Người giành giật sự sống với tử thần

Cửa ra vào Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội) có dòng chữ khiến bệnh nhân từng điều trị ở đây vẫn rưng rưng mỗi khi nhớ về: “Tất cả cho sự sống hồi sinh”. Đó cũng là nơi 18 tháng qua cho đến hiện tại, bác sĩ trẻ Phạm Văn Phúc cùng đồng nghiệp của anh đã kiên cường bám trụ suốt ngày đêm cứu chữa những bệnh nhân Covid-19. Hàng trăm bệnh nhân đã được các y, bác sĩ chữa lành bệnh và trở về với cuộc sống, còn các y, bác sĩ thì vẫn cách ly với bên ngoài, căng mình trong nỗ lực cứu người. Khi dịch bệnh còn đe dọa cộng đồng, họ chưa hẹn trước được ngày về...

Bác sĩ Phạm Văn Phúc. Ảnh | M.T
Bác sĩ Phạm Văn Phúc. Ảnh | M.T

Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đặc thù là nơi điều trị những bệnh nhân dương tính với Covid-19 ở mức độ nặng, cho nên các bác sĩ luôn đặt nguyên tắc tập trung cao độ, không cho phép sai lầm. Bác sĩ Phạm Văn Phúc tự dặn lòng, phải luôn thận trọng, vì “sảy chân là có thể chết người”. Bốn lần dịch bùng phát là cả bốn lần bác sĩ Phúc cùng đồng nghiệp tình nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch.

Có những khoảnh khắc căng thẳng để đưa ra quyết định sống còn. Chỉ sau bốn đợt điều động đi cách ly chống dịch, với môi trường làm việc đầy áp lực, luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu những bệnh nhân mấp mé bờ vực sinh tử, người bác sĩ trẻ thấy mình trưởng thành hơn hẳn cả về nghề cũng như cách nhìn cuộc sống. Từ chỗ mò mẫm tìm hiểu nghiên cứu về virus corona chủng mới, kết hợp với thực tế tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ tuyến đầu chống dịch xác định nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị.

Người giành giật sự sống với tử thần -0


Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có thời điểm phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Đầu tháng 5 vừa rồi, sau khi một bác sĩ của bệnh viện xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, cơ sở 2 của bệnh viện ở Đông Anh bị cách ly toàn bộ. Cường độ công việc của đội ngũ nhân viên y tế trong hoàn cảnh đó càng căng thẳng hơn bao giờ hết. Trong điều kiện cách ly, bệnh viện chỉ tiếp nhận những ca dương tính mới, nhưng số bệnh nhân nặng nhập viện trong thời gian đó tăng kỷ lục so với các đợt dịch trước.

Thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư đúng vào mùa hè, thời tiết nắng nóng trong khi luôn phải khoác trên người bộ đồ bảo hộ kín mít kèm theo găng tay, khẩu trang... càng làm công việc của các nhân viên y tế thêm khó khăn. Bác sĩ trẻ Phạm Văn Phúc và các đồng nghiệp của anh dường như đã sớm thích nghi với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh và áp lực công việc. Họ luôn động viên nhau tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, dẫu vất vả nhưng không để bản thân được phép lơ là. Lúc nào cũng căng thẳng trong cuộc chiến khốc liệt để giành giật lại sự sống với một tâm trí vững vàng, sắc bén, đó là khi người thầy thuốc phải cân não với ca bệnh biến chuyển phức tạp, khó lường: bệnh nhân tưởng như đang khá lên thì đột nhiên hôn mê rồi ngừng thở.

Được phân công túc trực hằng ngày, theo dõi sát diễn biến bệnh tật nhưng có ca bệnh Covid-19 từng khiến anh khủng hoảng khi đối diện với áp lực lằn ranh sống chết. Những ngày này, các bác sĩ ý thức luôn trong tình trạng chạy đua với thời gian, mỗi giây phút đều vô cùng quý giá để giành giật mạng sống con người. Có những đêm tháng 5 các bác sĩ thức trắng căng mình với hơn 50 ca bệnh trở nặng và rất nặng, bệnh nhân có tiền sử nhiều bệnh nền phải can thiệp thủ thuật sâu... Và anh cảm nhận hạnh phúc thăng hoa khi nỗ lực được đáp đền, đó là lúc trái tim bệnh nhân hồi sinh một cách diệu kỳ sau 45 phút ngừng đập...

Mai Chi, vợ bác sĩ Phạm Văn Phúc hiện đang làm trong ngành ngân hàng. Vợ chồng họ tốt nghiệp đại học rồi ở lại Hà Nội lập nghiệp, còn gia đình hai bên đều ở quê, cho nên cuộc sống riêng đều phải tự thu xếp. Họ mới có một cô con gái nhỏ chưa đầy 3 tuổi. Thời gian đầu anh Phúc mới xa nhà, hai mẹ con xoay xở chăm nhau, con gái anh nhớ bố quấy khóc suốt, nhưng dần dần bé cũng nguôi. Bạn bè, người thân biết hoàn cảnh, luôn quan tâm chia sẻ, dặn dò cô động viên chồng yên tâm giữ gìn sức khỏe để chống dịch cứu người.

Mỗi ngày, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhìn những hình ảnh, thước phim phát trên ti-vi, mạng xã hội, nhìn hình ảnh xe cứu thương chở bệnh nhân nhiễm Covid-19 về bệnh viện, nhìn thấy bóng các nhân viên y tế trong bộ đồ “nuôi ong” hối hả đi lại, lần nào chị Chi cũng trào dâng cảm giác thương nhớ chồng. Anh thường chủ động gọi điện về nhà nói chuyện với hai mẹ con.

Chị quá quen với công việc của chồng, tự dưng đang nói dở câu bỗng bỏ máy đột ngột, ấy là có bệnh nhân trở nặng. Gần như thành thói quen nghề nghiệp, trong mọi lúc mọi nơi anh luôn để mắt đến màn hình camera theo dõi bệnh nhân. Bữa ăn vội tranh thủ trong ca trực thường xuyên bị ngắt quãng, bỏ dở vì liếc camera thấy bệnh nhân có dấu hiệu bất thường... Chị Mai Chi kể về “bạn bác sĩ” - từ chị hay dùng khi nói đến chồng mình, thương yêu đấy mà cũng trĩu nặng âu lo...

Tính trong đợt dịch thứ tư này, đã có hơn 550 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tương đương với tầm 15 ca nhập viện mỗi ngày. Hiện tại có 52 bệnh nhân nặng đang cần chế độ chăm sóc đặc biệt của đội ngũ y, bác sĩ. Hầu hết bệnh nhân đều phải trải qua thời gian điều trị khá dài.

Các y, bác sĩ luôn túc trực, hỗ trợ bệnh nhân điều trị bệnh, vừa động viên, khích lệ họ vượt qua những bất an, hoảng loạn, hội chứng nhiều người mắc phải sau khi trải qua bạo bệnh. Với mong muốn duy nhất giúp bệnh nhân chiến thắng dịch bệnh, sớm trở về với cuộc sống bình thường, bác sĩ Phúc luôn tận tình hết lòng với bệnh nhân.

Nụ cười hiền, lấp ló sau cặp kính cận là đôi mắt có ánh nhìn ấm áp, bác sĩ Phúc luôn tạo được sự tin cậy, an tâm cho người bệnh, điều thật đáng quý ở một bác sĩ trẻ. Bệnh nhân P.T.Th, sau thời gian dài điều trị, vượt qua nhiều thời điểm nguy kịch, khi chia tay viện đã nghẹn ngào cảm động, bởi trong những phút giây đau đớn, hoảng loạn giữa sống và chết, bác sĩ Phúc luôn ở bên, động viên: “Bà đừng nghĩ ngợi nhé. Chúng cháu sẽ giúp bà chữa khỏi bệnh...”.

Đối với nghề nghiệp, bác sĩ Phạm Văn Phúc luôn cho rằng, người bác sĩ bên cạnh việc chú trọng chuyên môn còn phải học cách ứng xử với bệnh nhân, hiểu được hoàn cảnh, tâm lý của bệnh nhân mới có thể hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân tốt nhất. Bên cạnh những cống hiến cho cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cứu chữa nhiều bệnh nhân, bác sĩ Phạm Văn Phúc cũng là thành viên, thư ký tổ hội chẩn chuyên môn quốc gia, anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các cuộc hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên toàn quốc.

 Xác định để cứu người phải luôn trau dồi học hỏi, bác sĩ Phạm Văn Phúc đã tham gia các nghiên cứu khoa học về bệnh do virus SARS-CoV-2 của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam. Được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020, vui, hạnh phúc đấy, nhưng Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc vẫn khiêm nhường bày tỏ, chống dịch là công việc tập thể, một cá nhân không thể làm nên thành công, do đó, nếu có một danh hiệu chung cho cả tập thể thì sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Coi như tôi nhận giùm cho đồng nghiệp...