Di tích Đền Mẫu Quán Trại Sở

Yên bình bên dòng sông Bùi, xã Thượng Lâm Trang (nay thuộc thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), Đền Mẫu Quán Trại Sở là nơi thờ Vĩnh Hoa Công chúa-một trong các nữ danh tướng thời Hai Bà Trưng, có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn cương thổ đất nước.

Toàn cảnh khu di tích Đền Mẫu Quán Trại Sở.
Toàn cảnh khu di tích Đền Mẫu Quán Trại Sở.

Lần theo các thư tịch cổ hiện được lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ở Tài liệu FQ0418-Thần tích/Thần sắc xã Thượng Lâm Trang, tổng Viên Nội, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (trước đây), chép: Thượng Lâm Trang thờ 5 vị tôn thần: Sơn Tinh Đại Vương-thần núi; Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương đều là tướng thời Hùng Duệ Vương; Uy Đức Công-Tướng thời Lý Anh Tông; Vĩnh Hoa Công chúa-Tướng thời Hai Bà Trưng. Bốn vị thần tướng được thờ làm Thành Hoàng Làng tại đình làng, riêng Vĩnh Hoa Công chúa được thờ tại Đền Mẫu Quán Trại Sở. Cũng theo mô tả trong các sử liệu, Quán (Đền) được xây dựng từ thời Lý Anh Tông (1138-1175), đặt trên một gò cao, cây cối um tùm, thế đất "long bàn hổ cứ", dòng sông Bùi lượn qua trước mặt và bên trái đền (xưa kia còn có bến đò Trại Sở).

Trải qua bao biến thiên của tự nhiên và thời cuộc, dòng sông Bùi cũng đã bị bồi lấp nhiều, song những dấu xưa tích cũ vẫn còn như hiển hiện nơi đây. Tra cứu Thần tích của trang Tiên Nha, làng Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, kể: Tại trang Mao Điền, Hồng Châu (nay thuộc Hải Dương) có nhà họ Phùng sinh được cô con gái đặt tên là Vĩnh Hoa, từ nhỏ nàng đã ham mê võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung. Năm 18 tuổi, cha mẹ nàng qua đời. Mãn tang song thân, nàng chu du đến trang Tiên Nha (huyện Yên Lạc) mở trường dạy võ, đinh tráng khắp nơi theo về. Đất nước phải hồi giặc giã, Vĩnh Hoa đem quân tụ nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng và được thụ phong Nội thị tướng quân, cùng đánh đuổi giặc Tô Định, khôi phục 65 thành trì của Giao Chỉ. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nữ tướng Vĩnh Hoa đưa quân về cố thủ tại trang Tiên Nha rồi tử trận một cách anh hùng trên dòng Nguyệt Đức trong trận huyết chiến với quân Mã Viện. Ghi nhớ công đức, các triều đại sau đã sắc phong Vĩnh Hoa Công chúa với nhiều ngôi vị, mỹ tự…

Khảo sát thực địa, nhà nghiên cứu Hoàng Giáp, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Tại Quán Trại Sở hiện vẫn còn tượng pháp, câu đối, hoành phi cùng sắc phong vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) và năm Khải Định thứ 9 (1924), cho thấy ngôi đền rất có giá trị lịch sử. Trải qua binh lửa và thời gian, Đền Mẫu Quán Trại Sở vẫn được người dân địa phương, nhất là dòng họ Trần (Đồng Tâm) gìn giữ, phụng thờ. Được sự đồng ý của chính quyền sở tại, những đóng góp thiết thực của họ Trần và người dân địa phương, mới đây, di tích Đền Mẫu Quán Trại Sở đã được trùng tu tôn tạo khang trang, bảo đảm tính nguyên vẹn và thẩm mỹ.

Di tích Đền Mẫu Quán Trại Sở -0
Chính điện Đền Mẫu Quán Trại Sở.

Ông Trần Ngọc Vĩ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nội thất Trần Bảo), một người con trong dòng họ Trần đã phát tâm xây dựng trùng tu di tích này chia sẻ: "Thấu hiểu ý nghĩa và những giá trị to lớn của việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc; trước nguy cơ di tích Đền Mẫu Quán Trại Sở ngày một xuống cấp, từ truyền thống dòng họ đã nhiều đời trông nom, nhang khói ở đây, tôi thấy được đóng góp công sức cho việc tôn tạo di tích là một vinh dự lớn lao. Với những gì được gìn giữ, trao truyền, mong sao các thế hệ sau hiểu hơn giá trị của di tích. Đó cũng là nơi chốn để giáo dưỡng tính nhân văn, lòng trung hậu, tôn bồi truyền thống uống nước nhớ nguồn, tự lực tự cường, cho hôm nay và mãi muôn đời sau".