Bước ngoặt quan trọng

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Song, bên cạnh các kết quả thực chất mà Việt Nam góp sức kiến tạo, tại COP28, cũng vẫn còn đó những vấn đề chưa dễ đạt được đồng thuận, dù là vì lợi ích chung.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).

Bước tiến mạnh mẽ mà COP28 xác lập, ngay trong ngày đầu của chương trình nghị sự, là việc Quỹ Tổn thất và Thiệt hại (Loss and Damage Fund) chính thức được khởi động, nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Đây là điều kiện căn bản mở ra hy vọng giải quyết bài toán tài chính - vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Một "bước tiến lịch sử", như đánh giá của Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber.

Quỹ là khoản ngân sách đầu tiên của Liên hợp quốc dành riêng để giải quyết những thiệt hại không thể khắc phục được bởi hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Theo giới chức châu Âu, những khoản đóng góp đầu tiên dự kiến sẽ dành để tài trợ cho các dự án thí điểm.

Quỹ đã lập tức nhận được những cam kết, từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Nhật Bản, với số tiền hơn 420 triệu USD. Cho dù còn đó vài nghi hoặc về nguồn bổ sung tài chính cho quỹ trong tương lai (bởi theo dự báo sơ bộ từ giới chuyên gia, các nước đang phát triển cần tới khoảng 160 tỷ USD để thích ứng biến đổi khí hậu), thì dù sao, một con đường mới cũng đã rộng mở.

Riêng về phía Việt Nam, những đóng góp của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tại các hội nghị trong khuôn khổ COP28 thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia ứng phó biến đổi khí hậu.

Đại diện quan điểm của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý, thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc, kết hợp với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển và chậm phát triển, nhất là về vốn, công nghệ, quản trị, thể chế; ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa, với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính mình.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) cũng là một trong những điểm nhấn đáng nhớ trong chuyến công tác lần này. Đây là bước triển khai đầu tiên để thực hiện JETP, góp phần thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn thành tựu mang tính nền tảng, ở giai đoạn sau của chương trình nghị sự, COP28 cũng vẫn chứng kiến một số khúc mắc không dễ được giải quyết, tiêu biểu như tiến trình loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần.

Các nước phát triển, và cả các định chế tài chính quan trọng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn muốn áp dụng biện pháp tăng giá carbon trên thị trường (mua bán, trao đổi carbon và tín chỉ carbon), nhằm tạo nên động lực lớn nhất có thể cho mục tiêu giảm khí thải toàn cầu. Song, với không ít quốc gia đang phát triển, quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch ở mỗi nước cần phải có những lộ trình khác nhau, trong bối cảnh các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa dồi dào (và thậm chí là còn quá đắt đỏ), tạo nên các bài toán kinh tế-xã hội nghiệt ngã.

Một ngã ba đường vô hình vẫn hiện hữu như thế. Và trong khi COP28 vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề này, thì giới chuyên gia dự báo: Lượng khí thải carbon toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức kỷ lục (36,8 tỷ tấn khí CO2, tăng 1,1% so năm ngoái) trong năm 2023 này.