ranh giới giữa giáo dục bằng roi vọt và bạo lực rất mong manh nhưng dù thế nào yêu thương vẫn mạnh hơn quát mắng, đòn roi.

“Thiếu giải pháp căn cơ để ngăn chặn xâm hại trẻ em” -0
Trẻ em vùng cao Hà Giang. Ảnh | CHU VIỆT BẮC 

Chúng ta vẫn có câu “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Nhưng nếu nhiều trẻ em không được bảo vệ, bị xâm hại sẽ để lại những di chứng gì, hệ lụy gì với xã hội và tương lai đất nước?

Thực tế là ở một số nước khá lạc hậu ở khu vực châu Phi, châu Á có tỷ lệ xâm hại, bóc lột lao động trẻ em cao thì không phát triển bền vững. Bởi vì đối xử với trẻ em hôm nay tức là đối xử với tương lai của đất nước sau này. Chúng ta phải đối xử với trẻ em như đối xử với tương lai của mình. Bác Hồ đã nói: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Trẻ em bị bạo hành không chỉ để lại di chứng, hệ lụy cho từng gia đình mà cho toàn xã hội. Nếu nhìn thấy vấn đề ở chiều sâu như vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền phải vào cuộc bảo vệ trẻ em từ sớm, từ xa.

Khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, dư luận lên án, chúng ta thường vào cuộc xử lý rốt ráo, nhưng chúng ta lại đang thiếu những giải pháp căn cơ, bền vững để ngăn chặn xâm hại trẻ em. Ngành y tế có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành phòng cháy, chữa cháy có câu: “Phòng cháy hơn chữa cháy”, đối với vấn đề bảo vệ trẻ em cũng thế, phải phòng xâm hại trẻ em bằng mọi biện pháp hơn là khi sự việc đã xảy ra rồi chúng ta mới đuổi theo.

Từng là đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ và nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông có cảm nhận gì về sự tiến bộ của vấn đề bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam?

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Chúng ta có hành lang pháp lý là các quy định của luật pháp, chúng ta đã có cả hệ thống Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em ở tầm quốc gia, đã giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chức năng bảo vệ trẻ em... Nhưng tôi có cảm giác sự phối hợp giữa các cơ quan này còn lỏng lẻo, không tạo nên một chất keo dính để cùng đồng tâm hiệp lực trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cứ động vào cơ quan nào thì cơ quan đó mới “nhúc nhích”. Chẳng hạn như khi có vấn đề xâm hại trẻ em, Bộ Công an có chức năng điều tra xem có phải tội phạm hay không, Mặt trận Tổ quốc lại quan tâm nhiều đến hòa giải khi có mâu thuẫn xảy ra. Thế nhưng các cơ quan đó phối hợp với nhau từ xa để bảo vệ trẻ em, để ngăn chặn thì chưa có, chủ yếu vẫn chạy theo vụ việc, chưa có giải pháp căn cơ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!