ĐÁNG nói, năm nay nhiều trường ĐH hàng đầu như: Y dược TP Hồ Chí Minh, Y dược Hà Nội, Y khoa Phạm Ngọc Thạch… vẫn phải “muối mặt” xét tuyển thêm nguyện vọng. Thế nhưng, xét cho cùng thì thiệt thòi nhất lại là các em TS đã “lỡ” trúng tuyển ở đợt 1 nên không còn cơ hội xét tuyển ở nguyện vọng bổ sung vào trường, vào ngành mình yêu thích dù cơ hội trúng tuyển là rất lớn.
Đủ cách chống ảo…
Thực tế, qua đợt xét tuyển đợt 1 đã cho thấy, dù các trường đã gọi vượt chỉ tiêu từ 40% đến 100% nhưng cuối cùng tỷ lệ TS nhập học cũng chỉ đạt từ 60% đến 70%, một số trường thuộc top đầu cũng chỉ đạt trên dưới 80%. Chẳng hạn, tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, năm nay trường có 3.000 chỉ tiêu nhưng để “chống ảo”, trường quyết định gọi hơn 4.000 TS trúng tuyển (vượt 40%), trong đó một số ngành khối cơ điện gọi vượt đến 100% TS nhưng cuối cùng vẫn không đủ chỉ tiêu. Vì vậy, đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lần này, trường phải gọi thêm hơn 600 chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh năm nay cũng có hơn 13.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho 6.350 chỉ tiêu. Hội đồng tuyển sinh trường cân nhắc, quyết định gọi trừ hao thành 130% chỉ tiêu. Kết quả, số TS đến nộp phiếu điểm để nhập học chỉ hơn 4.100 em.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, dù đã lên “bí quyết” để lọc trước TS nhằm hạn chế ảo nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu. Cụ thể, để “lọc” ảo, trường này căn cứ vào phiếu đăng ký xét tuyển của TS, nếu TS có đăng ký xét tuyển vào trường khác, trường sẽ phân loại. TS nộp vào trường có điểm chuẩn năm trước cao hơn Trường ĐH Tài chính - Marketing sẽ được xếp vào danh sách ảo bởi nếu trúng tuyển cả hai trường, khả năng lớn là TS sẽ không chọn học tại ĐH Tài chính - Marketing. Dù vậy, cuối cùng tỷ lệ ảo vẫn cao và buộc trường này phải xét tuyển bổ sung thêm 1.036 chỉ tiêu.
Ở một số trường top đầu như ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… dù đã lường trước sẽ có TS “ảo” nhưng thực tế các trường này “chưa từng xảy ra” tình trạng thiếu TS nhập học. Vì vậy, khá ngỡ ngàng khi những trường này “lần đầu tiên” phải gọi nguyện vọng bổ sung đến hàng trăm chỉ tiêu, chẳng hạn ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh thông báo phải tuyển bổ sung 402 chỉ tiêu cho 12 ngành, so với điểm chuẩn đợt 1, điểm xét tuyển bổ sung của nhiều ngành giảm từ 2 đến 3 điểm. Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo hạ điểm và xét bổ sung thêm 5 ngành…
Hàng loạt trường ĐH lớn khác cũng thiếu người học trầm trọng. Chẳng hạn, Trường ĐH Sài Gòn thông báo xét bổ sung cho 21 ngành bậc ĐH và ba ngành bậc CĐ với 580 chỉ tiêu. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có hơn 63% TS trúng tuyển nộp phiếu điểm dù đã gọi đến 120% chỉ tiêu và buộc phải tuyển bổ sung 35 ngành với 2.020 chỉ tiêu…
Trường công lập đã thế, các trường ngoài công lập, ĐH vùng tình hình còn đáng buồn hơn nhiều. Theo ghi nhận, đa số các trường ngoài công lập tại TP Hồ Chí Minh phải tuyển thêm từ 40% đến 60% chỉ tiêu, các trường CĐ thậm chí còn phải tuyển từ 70% đến 90% do đến thời điểm này mới có vài trăm TS nhập học dù chỉ tiêu các trường này lên đến con số vài nghìn.
Nguy cơ đã được báo trước
Thực tế, tỷ lệ TS ảo cao là một cảnh báo mà trước đó khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế đã lường trước. Cụ thể, quy chế đã quy định rõ, ở đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi TS có hai quyền xét tuyển vào hai trường (bốn nguyện vọng). Nếu trúng tuyển trường nào thì TS sẽ dùng phiếu điểm nộp vào trường đó xác nhận nhập học. Như vậy, khả năng một TS đậu cùng lúc hai trường rất cao, nghĩa là ảo một nửa. Trên lý thuyết, các trường muốn đủ chỉ tiêu phải gọi TS trúng tuyển đến 200% chỉ tiêu. Trên thực tế, thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 TS đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% TS đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1 nên tỷ lệ TS ảo là tất yếu.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc cho TS đăng ký đồng thời hai trường ngay trong đợt 1 để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “TS ảo” đã được nhìn nhận là một khó khăn mà các trường phải xử lý. Để hỗ trợ các trường chống ảo, Bộ cho phép các trường không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước; trong mẫu Phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục “Có đăng ký xét tuyển trường khác” không và “Tên trường đăng ký xét tuyển” để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc ảo và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu...
Ngoài ra, theo bà Phụng, Bộ cũng khuyến khích các trường lập nhóm xét tuyển và hầu hết các trường đều chấp nhận khó khăn về “TS ảo” để các TS được thuận lợi hơn khi ĐKXT… nên việc chống ảo là “trách nhiệm” của các trường phải xử lý. Thực tế khi xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là 15 điểm thì số TS đạt ngưỡng điểm xét tuyển đại học là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu là 317.639, hệ số dư là 1,27 nên không thể nói thiếu nguồn tuyển được.
Rút kinh nghiệm gì cho xét tuyển bổ sung?
Từ kinh nghiệm của đợt xét tuyển lần 1, nhiều chuyên gia giáo dục dự báo, đợt xét nguyện vọng bổ sung này sẽ cực kỳ khốc liệt ở các trường top trên. Thực tế, có khá nhiều TS thời gian qua vẫn chần chờ chưa đăng ký học dù đã trúng tuyển ở các trường ngoài công lập, hiện tại điểm nhận hồ sơ của các trường này lại giảm khá nhiều, có trường giảm tới 5-6 điểm so với đợt 1. Tuy nhiên, tỷ lệ ảo từ đó sẽ tăng lên nhiều vì TS được nộp tới 3 trường (6 nguyện vọng) và không loại trừ khả năng các trường sẽ gọi vượt gấp 3, 4 lần để tuyển đủ TS.
Trước tình hình này, theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, Bộ ra quy chế như thế là có đổi mới, tuy nhiên, lẽ ra nên để các trường cần phải cập nhật thông tin một cách thường xuyên, đầy đủ và công khai cho TS. Khi đó các TS sẽ có sự lựa chọn tốt nhất khi đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành học phù hợp với nguyện vọng và kết quả thi THPT của mình. Cùng với đó, các trường đại học sẽ chọn được đúng đối tượng, tỷ lệ TS ảo sẽ không cao. “Thực tế việc này có thể dẫn tới trường hợp TS chờ đến thời điểm gần hạn chót mới đăng ký, gây dồn ứ, ách tắc ở các trường, nhưng chắc chắn từ kinh nghiệm năm 2015, các trường sẽ sẵn sàng có phương án tốt nhất để đón tiếp TS đăng ký xét tuyển”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng CĐ Bách Việt thì đề xuất nên cải tiến một số điểm cho đợt xét tuyển bổ sung đợt này cũng như năm sau như rút ngắn thời gian đăng ký xét tuyển còn lại khoảng 7-10 ngày, thêm vào đó là cho thêm thời gian sau khi các trường kết thúc đăng ký xét tuyển và công bố điểm trúng tuyển để các trường có đủ thời gian phân tích dữ liệu TS đăng ký, xác định mức điểm trúng tuyển phù hợp… nhằm thu hút đủ chỉ tiêu.