Cameron Corner: một tối ăn Tết... ba lần

NDO - Hằng năm, cứ đến những giây phút cuối cùng của năm cũ là hàng triệu người trên khắp thế giới cùng đồng thanh đếm ngược để rồi òa lên chúc mừng nhau một năm mới tốt lành. Từ khi còn nhỏ tôi đã luôn coi những giây phút chuyển giao ấy thật thiêng liêng... Năm nay, chúng tôi lái xe 500 km qua sa mạc nước Australia để đến Cameron Corner, điểm giao nhau của địa giới hành chính ba bang New South Wales (NSW), South Australia (SA) và Queensland (QLD). Đây là nơi hiếm hoi trên thế giới mà người ta đón năm mới... ba lần trong một giờ đồng hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Cameron Corner Store, tối giao thừa giữa sa mạc.
Cameron Corner Store, tối giao thừa giữa sa mạc.

Chúng tôi cũng như các lữ khách rong ruổi đường xa khác, chọn Broken Hill làm điểm dừng chân “trung chuyển’’ trước khi lái xe vào sa mạc. Từng được mệnh danh là Thủ phủ của vùng Outback, Broken Hill là thành phố mỏ có tương đối đầy đủ các dịch vụ bên rìa vùng Outback không một bóng người.

Outback là khu vực khí hậu khô hạn nằm về trung tâm và phía bắc Australia rộng khoảng 5.6 triệu km2 chiếm 70% diện tích đất nhưng dân số chỉ chiếm 5% cả nước. Ngày nay, dân số Broken Hill còn khoảng 18.000 người, chỉ bằng một thị trấn ở Việt Nam nhưng nơi đây sở hữu vỉa quặng bạc, chì và kẽm có trữ lượng cao nhất thế giới, đã khai thác liên tục 140 năm từ 1883. Thành phố mỏ giữa sa mạc cách Sydney 1.100 km, cách Melbourne 900 km phải dùng nước được bơm đến bằng một đường ống dài 260 km.

Cameron Corner: một tối ăn Tết... ba lần ảnh 1

Từ Broken Hill đi Cameron Corner mất 330 km đường quốc lộ và 140 km đường cấp phối của Vườn quốc gia, qua một vùng đất có tổng dân số rải rác chừng khoảng... 300 nhân khẩu. Vì thế hầu hết du khách đều dừng ở Broken Hill để dự trữ thức ăn, nước uống, đá lạnh, đổ xăng hay tranh thủ gửi nốt email. Con đường quốc lộ B79 (mang tên Thành phố bạc) bắt đầu được Nhà nước xây dựng từ năm 1928 từ lối mòn đường đất của xe ngựa và lạc đà. Cứ mỗi năm làm thêm vài cây số vì quá xa và quá thưa dân, chưa kể nước mưa hằng năm lại làm hỏng đường. Đến năm 2018 vẫn còn 110 km chưa trải nhựa, cứ mưa là phải đóng đường. Chính quyền bang NSW quyết định đầu tư 72 triệu đô-la làm đường nhằm thúc đẩy vận tải gia súc, đi lại của người dân, du lịch và chỉ vừa hoàn thành tháng 12/2022. Một ông cụ 88 tuổi nói chuyện với tôi trong quán ăn ở thị trấn Tibooburra cuối đường, rằng ông không bao giờ tin là mình còn sống đến lúc con đường này được trải thảm toàn bộ.

Đường tuy chỉ có hai làn với vạch kẻ đường không có dải phân cách, nhưng cho phép vận tốc đi tối đa là 100 km/h. Đang ung dung đều chân ga, tôi bỗng thấy phía trước đường tự nhiên mở rộng ra đến gấp 3-4 lần và có vạch giống “sọc ngựa vằn” cho người đi bộ vắt ngang nhưng mỗi vạch này to bằng cả cái xe con! Thì ra biển báo cho biết rằng đây là nơi phải nhường đường cho... máy bay. Ở những vùng xa này của Australia, máy bay là phương tiện thuận tiện nhất để cấp cứu người bị tai nạn, chấn thương hay các bệnh cấp tính khác như viêm ruột thừa. Đường nhựa được nâng cấp để “tận dụng” làm đường băng hạ cánh khẩn cấp. Lực lượng y tế đặc biệt này mang tên Dịch vụ bác sĩ hàng không Hoàng gia, còn dân gian gọi tắt là “các bác sĩ bay’’. 81 máy bay cỡ nhỏ với đầy đủ trang thiết bị như một trạm y tế di động luôn tất bật khắp bầu trời lục địa Australia với quyền ưu tiên cất hạ cánh ở mọi sân bay, để đưa người bệnh từ những nơi xa xôi nhất về đến các bệnh viện lớn, nơi có thể cách trang trại hàng trăm thậm chí hàng nghìn cây số hay nặng hơn thì lên thẳng trung ương. Dịch vụ này cũng đưa các bác sĩ giàu kinh nghiệm đến các thị trấn nhỏ nơi không có bác sĩ thường trực. Tuy rằng phần lớn chi phí vận hành cho Chính quyền Liên bang và các bang chi trả nhưng một lượng không nhỏ tiền cũng được đóng góp và gây quỹ bởi người dân.

Cameron Corner: một tối ăn Tết... ba lần ảnh 2

Tác giả cạnh cột mốc địa giới ba bang, nơi vĩ tuyến 29 N giao cắt với kinh tuyến 141 Đ.

Cameron Corner được tạo thành bởi điểm giao cắt của vĩ tuyến 29 độ Nam và kinh tuyến 141 độ Đông. Bang South Australia nằm về hướng tây kinh tuyến 141 sử dụng múi giờ Trung tâm Australia UTC +9:30. Nằm về hướng đông kinh tuyến 141 là bang New South Wales (nam vĩ tuyến 29) và Queensland (bắc vĩ tuyến 29). Hai bang này cùng sử dụng múi giờ Đông Australia UTC +10. Tuy nhiên vào mùa nóng ở Nam bán cầu (từ tháng 10 đến tháng 4), NSW áp dụng giờ mùa hè. Do ngày kéo dài hơn, mặt trời lặn muộn hơn hẳn, nên toàn bang chỉnh đồng hồ thêm một tiếng, tức là múi giờ UTC +11. SA cũng tương tự, mùa hè dùng giờ UTC +10:30. Như vậy vào thời điểm ngày 31/12 hằng năm, ba bang sử dụng ba múi giờ khác nhau, mỗi nơi chênh nhau nửa tiếng. Vậy là giây phút giao thừa “thiêng liêng” thực ra được quyết định bởi văn bản hành chính và nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của con người. Nói rộng ra, tất cả giờ giấc trên thế giới này đều là nhân tạo và tương đối, do quy ước giữa người với người, quốc gia với quốc gia chứ không chính xác đến từng giây như ta vẫn mặc định.

Cameron Corner: một tối ăn Tết... ba lần ảnh 3

Ảnh vệ tinh khu vực Cameron Corner. Ảnh | SIX MAPS NEW SOUTH WALES

Một công trình rất thú vị nữa có thế thấy ở miền hoang mạc này là hàng rào Dingo. Dingo là tên giống chó hoang dã bản địa cỡ nhỏ của Australia. Loài chó này không hung dữ và tuy đã chung sống với thổ dân hàng nghìn năm nhưng chưa bao giờ thực sự được thuần hóa nên còn rất nhiều cá thể sống trong tự nhiên với bản năng săn mồi. Australia là nơi có đàn cừu 79 triệu con, trong đó 60% ở bang NSW và Victoria phía đông nam nên chó dingo trở thành một loài sinh vật gây hại, đe dọa trực tiếp đến ngành chăn nuôi của đất nước xuất khẩu len và thịt cừu số một thế giới. Đánh bả, đặt bẫy, săn bắn không xuể, chính quyền các bang họp nhau lại để quyết định một phương án... không tưởng: xây hàng rào ngăn tách chó dingo hoàn toàn khỏi vùng nuôi cừu. Thế là “Vạn lý tường rào”, công trình xây dựng dài nhất trên thế giới (5.614 km) đã ra đời. Xây hàng rào không quá khó mà công tác bảo trì suốt 80 năm qua mới kỳ công khi mà chỉ một lỗ thủng nhỏ trên lưới mắt cáo là những con chó con cũng có thể chui qua và đến nay người ta vẫn rải rác bẫy được dingo ở xa hàng trăm cây số từ hàng rào.

Cameron Corner: một tối ăn Tết... ba lần ảnh 4
Một đoạn Hàng rào Dingo, bên kia là Vườn quốc gia Sturt, bang New South Wales

Cửa hàng kiêm quán bia, kiêm nhà nghỉ, kiêm ban quản lý sân golf (không có cỏ) duy nhất trong bán kính 150 km, Cameron Corner Store, vừa mới lắp thêm giàn phun hơi sương làm mát để thực khách ngồi ăn được dưới cái nóng hầm hập thường trực của sa mạc mùa hè, thường xuyên trên 40°C, có lúc kỷ lục lên đến 45-48°C (đo được trong bóng râm). Nhưng thời tiết năm nay lại quá kỳ lạ khi mà ngày cuối cùng của năm 2023 chỉ có 33°C, rồi đêm xuống thì hạ nhiệt xuống 26°C gió mát rười rượi. Cửa hàng treo kín các bức tường hàng nghìn cái mũ lưỡi trai với chữ ký của những người đã từng đặt chân tới đây.

Đêm dần buông xuống, các khách nữ bắt đầu lên hát karaoke, cuộc ăn uống, chuyện trò của các lữ khách đường xa càng sôi nổi. Già trẻ có, người nước ngoài có, dân đi bụi có, người thì chơi xe địa hình, người thì làm nghề sửa máy tính đi vòng quanh Australia, các cặp vợ chồng đi kỷ niệm ngày cưới... Tất cả ngồi một cách thư thái mà vui vẻ dưới bầu trời sao ngoạn mục ở một nơi xa thật xa những rối rắm lo toan của thế giới đang xoay chóng mặt này.

Gần đến 12 giờ đêm NSW, ông bà chủ quán bắt đầu lái xe tải, chở đầy những thùng pháo hoa ra vị trí cột mốc. Khi mấy trăm người tụ họp đông đủ bên cột mốc, đứng gọn vào phần đất NSW thì chương trình bắt đầu với phần đấu giá. Vật đấu giá là một cái cột gỗ sẽ được gắn tên người trả giá cao nhất, đóng ở phần đất NSW từ nay đến 31/12/2024. Tiền đấu giá thu được sẽ quyên góp cho quỹ “bác sĩ bay”. Cột gỗ NSW được đấu giá thành công 500 đô-la. Khi đồng hồ điểm 0 giờ, pháo hoa lúc ấy tung bay trên cầu cảng Sydney thì pháo hoa “cây nhà lá vườn” ở đây cũng phun lên rực rỡ. Tất cả cùng hò hét và ôm nhau chúc mừng năm mới. Có em bé ngủ ngon lành trên xe nôi. Nửa tiếng sau, một cột gỗ nữa được bán thành công và pháo hoa lại nổ đì đùng. Ai mà chán được năm mới ở đây cơ chứ. Đời người có mấy khi được chào năm mới một tối tận ba lần!