Nỗi nhức nhối chưa hề lắng dịu

Ở khắp các quốc gia khu vực Đông Phi, tình trạng mất an ninh lương thực vẫn có thể ở mức cao, đến tận đầu năm 2024. Nhận định này của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ngày 13/11, làm hằn sâu những nỗi lo, cũng như tô đậm các thách thức đang hiện hữu đối với nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00

CHO dù đỉnh điểm của nạn khan hiếm lương thực (do mất mùa năm 2022) đã dần qua, thì Ethiopia, Somalia, Sudan và Nam Sudan vẫn là những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu, và vẫn cần nhận được những sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế.

Đơn cử, theo các số liệu mới nhất của WFP tính đến tháng 9 năm nay, khoảng 62,6 triệu người ở Đông Phi, không được bảo đảm an ninh lương thực. Riêng tại Sudan, khoảng 6,3 triệu người dân đang ở rất gần ranh giới của nạn đói, trên tổng số gần 25 triệu người (trong đó gồm hơn một nửa là trẻ em) cần được hỗ trợ nhân đạo, theo số liệu từ Liên hợp quốc.

Toàn khu vực Sừng châu Phi (bao gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia), đến tháng 8/2023, WFP tính toán khoảng 22 triệu người có nguy cơ chết đói. Để ngăn chặn thảm họa này, cần một ngân sách sơ bộ lên tới 7 tỷ USD.

BIẾN đổi khí hậu, với hệ lụy dễ nhận thấy nhất là hạn hán kéo dài, được xem là nguyên nhân đầu tiên tạo nên tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng này. Nhưng trước mắt, các hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino và lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD) có thể kéo theo lượng mưa cao bất thường từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 trên khắp vùng xích đạo và miền nam Đông Phi, chủ yếu ở miền nam Ethiopia, Somalia và Kenya.

Đây là điều trên lý thuyết sẽ mang lại điều kiện thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, chăn nuôi và phục hồi sản xuất. Mặc dù vậy, WFP cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra lũ lụt nghiêm trọng cục bộ ở các vùng đất thấp và ven sông, gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng, khiến người dân phải di dời và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, điều cốt lõi khiến miền cực đông châu Phi liên tục bị giày vò bởi nguy cơ thiếu ăn dường như lại là những khía cạnh vô hình, mà báo cáo mới nhất của WFP vừa làm rõ.

Đó là tình trạng xung đột kéo dài, cũng như liên tiếp có các cuộc xung đột mới bùng phát. Đó là bối cảnh những thách thức kinh tế vĩ mô dai dẳng, chi phí sản xuất và vận chuyển cao cũng như biến động của thương mại quốc tế tiếp tục gây áp lực nặng nề lên chi phí hàng hóa thực phẩm tại các thị trường ở Đông Phi. Những yếu tố này khiến chi phí sinh hoạt nói chung bị "đội lên" chóng mặt, từ đó gây ra những hệ lụy đáng sợ đối với hệ thống an ninh lương thực, cũng như mặt bằng tiêu chuẩn dinh dưỡng.

Thiên nhiên hoàn toàn không có trách nhiệm gì, khi không chỉ châu Phi, rất nhiều khu vực khác trên thế giới cũng đang bị đe dọa bởi những yếu tố "nhân tạo" ấy.

HIỆN tại, theo WFP, đã có khoảng 18,2 triệu người dân trong khu vực Đông Phi phải di dời, gồm khoảng 13,2 triệu người sơ tán trong nước (IDP) và khoảng năm triệu người buộc phải di tản ra nước ngoài tị nạn. Riêng ở Sudan, kể từ khi xung đột giữa quân đội và lực lượng bán quân sự bùng phát, hơn bốn triệu người đã phải di dời trong nước, cùng hơn một triệu người khác di cư qua biên giới.

Cả khu vực ấy đã rơi vào tình trạng của những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất thế giới. Vấn đề là, thế giới sẽ không thể chỉ lo lắng đến việc cung cấp "miếng ăn" trước mắt cho họ. Điều thật sự cần điều chỉnh và hỗ trợ để điều chỉnh, lại là những vấn đề tồn tại ở thượng tầng, những mâu thuẫn và xung đột quyền lực hoặc lợi ích.

Và trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt này, nếu hiện trạng an ninh lương thực ở Đông Phi không thể được cải thiện như một hình mẫu, thì rất có thể trong tương lai gần, thế giới sẽ còn phải chứng kiến không ít nỗi nhức nhối khác nữa xuất hiện.