Nỗi ám ảnh vẫn còn nguyên đó

Cho đến tận lúc này, mọi lời đe dọa nhắm đến các quốc gia phương Tây mới chỉ là đe dọa. Tuy nhiên, bóng ma khủng bố vẫn luôn hiện hữu, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh - đón năm mới sắp tới, đòi hỏi mọi sự kiểm soát cần thiết được đẩy lên mức cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00

NGÀY 27/11, ban quản lý của nhiều trường học ở thủ đô Brussels và vùng Brabant của Vương quốc Bỉ thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học, tạm thời đóng cửa, "tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc phòng ngừa", do nhận được đe dọa đánh bom vào tối 26/11. Cảnh sát Bỉ đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, và cuối cùng, cũng không có gì nghiêm trọng xảy ra.

Trước đó, ngày 22/11, một chiếc ô-tô đang di chuyển với tốc độ cao đã đâm vào hàng rào trạm kiểm soát ở cầu Rainbow, cửa khẩu biên giới Mỹ - Canada ở khu vực thác Niagara, và bốc cháy khiến hai người tử vong cùng một người bị thương. Sự việc đã buộc cơ quan chức năng tuyên bố đóng cửa biên giới cách thành phố New York khoảng 400 dặm (640 km) về phía tây bắc, đồng thời phát cảnh báo an ninh vào đêm trước ngày lễ Tạ ơn.

Nối tiếp, bốn cửa khẩu biên giới ở khu vực thác Niagara đều đã bị đóng cửa, bao gồm cửa khẩu cầu Rainbow, cầu Whirlpool, cầu Queenston và cầu Peace. Nhưng cuối cùng, theo các kết quả điều tra sau đó của chính quyền New York và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), vụ cháy nổ trên không liên quan đến khủng bố.

TUY nhiên, dịp lễ Tạ ơn-một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm của người dân Mỹ-vẫn trôi qua trong sự thấp thỏm của các cơ quan an ninh.

Trước Quốc hội Mỹ, FBI nhận định: Nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố đang ở mức cao nhất trong gần một thập niên. Do đó, giới chức Mỹ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa bổ sung tại các sân bay và trung tâm mua sắm trên cả nước, kể cả khi chưa có dấu hiệu khủng bố rõ ràng nào.

Bên kia Đại Tây Dương, các cơ quan an ninh cũng nhận thức rõ nguy cơ gia tăng số vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo - những kẻ bị cực đoan hóa bởi ảnh hưởng từ xung đột Israel - Hamas. Trả lời hãng tin Reuters ngày 23/11, khoảng 10 quan chức tình báo và cảnh sát ở năm quốc gia châu Âu (bao gồm cả Anh, Đức và Pháp) cho biết rằng họ đang tăng cường giám sát.

Một quan chức an ninh Anh nhận xét: Cuộc chiến ở Gaza có thể trở thành nơi chiêu mộ phiến quân Hồi giáo lớn nhất, kể từ năm 2003, trong bối cảnh những lời kêu gọi tấn công vào các mục tiêu Do thái và phương Tây đã gia tăng ở châu Âu. Một nguồn tin tình báo khác ở Đức cũng hé lộ: Những mối đe dọa đối với dân thường ở quốc gia này hiện xếp cao nhất trong lịch sử gần đây.

THEO các cơ quan an ninh, mối nguy hiểm chính đối với châu Âu dường như là từ "những con sói đơn độc" - những kẻ tấn công cực đoan, thường không liên kết chính thức với các nhóm khủng bố lâu năm. Mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa an ninh này có thể phụ thuộc vào thời gian Israel tiếp tục cuộc tấn công chống lại Hamas ở Gaza.

Sĩ quan cảnh sát Đức Jochen Kopelke nói với Reuters: "Việc những người này thực hiện hành vi khủng bố chỉ còn là vấn đề thời gian. Không phải lúc nào họ cũng nhất thiết sử dụng bom. Họ có thể lái ô-tô vào đám đông hoặc tấn công bằng dao". Và trước mắt, các khu chợ Giáng sinh sắp mở cửa trong dịp lễ hội cuối năm có thể là những mục tiêu tiềm năng.

Ông cũng cho biết thêm: Trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram hay TikTok, sự thù hận và những nhóm cực đoan đang gia tăng và lây lan với tốc độ đáng sợ. Nhìn ngược lại sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ai cũng có thể hình dung mối nguy cơ này đang trở nên rõ rệt đến mức độ nào, khi được "nuôi dưỡng" trong một "điều kiện lý tưởng" đến như vậy.

Vấn đề là, trong mắt giới chức an ninh phương Tây, đến lúc này, giải pháp dường như vẫn chỉ là trấn áp và kiểm soát để phòng ngừa. Trong khi, có lẽ, sự tôn trọng và tinh thần hòa giải ngay từ trong tư tưởng mới là những yếu tố quyết định, nhằm kiến tạo yên bình.