Trở lại "điểm zero"

"Kể từ 00 giờ 00 phút ngày 7/11/2023, thủ tục đưa nước Nga rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu (CFE), điều mà chúng tôi đình chỉ từ năm 2007, đã hoàn tất. Như vậy, văn bản pháp lý cuối cùng đã đi vào lịch sử, đối với chúng tôi" - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
0:00 / 0:00
0:00

MỘT cách ngắn gọn, về cơ bản, sau tuyên bố này, không còn tồn tại bất cứ thỏa thuận nào hướng đến trạng thái cân bằng sức mạnh quân sự tại châu Âu nữa. Đây vừa là một cánh cửa chính thức sập lại hoàn toàn, vừa là sự mở ra một cánh cửa khác, cho khả năng kích hoạt những cuộc chạy đua vũ trang mới.

CFE, được ký kết vào năm 1990 và có hiệu lực từ năm 1992 giữa 16 thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với sáu quốc gia thành viên khối Hiệp ước Warsaw (vào thời điểm đó), là thỏa thuận ra đời nhằm mục đích thiết lập trạng thái cân bằng giữa hai liên minh quân sự, thông qua các mức giới hạn về số lượng vũ khí và thiết bị quân sự mà tất cả các bên được phép tích lũy. Ngoài ra, hiệp ước này còn đòi hỏi các bên ký kết tham gia một số cơ chế minh bạch.

Tuy nhiên, trên thực tế, những biến động ghê gớm ở Liên Xô (trước đây) và khu vực Đông Âu năm 1991 đã gần như ngay lập tức hủy hoại hiệu lực của CFE. Có điều, nó vẫn tồn tại lay lắt, và chưa hề bị chính thức "khai tử", cho đến trước 0 giờ ngày 7/11.

TRONG một phản ứng tất yếu, ngay sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Vương quốc Anh và các đồng minh châu Âu của họ trong NATO cũng tuyên bố đình chỉ phần tham gia của họ vào CFE.

Xét cho cùng, những diễn biến "xóa bàn cờ đánh lại", đưa tất cả trở lại "điểm zero" - trạng thái bắt đầu này là một hệ quả tất yếu, của những thập niên dài CFE cũng chỉ còn tồn tại trên hình thức văn bản. Khi cả hai bên đều thiếu lòng tin chiến lược dành cho nhau, và do đó không thực hiện những hành động thực chất, CFE từ lâu đã trở nên thừa thãi.

Sau các biến động địa chính trị gắn liền với sự kiện Liên Xô cùng khối Hiệp ước Warsaw tan rã, đến năm 1999, hãng tin Nga Sputnik hé lộ, một phiên bản cập nhật của CFE đã được ký kết tại hội nghị cấp cao của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy vậy, chỉ có bốn quốc gia là Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan phê chuẩn văn bản đó.

Năm 2007, Nga đã đình chỉ một phần việc tham gia Hiệp ước CFE, cho đến khi các nước NATO phê chuẩn Thỏa thuận thích ứng và bắt đầu thực hiện văn bản này một cách thiện chí. Đến năm 2015, Moscow tiếp tục rút khỏi các cơ chế quy định trong hiệp ước này, vì "không có nhu cầu tiếp tục tham gia" và chỉ còn ở lại trên danh nghĩa, cho đến nay.

Tháng 5/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phản đối CFE. Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov được bổ nhiệm giám sát quá trình rút khỏi CFE. Động thái này vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ phía NATO, khi họ cho rằng Nga đang "làm suy yếu an ninh châu Âu - Đại Tây Dương".

Song, điều phải đến, cuối cùng cũng đến.

TRONG thông báo ngày 7/11, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Hiệp ước CFE đã kết thúc cùng với Chiến tranh Lạnh. Moscow cho rằng hành động mở rộng NATO của Mỹ đã khuyến khích các nước đồng minh công khai phớt lờ những biện pháp hạn chế của hiệp ước này. Do đó, Hiệp ước CFE trong hình thái nguyên bản đã xa rời thực tiễn".

Nhưng từ hồi tháng 5, Thứ trưởng Sergey Ryabkov cũng đã làm rõ: CFE đã gặp vấn đề trong nhiều năm, do đó việc Nga rút khỏi hiệp ước này không thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, tình hình hiện tại cũng không thuận lợi để đưa ra những ý tưởng mới cho một giải pháp thay thế. Và hơn cả, đại diện quan điểm của Điện Kremlin, Thứ trưởng Ryabkov cho rằng thế giới trong thời gian tới sẽ hoàn toàn khác so với thế giới năm 1990 hoặc 1999, từ đó đòi hỏi những cách tiếp cận mới, bao gồm cả vấn đề kiểm soát vũ khí.

Chưa có "cách tiếp cận mới" nào lộ diện. Mà ngược lại, vào lúc này, đã dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tương lai của việc kiểm soát vũ khí ở châu Âu, trong bối cảnh cạn kiệt niềm tin .