Du lịch Trung Ðông

Dấu chấm hết một năm đầy hứa hẹn

NDO - Cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas, nổ ra vào đầu tháng 10, đã dừng các hoạt động du lịch quốc tế đến Israel và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước láng giềng, tạo ra hiệu ứng lan rộng khắp toàn bộ Trung Ðông. Việc sụt giảm lượng du khách quốc tế đang trở thành mối đe dọa đáng kể đối với nền kinh tế của Ai Cập, Jordan và các quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Lạc đà đợi khách tại Quần thể kim tự tháp Giza, Ai Cập. Ảnh | AFP
Lạc đà đợi khách tại Quần thể kim tự tháp Giza, Ai Cập. Ảnh | AFP

Làn sóng hoãn, hủy chuyến

Ông Olivier Ponti, Phó Chủ tịch ForwardKeys - một công ty phân tích dữ liệu theo dõi việc đặt chỗ du lịch hàng không toàn cầu cho biết, chỉ ba tuần sau ngày 7/10, lượng đặt vé máy bay đến Trung Đông đã giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng như vậy, vé nội địa đến Israel đã giảm xuống dưới âm 100%, vì số lượt hủy đã vượt quá số lượng vé mới phát hành. Xung đột Israel-Hamas cũng đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng khi đi du lịch ở những nơi khác. Cũng theo phân tích của ForwardKeys, số lượt đặt chuyến bay đến tất cả các khu vực trên thế giới đã sụt giảm 5% trong những tuần ngay sau chiến tranh so với năm 2019, theo báo New York Times.

Chiến tranh xảy ra vào thời điểm du lịch Trung Đông đang tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, số lượng du khách đến Trung Đông cao hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019 khiến nơi đây trở thành khu vực duy nhất trên thế giới vượt qua mức trước đại dịch.

Chỉ một tuần trước chiến tranh, Ahmed Issa, quan chức du lịch hàng đầu của Ai Cập từng nói với hãng tin AP rằng “nhu cầu du lịch đến Ai Cập chưa từng có”, với khoảng 10 triệu du khách trong nửa đầu năm nay. Với hy vọng đạt kỷ lục 15 triệu du khách vào năm 2023, chính phủ đã tìm cách tăng số lượng phòng khách sạn và số ghế trên máy bay, nhằm khuyến khích tăng cường đầu tư vào du lịch.

Giờ đây, Chính phủ Mỹ và Canada không khuyến khích du lịch đến Israel, Ai Cập và Lebanon. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến nghị công dân rời khỏi Lebanon ngay khi vẫn còn các chuyến bay. Đối với Jordan, cả Mỹ và Canada đều khuyên du khách nên thận trọng.

 Dấu chấm hết một năm đầy hứa hẹn ảnh 1
Một quán cà-phê vắng khách tại thành phố duyên hải Byblos ở Lebanon, tháng 11/2023. Ảnh: AFP/Getty Image

Theo dữ liệu từ Cirium - một công ty phân tích hàng không, dịch vụ hàng không đến Israel đã giảm hơn một nửa, với hơn 2.000 chuyến bay được lên lịch trong tháng 11 so với khoảng 5.000 chuyến bay trong cùng kỳ năm ngoái. Các hãng hàng không lớn của Mỹ, vốn đã đình chỉ các chuyến bay đến Tel Aviv ngay sau khi giao tranh bắt đầu, vẫn chưa có ý định nối lại.

Nhiều hãng du lịch và công ty lữ hành cũng đã hủy các chuyến đi hoặc điều chỉnh hành trình bao gồm Israel trong thời gian còn lại của năm. Intrepid Travel - một công ty du lịch toàn cầu cung cấp hơn 1.150 chuyến đi trên mọi châu lục đã hoãn 47 chuyến khởi hành đến Israel trong năm nay. Một phát ngôn viên của công ty cho biết: “Maroc, Jordan và Ai Cập nằm trong năm điểm đến hàng đầu của chúng tôi trên toàn cầu” và cho biết thêm, rằng số chuyến đến các quốc gia này bị hủy tăng vọt kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Khoảng một nửa số khách hàng của Intrepid đặt các chuyến đi đến Ai Cập và Jordan dự kiến diễn ra trước cuối năm nay đã hủy bỏ hoặc lên lịch lại.

Các hãng hàng không cũng đã đình chỉ các chuyến bay đến các nước láng giềng. Hãng hàng không Lufthansa của Đức đã tạm dừng dịch vụ bay đến cả Israel và Lebanon. Wizz Air và Ryanair, các hãng hàng không giá rẻ có trụ sở tại châu Âu, đã tạm thời ngừng bay đến Jordan.

Nền tảng đặt phòng khởi nghiệp @Hotel có trụ sở tại Washington cho biết, họ đã chứng kiến lượng đặt phòng mới tại các quốc gia trong khu vực giảm 70%. Giám đốc điều hành Konrad Waliszewski cho biết, hơn 40% chuyến đi đến Ai Cập trong tháng 11 và tháng 12 đã bị hủy trên nền tảng này. Ông cho biết tỷ lệ hủy chuyến ở Thổ Nhĩ Kỳ và Síp đã tăng gấp đôi trong tháng 11 và tháng 12.

Lo ngại hệ lụy nặng nề

Vào năm 2022, du lịch chỉ chiếm khoảng 3% tổng thu nhập từ nước ngoài vào Israel, khá thấp so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, theo Bộ Du lịch Israel, du lịch quốc tế đã mang lại khoảng 5 tỷ USD và gián tiếp tạo việc làm cho khoảng 200 nghìn người.

Cuối mùa thu và mùa đông thường là cao điểm của các chuyến du lịch Trung Đông, nhưng một số hãng du lịch lớn đã hủy tất cả các chuyến ghé cảng ở Israel trong năm tới và rút tàu của họ ra khỏi khu vực. Đầu tháng 11, Na Uy đã trở thành hãng tàu lớn đầu tiên hủy tất cả các chuyến đi đến và đi từ Israel vào năm 2024. Royal Caribbean cũng đã loại Israel khỏi tất cả các hành trình năm 2024 của mình và chuyển hướng hai tàu của họ từ Trung Đông đến Caribe, với các chuyến khởi hành theo kế hoạch từ Hoa Kỳ. MSC Cruises đã hủy các chuyến ghé cảng Israel cho đến tháng 4 và cũng sẽ bỏ qua các điểm đến Aqaba, Jordan và Ai Cập trong một số hành trình của mình.

Bà Rebecca Tarlton, 69 tuổi và chồng ở Hilton Head, S.C. (Mỹ) cho biết đã đăng ký chuyến du ngoạn 12 ngày dọc sông Nile với Uniworld, dự kiến khởi hành vào ngày 30/12 từ Cairo. Tuy nhiên giờ đây, các email gửi đến công ty du lịch và hãng tàu du lịch yêu cầu hủy chuyến và đặt lại chuyến đi khác đều không có kết quả. Chuyến đi trị giá tổng cộng khoảng 15.000 USD đã được thanh toán đầy đủ có nguy cơ bị mất trắng. Todd Elliott, Giám đốc điều hành của Orlando, một công ty du lịch Cruise Vacation Outlet có trụ sở tại Florida, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến khách hàng hủy các chuyến du ngoạn trên sông Nile của Ai Cập cho đến tận tháng 12/2024 do lo ngại về chiến tranh”.

 Dấu chấm hết một năm đầy hứa hẹn ảnh 2
Lĩnh vực du lịch tạo công ăn việc làm cho 2,2 triệu người Ai Cập năm 2021. Ảnh: DW

Lebanon, Ai Cập và Jordan, về mặt địa lý, nằm trong số các quốc gia gần xung đột nhất, cũng phụ thuộc nhiều vào du lịch. Theo một báo cáo gần đây của S&P Global Ratings- một nhà cung cấp xếp hạng tín dụng quốc tế, lĩnh vực này đóng góp từ 12 đến 26% tổng thu nhập từ nước ngoài cho ba quốc gia này.

Theo báo cáo công bố ngày 6/11, “những quốc gia láng giềng trực tiếp của Israel và Gaza dễ bị tổn thương hơn trước sự suy giảm du lịch, do lo ngại về rủi ro an ninh và bất ổn xã hội. Khủng hoảng ở Gaza hay sự leo thang nghiêm trọng ở Bờ Tây có thể dẫn đến một làn sóng tị nạn mới, gây gánh nặng cho các nền kinh tế trong khu vực”.

Các nhà điều hành tour du lịch địa phương lo ngại một cuộc chiến kéo dài sẽ gây ra hậu quả cho một ngành công nghiệp đầy hứa hẹn và đang phát triển. Ông Khaled Ibrahim- nhà tư vấn của Amisol Travel Egypt có trụ sở tại Cairo, cho biết: “Chúng tôi đã thấy trước Trung Đông sẽ phát triển thành châu Âu mới với sự xích lại gần nhau giữa Iran-Saudi Arabia và sự hội nhập của Saudi Arabia vào hệ thống du lịch”. Tuy nhiên, Amisol Travel ở Ai Cập chỉ nhận được 40 đến 50% lượng đặt phòng thông thường từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2024. Trong lúc đó, ông Farouk Soussa- nhà kinh tế khu vực của Goldman Sachs, cho biết: “Chúng tôi đã thấy báo cáo về việc hủy đặt phòng ở các nước láng giềng như Ai Cập. Chúng tôi nghĩ rằng nó có thể khiến Ai Cập mất hàng tỷ USD doanh thu du lịch chỉ trong năm tài chính này”.

Khi Ai Cập ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kinh tế và đồng bảng Ai Cập tiếp tục mất giá, sự sụt giảm trong lĩnh vực du lịch là điều cuối cùng mà dân địa phương mong muốn. Du lịch chiếm từ 10% đến 15% tổng sản phẩm quốc nội của Ai Cập hằng năm và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 2 triệu người. Ông Hassan, quản lý thực phẩm và đồ uống tại một khách sạn ở thị trấn nghỉ mát nổi tiếng ở Sharm el-Sheikh nói với DW: một số khu nghỉ dưỡng ở Sharm el-Sheikh phụ thuộc vào du khách từ Israel, những người sẽ không đến vì những gì đang xảy ra ở quê nhà. Các khách sạn khác, chủ yếu phục vụ khách du lịch châu Âu cũng gặp khó khăn vì những du khách này lo lắng về sự an toàn của họ ở Trung Đông. “Du lịch là nguồn thu nhập quan trọng cho những lao động trong ngành này cũng như những người kết nối với nó, chẳng hạn như lái xe taxi, người làm ở siêu thị, trung tâm lặn và công viên giải trí”, ông nói.

Tổng Giám đốc Lebanon Tours and Travels ở Beirus, ông Hussein Abdallah tin rằng “Lebanon an toàn 100%” nhưng cho biết, chưa có một lượt đặt chỗ nào kể từ khi xung đột bắt đầu. Theo ông, hiện nay các địa điểm du lịch nổi tiếng như Hang động Jeita và Đền Baalbek- Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, thường đón hàng nghìn du khách mỗi ngày, giờ vắng tanh, vắng ngắt. Nền kinh tế đang gặp khủng hoảng của Lebanon phụ thuộc quá nhiều vào du lịch, doanh thu từ ngành này chiếm tới 40% thu nhập quốc dân.

 Dấu chấm hết một năm đầy hứa hẹn ảnh 3

Sau khi xung đột nổ ra, các chuyến bay tới Jordan đã giảm một nửa. Ảnh | Reuters

Cô Kristin Davis, 42 tuổi và chồng ở Fredericksburg, Virginia (Mỹ) từ lâu đã muốn đi du lịch đến Trung Đông. Họ dự định tới Ai Cập và Jordan vào tháng 3, công ty du lịch đã gửi các video khuyến khích du lịch đến các quốc gia này với thông điệp rằng nó an toàn. Nhưng cô thấy lo ngại về việc trở thành mục tiêu tấn công vì là người Mỹ. “Đó có lẽ là địa điểm hàng đầu mà vợ chồng tôi từng muốn đến. Chúng tôi đã chờ đợi rất lâu nhưng giờ phải hoãn lại không biết đến bao giờ”, cô cho biết.