Cơm lam xứ Lạng, trong nỗi nhớ ngày đông rét

Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình…, miền sơn địa nào mà chẳng có cơm lam? Thế nhưng, khi đứng giữa tiết trời se lạnh mà được đưa lên miếng cơm lam độc lạ của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn, và cảm nhận sự tinh túy qua những dẻo thơm bùi béo ngậy tan trong miệng, đó là một trải nghiệm cực kỳ đáng giá.
0:00 / 0:00
0:00
Chưa thử cơm lam người Tày, chưa thật tỏ tường xứ Lạng.
Chưa thử cơm lam người Tày, chưa thật tỏ tường xứ Lạng.

Mỗi lần đi qua làng Vòng, mùi hương cốm cứ bất giác khiến nỗi nhớ quê hương bừng dậy. Nhớ "Tết mừng gạo mới" và cơm lam quê nhà - nét văn hóa đặc sắc đã lưu truyền suốt bao đời nay của người Tày tại Lạng Sơn, mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn của bà con với trời đất cho một mùa bội thu, cũng như cầu chúc cho mùa vụ tiếp theo mưa thuận gió hòa.

Xuống thủ đô học gần bốn năm, tôi chưa có dịp "chiêu đãi" các bạn của mình thứ đặc sản này. Ôm trong mình nỗi nhớ nhà, tôi xách vali rời Thủ đô về quê. Năm nay, tôi muốn tự tay làm cơm lam, tặng bạn.

Khi gần tới nhà, mắt tôi ngập trong mầu vàng xuộm của những đồng lúa chín trĩu hạt đang được thu hoạch. Bước vào cổng đã thấy ông nội đang cưa ống tre. Người đàn ông trong gia đình thường có nhiệm vụ lên rừng hoặc ra bờ suối kiếm những cây tre tươi, không được quá già hoặc quá non, có ít lá. Tiếng dân tộc gọi là những cây "pần pích phị". Những cây tre thẳng, đều, có đường kính ống vừa phải sẽ được chọn rồi đem về chặt thành từng đốt có mấu đều nhau dài khoảng 30-40cm. Sau đó, chúng được vót mịn, róc bớt phần vỏ mầu xanh bên ngoài. Ông tôi bảo làm như vậy để khi luộc phần gạo bên trong ống sẽ nhanh chín.

Mẹ đang vo gạo để ngâm, những hạt gạo nếp mới tròn mẩy, trắng ngần. Mẹ bảo đây là loại nếp cái hoa vàng. Gạo sau khi ngâm được trộn đều với mắm, muối, lạc, thịt lợn xay nhỏ được rang qua trước đó. Cuối cùng là bí quyết độc quyền của mẹ tôi, thêm vào một lọ nước cốt dừa làm tăng vị béo. Tất cả được cho trực tiếp vào ống tre, rồi nén chặt. Cuối cùng, chúng tôi phủ một lớp lá mắc mật, rồi nút kín đầu ống lại bằng rơm hoặc lõi ngô khô, để ngăn cho nước không vào bên trong ống làm nhạt vị cơm.

Cơm lam chỗ khác chỉ bỏ gạo vào ống tre rồi nướng bằng than củi, chấm với muối vừng. Ở quê tôi, cơm lam được luộc trong một nồi gang to ngập nước. Khi mở vung, hơi nóng hôi hổi cùng hương thơm dịu dàng bốc lên. Sau khi được luộc gần 12 tiếng, cơm mới thật nhừ nhuyễn, mới chuẩn là "kin khẩu buốc lam" (ăn cơm ống lam).

Vẫn là hương vị tuổi thơ, tới giờ chẳng khác. Vị ngọt thơm của nếp mới quyện với độ béo ngậy của nước cốt dừa và thịt, vị bùi của hạt lạc, xen lẫn cái ngan ngát đặc trưng của lá mắc mật. Mỗi miếng cơm khi đưa vào miệng là một lần đưa vị giác chu du qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc.

Hào hứng nhất vẫn là khi bóc ống tre để lấy cơm. Phải thật khéo mới giữ được lớp màng giấy mềm, mỏng, dai như lụa ôm sát bên trong ống. Nó cuộn chặt lấy khối cơm, tạo thành một lớp "vỏ bánh" độc đáo. Có thể dễ dàng cầm lên ăn mà không sợ dính. Một cách ăn cơm lam hấp dẫn mà người Lạng Sơn đã "biến tấu" là rán lại cơm lam với dầu. Cách làm độc lạ này khiến lớp vỏ bên ngoài giòn mà bên trong vẫn giữ được độ mềm dẻo, ăn cực kỳ cuốn miệng mà không hề ngán.

Lạng Sơn nổi tiếng bởi vẻ đẹp kì vĩ của cảnh sắc cùng sự trù phú của sản vật. Nhưng, ai đã từng được lên xứ Lạng, nếu chưa thử cơm lam người Tày, có lẽ cũng chưa phải là đã thật tỏ tường hương sắc Lạng Sơn…