Tin vào những hành động

Cho dù lịch trình nghị sự phải kéo dài thêm một ngày do không đạt được đồng thuận giữa các bên tham gia ở những vấn đề mấu chốt tồn tại, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vẫn được đánh giá là đã mang lại những kết quả vượt mong đợi, nhằm duy trì và củng cố niềm tin cho loài người trong những nỗ lực cứu lấy "mái nhà chung".
0:00 / 0:00
0:00

TIẾN sĩ Nawal Al Hosany - đại diện thường trực của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) - đánh giá cao những thành tựu đạt được tại hội nghị, trong đó có việc tăng cường các sáng kiến tài chính và động lực toàn cầu, đồng thời nêu bật thỏa thuận toàn cầu đã đạt được về Quỹ Tổn thất và Thiệt hại.

Bà cũng hoan nghênh cam kết của hơn 123 quốc gia về tăng gấp ba lần việc áp dụng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030, nhằm đạt mục tiêu kiềm chế mức ấm lên toàn cầu không quá 1,5 độ C và tăng cường an ninh năng lượng.

Bà nêu bật sự hợp tác của IRENA với Chủ tịch COP28 trong khuôn khổ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính, trong đó các sáng kiến được đưa ra tại hội nghị, thu hút nguồn tài trợ vượt 80 tỷ USD.

Bà cũng không quên đề cập vai trò tiên phong của thanh niên tại hội nghị, đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng và hỗ trợ các ý tưởng của giới trẻ trong áp dụng các giải pháp cho các vấn đề thách thức về khí hậu và năng lượng tái tạo.

SONG, bên cạnh đó, nói như Tổng Giám đốc COP28 Majid Al Suwaidi, chuyện lịch trình hội nghị phải kéo dài thêm một ngày thể hiện rằng: Nhiều bên cảm thấy văn bản dự thảo thỏa thuận sau cùng của hội nghị chưa giải quyết đầy đủ được những mối quan ngại, về phương thức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Không chỉ vậy, những cuộc tranh luận về vấn đề này còn bộc lộ một lằn ranh vô hình giữa quan điểm của các quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích và tiềm năng phát triển - những khía cạnh hoàn toàn không dễ tìm được tiếng nói chung.

Đề xuất "loại bỏ" việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong bản dự thảo mới mà Chủ tịch COP28 Al Jaber đưa ra, cụm từ nói trên đã không được đề cập, thay vào đó là cụm từ "giảm đến mức tối đa" sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Có ít nhất 80 quốc gia, dẫn đầu là các nước phát triển phương Tây, đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một số quốc gia khác phản đối, bởi theo họ, những nước đang phát triển cần những lộ trình riêng cho việc theo đuổi mục tiêu quá tham vọng ấy, để không tạo nên những xáo trộn tiêu cực về kinh tế-xã hội. Sự khác biệt về lập trường này hứa hẹn sẽ còn tạo nên không ít vấn đề khúc mắc, trong ngắn hạn và trung hạn.

NHƯNG dù sao, trong một cái nhìn toàn cảnh, COP28 cũng đã chạm tới được những mục tiêu thiết thực nhất được trông đợi, trước khi chính thức khai mạc.

Một cách ngắn gọn, đó là những cam kết hỗ trợ về nền tảng tài chính - điều kiện căn bản để những cộng đồng bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu không bị bỏ lại quá xa phía sau, có cơ sở tự trang bị cho mình khả năng thích ứng, chống chọi và tiến lên, theo xu hướng phát triển bền vững.

Những cam kết tài chính ấy là cơ sở của niềm tin và sự đồng thuận chung của toàn thế giới khi hướng đến tương lai, trong cuộc chiến cam go liên quan mật thiết với sự tồn vong của cả nhân loại này.

Và dĩ nhiên, niềm tin đó sẽ càng được củng cố vững chắc hơn, nếu các cam kết được gấp rút cụ thể hóa bằng các hành động.