Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN Phạm Trần Long:

Để sách Việt bước ra thế giới, cần nhiều điều kiện

Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu xuất bản phẩm Việt Nam, bảo vệ bản quyền trên không gian số hay tháo gỡ những rào cản cho sự phát triển của sách điện tử là những vấn đề đang được người làm xuất bản trong nước quan tâm. Ông Phạm Trần Long (ảnh nhỏ), Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thế Giới, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 đã có cuộc trao đổi sâu với chúng tôi chung quanh những nội dung này.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN Phạm Trần Long
Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN Phạm Trần Long

Lượng sách Việt ra thế giới còn thấp

- Thưa ông, hiện nay, sản phẩm sách trong nước đang được bán bản quyền, quảng bá ra thế giới theo những cách thức nào?

- Sách tiếng Việt xuất bản ở trong nước đang được bán bản quyền ra thế giới bằng mấy cách thức như sau: Đối tác nước ngoài tìm đến nhà xuất bản, tác giả để giao dịch bản quyền. Các tác giả cũng bằng mối quen biết của mình mà tự giới thiệu sách ra nước ngoài. Hội chợ sách quốc tế vốn là kênh giới thiệu, giao dịch bản quyền quan trọng. Bên cạnh đó, thông qua các sự kiện văn hóa có tính chất giao lưu quốc tế, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài giúp quảng bá sản phẩm sách một cách hữu hiệu.

Thực tế cho thấy, những cuốn sách xuất bản ở trong nước, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến tranh Việt Nam, bức tranh tổng thể về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội, luật pháp, văn hóa, giáo dục, đặc biệt sách về văn hóa và văn học nghệ thuật, sách cho bạn đọc trẻ tuổi… là những đầu sách mà bạn đọc ở nước ngoài có nhu cầu tham khảo cao.

Từ trước đến nay, dòng sách thiếu nhi và sách văn học cũng được Việt Nam chú trọng quảng bá ra nước ngoài khá nhiều.

- Nhưng xét riêng về giao dịch bản quyền, chúng ta đang nhập siêu sách, mua bản quyền ở nước ngoài để dịch và xuất bản trong nước hơn là chiều ngược lại. Theo ông, cần làm gì để có thể đưa nhiều sách Việt ra thị trường thế giới?

- Là một nước đang phát triển, việc học tập, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước phát triển và các nước đang phát triển như chúng ta là một lẽ tất yếu. Chúng ta tiếp thu tri thức của nhân loại để làm giàu thêm kho tàng tri thức của mình. Vì vậy, việc mua bản quyền sách nhiều hơn cũng là xu thế tự nhiên.

Tuy nhiên, đúng như chị vừa nói, lượng sách xuất bản ở trong nước, cả bằng tiếng Việt và các thứ tiếng khác, được đưa ra thị trường thế giới vẫn còn tương đối ít nếu so nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc và mong muốn của những người làm công tác thông tin đối ngoại. Nhưng để đưa sách tiếng Việt ra thị trường thế giới, chúng ta cần nhiều điều kiện kèm theo. Trong đó, điều kiện tiên quyết là cần đầu tư tài chính thích đáng cho nỗ lực bán bản quyền sách trong nước ra thị trường thế giới để việc tuyển chọn đầu sách biên tập, dịch, in ấn và phát hành được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống. Trước đây, có một số nơi nêu ý tưởng lên danh sách một trăm đầu sách hay của Việt Nam để chuyển dịch ra tiếng nước ngoài nhưng không triển khai được vì thiếu tài chính và nhân lực. Với quy mô chương trình nhà nước đặt hàng sách thông tin đối ngoại hằng năm cho Nhà xuất bản Thế Giới như hiện nay, mỗi năm, chúng tôi chỉ có thể làm được 4-5 đầu sách. Còn một số nhà xuất bản khác có thể chỉ thực hiện được 1-2 đầu sách.

Điều kiện tiếp theo là phải có những tác phẩm đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bạn đọc của thị trường quốc tế. Muốn như vậy cần phải khảo sát một cách tỉ mỉ về nhu cầu đọc của các thị trường khác nhau.

- Thưa ông, việc Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản ASEAN (ABPA) là cơ hội để tăng cường hợp tác bản quyền, giới thiệu sách ra khu vực và thế giới. Chúng ta đã và đang tận dụng cơ hội này như thế nào?

- Năm nay hội nghị thường niên của ABPA được tổ chức ở Việt Nam. Điều này khích lệ những người làm xuất bản ở Việt Nam, gắn kết xuất bản Việt Nam với các nền xuất bản trong khu vực. Đây cũng chính là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác, giao dịch về bản quyền và giới thiệu tri thức Việt ra thế giới, ít nhất là các nước trong khu vực.

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ABPA, Việt Nam đưa ra những sáng kiến, giải pháp và được đại diện giới xuất bản trong khu vực ủng hộ. Trong đó có ba sáng kiến nổi bật: "One ASEAN"- thúc đẩy tăng cường quan hệ giao lưu hợp tác giữa các nhà xuất bản trong khu vực, đưa khu vực thành một trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới; thành lập Trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bản quyền; Giải thưởng sách ASEAN.

Để sách Việt bước ra thế giới, cần nhiều điều kiện ảnh 1

Sách Việt Nam được giới thiệu tại Lễ hội sách Thiếu nhi châu Á, Singapore, tháng 5/2023.

Ảnh: AFCC

Bảo vệ bản quyền sách số là vấn đề nóng

- Một hoạt động bên lề quan trọng của Hội nghị thường niên Hội Xuất bản ASEAN là hội thảo "Bảo vệ bản quyền số trên không gian mạng". Tại sao chúng ta chọn chủ đề này, thưa ông?

- Hội thảo đề cập một trong những vấn đề nóng bỏng không những ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á mà theo chúng tôi còn trên phạm vi toàn thế giới.

Trong quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế sôi nổi như hiện nay, không một nước nào có thể đứng ngoài xu thế số hóa các hoạt động xã hội. Ngành xuất bản đang khai thác tối đa những ưu thế của công nghệ thông tin. Trong thời kỳ "hoàng kim" của xuất bản sách giấy, bản quyền tác phẩm đã là một tệ nạn thể hiện ở các cấp độ khác nhau, diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới, không riêng gì khu vực các nước đang hoặc chưa phát triển. Thực tế, trong không gian mạng, việc bảo vệ bản quyền càng khó khăn hơn nhiều khi chủ thể hoạt động và các hoạt động đều diễn ra ở môi trường ảo. Vì vậy các biện pháp bảo vệ bản quyền số trên không gian mạng đòi hỏi phải có những giải pháp công nghệ thật sự hữu hiệu và cơ sở hạ tầng đủ mạnh để thực hiện các chế tài kiểm soát và xử lý những hành động vi phạm.

- Nhưng có một thực tế khác là sản phẩm sách điện tử ở khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng dường như chưa thật sự phát triển. Điều gì cản trở sự phát triển của dòng sách này, theo quan sát của ông?

- Để dòng sách này đa dạng, phong phú hơn, bản thân các đơn vị làm xuất bản phải có nhiều sản phẩm hơn, đi kèm điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, kỹ thuật để chuyển đổi nội dung sách in sang sách điện tử hoặc sản xuất riêng nội dung cho dòng sách này.

Đồng thời, người đọc cũng thay đổi thói quen đọc sách từ bản in giấy sang bản số hóa trên thiết bị điện tử. Việc này không đơn giản ngày một, ngày hai là thành bởi thói quen đọc sách giấy đã có từ hàng trăm năm qua.

Đông đảo người dân cũng phải có điều kiện tiếp cận được với các thiết bị đọc sách chuyên dụng. Các thiết bị đó phải thân thiện với người sử dụng. Hiện tại, phần lớn người đọc sách điện tử vẫn quen đọc ngay trên điện thoại thông minh, vô cùng gây hại cho thị lực và trí não.

Thêm vào đó, phải đẩy mạnh văn hóa đọc nói chung vì như ở Việt Nam, chúng ta thấy là khi truy cập mạng, công chúng sẽ có xu hướng chọn đọc tin tức thời sự, hoặc các loại hình giải trí nhiều hơn là chọn sách để đọc.

- Trân trọng cảm ơn ông!