Bình luận

Cuộc đọ sức nông sản giữa các quốc gia trên thế giới

NDO - Trong một cuộc họp báo ở Lublin hôm 28/9, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro thông báo rằng vào tháng 11/2022, quả tên lửa rơi xuống một cơ sở sấy ngũ cốc ở làng Przewodow, cách biên giới Ukraine khoảng 6 km và giết chết 2 công nhân, “là tên lửa của Ukraine”. Ông Z.Ziobro nói thêm rằng lấy làm tiếc vì “trong nhiều tháng, Ukraine không có sự hợp tác liên quan tới công tác điều tra”.
0:00 / 0:00
0:00
EU trở thành tuyến đường vận chuyển chính của ngũ cốc Ukraine kể từ khi Nga chấm dứt “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen”. Ảnh | Anatoli Stepanov/ AFP
EU trở thành tuyến đường vận chuyển chính của ngũ cốc Ukraine kể từ khi Nga chấm dứt “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen”. Ảnh | Anatoli Stepanov/ AFP

Khủng hoảng bùng nổ

Cần nhớ rằng khi vụ việc đó xảy ra, phía Ukraine đã nhanh chóng đổ lỗi cho Moscow, coi đây là “một vụ tấn công nhằm vào an ninh tập thể của NATO” (Ba Lan là thành viên của NATO). Cáo buộc này của Kiev làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga với NATO trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine đã diễn ra trong nhiều tháng trời.

Vấn đề nằm ở chỗ phía Ba Lan công bố kết quả cuộc điều tra tên lửa lại đúng vào thời điểm dường như nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Kiev với Warsaw, xoay quanh chuyện xuất khẩu nông sản của Ukraine, vấn đề đã nổi cộm trong suốt mùa hè vừa qua.

Ngày 15/9, khi quy định cho phép 5 nước Đông Âu hạn chế nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương từ Ukraine do EU ban bố hồi tháng 5 hết hạn, Ba Lan cùng Hungary và Slovakia quyết định tiếp tục gia hạn quy định này. Quyết định của Warsaw khiến Kiev nổi giận và ngày 18/9 đệ đơn khiếu nại Ba Lan, Hungary, Slovakia lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc các nước này gia hạn lệnh hạn chế nhập khẩu nông sản của Ukraine. Kiev cũng cho biết sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu trả đũa đối với một số hàng hóa từ Ba Lan và Hungary nếu hai nước này không dỡ bỏ lệnh cấm…

Căng thẳng gia tăng khi trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm 19/9, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nói: “Thật đáng báo động khi một số nước châu Âu thể hiện tinh thần đoàn kết bằng những câu chuyện ly kỳ về ngũ cốc trong một sân khấu chính trị”.

Sau phát biểu này, Bộ Ngoại giao Ba Lan triệu đại sứ Ukraine đến, bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ của phía Ba Lan đối với những tuyên bố của Tổng thống Zelensky”. Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng cho rằng việc gây áp lực lên Ba Lan trên các diễn đàn đa phương hoặc gửi khiếu nại lên các tòa án quốc tế không phải là phương pháp thích hợp để giải quyết tranh chấp giữa hai nước.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawieck đẩy căng thẳng giữa hai nước lên một nấc thang mới khi tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình rằng Warsaw sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine bởi Ba Lan “đang tích cực tự trang bị vũ khí cho chính mình”.

Mặc dù tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan sau đó đã được Tổng thống nước này là Andrzej Duda giảm nhẹ đi bằng cách nói rằng nó đã bị diễn giải sai, rằng ý của Thủ tướng M.Morawieck chỉ là “Warsaw không chuyển giao cho Kiev những loại vũ khí hiện đại mà Ba Lan đang mua để hiện đại hóa quân đội nước này”, thế nhưng khó có thể phủ nhận một thực tế là Ukraine và Ba Lan đã lâm vào một cuộc đọ sức căng thẳng mà căn nguyên là vấn đề xuất khẩu nông sản của Kiev.

Ðọ sức qua “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Ðen”

Cuộc đọ sức giữa Ukraine và Ba Lan xung quanh vấn đề xuất khẩu nông sản thật ra không phải mới xảy ra mà thực tế nó có căn nguyên sâu xa hơn nhiều, qua một cuộc đọ sức khác có tên là “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen”.

Sau khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” - cách gọi của Moscow về cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine từ tháng 2/2022 - giá lương thực trên thế giới tăng mạnh, đẩy cuộc khủng khoảng lương thực trên toàn cầu lên một nấc thang mới. Đấy là điều đương nhiên bởi cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu nông sản hảng đầu thế giới. Cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine đã khiến cho tuyến đường chính xuất khẩu ngũ cốc của nước này qua Biển Đen bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lẽ Kiev không thể xuất khẩu theo đường biển được nữa.

Tình thế khủng hoảng lương thực trên quy mô thế giới buộc LHQ phải đưa ra những cảnh báo khẩn cấp và thúc giục tìm các biện pháp ngoại giao tháo gỡ nhằm đưa sản xuất ngũ cốc của Nga, Ukraine trở lại thị trường thế giới. Sau những cuộc đàm phán kéo dài qua sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 7/2022, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận kéo dài 120 ngày cho phép Ukraine xuất khẩu nông sản qua ba cảng ở Biển Đen. Nếu không có sự phản đối của tất cả các bên thì mỗi khi hết hạn, thỏa thuận này sẽ tự động được gia hạn thêm 120 ngày. Ngoài thỏa thuận chính, Nga còn ký với LHQ một Bản ghi nhớ về việc đưa ngũ cốc và phân bón của Nga trở lại thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Nga nhận thấy thỏa thuận này chỉ có lợi cho Ukraine trong khi nhu cầu xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của Nga không được đáp ứng. Việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán tài chính liên ngân hàng toàn cầu SWIFT cũng hạn chế gần như toàn bộ các dịch vụ thanh toán, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, vận tải liên quan đến xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Mặt khác, theo phía Nga, “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen” chỉ giúp các nước phương Tây được hưởng lợi trong khi các nước nghèo cần lương thực lại nhận được phần quá ít ỏi. Con số thống kê do phía Nga đưa ra cho thấy trong số ngũ cốc của Ukraine đã được xuất khẩu thông qua “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen” chỉ có 3% (551.500 tấn) được chuyển tới các nước nghèo nhất trong khi có tới 47% (8,6 triệu tấn) được chuyển sang Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Cuối cùng, Nga cáo buộc Ukraine đã nhiều lần sử dụng tuyến đường an toàn được tạo ra theo “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen” để tấn công các mục tiêu của Nga.

Bởi thế Nga không mặn mà với việc gia hạn “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen”. Thỏa thuận này đã ba lần được gia hạn, một lần vào tháng 11/2022 (120 ngày), còn lại hai lần vào tháng 3 và tháng 5/2023 (mỗi lần chỉ 60 ngày). Đến ngày 17/7/2023, thỏa thuận hết hiệu lực và kể từ đó, Nga coi các tàu đi và đến các cảng của Ukraine đều được coi là vận chuyển trang thiết bị quân sự.

Tắc về đường biển, Ukraine buộc phải tìm đường xuất khẩu qua đường bộ, qua các nước Đông Âu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ do những khó khăn về cơ sở hậu cần, phần lớn nông sản của Ukraine khi được vận chuyển qua địa bàn các nước Đông Âu lại được bán ngay ở thị trường các nước này, kéo giá ngũ cốc trên thị trường giảm xuống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nông dân các nước “tốt bụng” đã cho nông sản Ukraine quá cảnh.

Đó chính là nguyên do dẫn đến việc EU ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang 5 nước Đông Âu là Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania. Đến khi lệnh này hết hạn vào đầu tháng 9 và ba nước Ba Lan, Hungary, Slovakia vẫn quyết định đơn phương gia hạn, lập tức nổ ra cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Ba Lan với Ukraine.

“Bão trong tách trà”?

Liệu vết nứt quan hệ giữa Ukraine và Ba Lan xung quanh vấn đề xuất khẩu nông sản có dẫn đến phá vỡ bức tường thành liên minh nhằm giúp Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga hay không?

Sở dĩ phía Warsaw làm căng với Kiev chung quanh vấn đề xuất khẩu nông sản qua Ba Lan có nguyên nhân từ những vấn đề nội bộ của nước này, khi trung tuần tháng 10, Ba Lan có cuộc bầu cử Quốc hội. Đảng cầm quyền PiS của Thủ tướng Mateusz Morawieck chịu sức ép mạnh mẽ từ các đảng đối lập chung quanh vấn đề nông sản Ukraine ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân Ba Lan. Việc lên tiếng công khai chỉ trích Ukraine giúp xoa dịu một phần làn sóng phản đối của những người làm nông nghiệp ở Ba Lan.

Tuy nhiên, sẽ là cường điệu nếu nói rằng xung đột Ba Lan-Ukraine sẽ dẫn tới đổ vỡ hoàn toàn quan hệ giữa hai nước mà trước hết là việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Ba Lan là một trong những đồng minh nhiệt tình nhất viện trợ vũ khí, tài chính và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Ba Lan đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động viên trợ vũ khí cho Kiev, xếp thứ sáu trong số các nước cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, sau Mỹ, Đức, Anh, Na Uy, Đan Mạch.

Trong khi Ba Lan cần Ukraine như là một trong những “vùng đệm” để giảm bớt áp lực từ phía Nga thì ngược lại, Ukraine cũng không thể nào phớt lờ vai trò cực kỳ quan trọng của Ba Lan như là một trong những đối tác hàng đầu, là đầu cầu dẫn hướng cho dòng viện trợ quân sự của phương Tây. Sự leo thang căng thẳng giữa hai bên không những không có lợi cho lợi ích an ninh của mỗi nước mà còn có khả năng làm rạn nứt “liên minh viện trợ” bấy lâu nay Mỹ và các nước phương Tây đã hình thành nên nhằm thông qua cuộc xung đột ở Ukraine, làm suy yếu Nga.

Do vậy mà cả hai bên nhiều khả năng sẽ có những nhượng bộ nhằm xoa dịu tình hình, kiểm soát cuộc khủng hoảng không để dẫn tới tình trạng đổ vỡ quan hệ. Mỹ, quốc gia chủ chốt trong NATO và có ảnh hưởng cực lớn đến chính sách của các đồng minh châu Âu (trong đó có Ba Lan) cũng như Ukraine (đương nhiên), cũng sẽ không cho phép cuộc khủng hoảng quan hệ giữa hai nước vượt khỏi tầm kiểm soát. Như vậy, cuộc đọ sức Ba Lan-Ukraine chung quanh vấn đề xuất khẩu nông sản sẽ chỉ là “cơn bão trong tách trà” - như ngạn ngữ phương Tây, mà thôi.