Nhiều thay đổi
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), về cơ bản kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn sẽ được duy trì như năm 2018, thời gian thi từ ngày 25 đến 27-6. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, nhất là những sự cố về gian lận trong khâu chấm và công bố điểm thi năm 2018; năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu, khu vực lưu trữ đề thi, bài thi sẽ phải có ca-mê-ra giám sát, công an trực an ninh suốt 24 giờ trong ngày. Phó trưởng điểm thi, hoặc thư ký phải là người của các trường đại học, cao đẳng, cần phải ngủ đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi.
Việc phân công cán bộ coi thi, phát đề thi, chấm thi trắc nghiệm cũng có nhiều thay đổi so kỳ thi của năm 2018. Phiếu làm trắc nghiệm của thí sinh năm nay cũng sẽ được làm phách điện tử, nhằm ngăn chặn việc gian lận, can thiệp từ bên ngoài. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được điều chỉnh. Các thao tác trên phần mềm chấm thi trắc nghiệm đều được lưu dấu vết, chỉ người nào có trách nhiệm mới có quyền được truy cập. Tại buổi trao đổi thông tin với báo giới về kỳ thi quốc gia năm nay, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh khẳng định, cho dù đã có nhiều sự điều chỉnh về mặt quy trình, kỹ thuật, song yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, phương tiện chỉ để hỗ trợ.
Tuy thế, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng, những điều chỉnh trong kỳ thi năm nay chỉ mang tính kỹ thuật và bày tỏ sự lo lắng về chất lượng đánh giá của hình thức thi “hai trong một” này. GS, TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Đổi mới thi cử hiện nay vẫn theo kiểu đối phó, cứ thấy xã hội phản đối là nay bít chỗ này, mai bít chỗ kia. Tất cả những đổi mới trong giáo dục đều phải dựa trên khoa học, chân lý không thuộc về sự nhượng bộ. Cần xác định rõ đề thi hướng tới kiểm tra học sinh cái gì? Khuyến khích học sinh học tập như thế nào, phát triển năng lực ra sao?”.
Còn những băn khoăn
Trên nhiều diễn đàn bàn về giáo dục những năm qua, không ít chuyên gia thẳng thắn nhận định, căn bệnh thành tích trong giáo dục ở nước ta đã quá nặng nề. Chính điều này làm cho việc đo lường đánh giá tại lớp học và nhà trường bị méo mó, nhất là ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện tượng gian lận, quay cóp, sửa bài, nâng điểm,... xảy ra đã nhiều năm khiến cả xã hội lo ngại. Hẳn chúng ta chưa thể nào quên, năm 2007, khi ngành giáo dục xốc lại kỷ luật phòng thi, đã khiến tỷ lệ tốt nghiệp THPT tụt xuống thảm hại; mặc dù cũng năm đó ngành giáo dục đã chỉ đạo gắt gao tăng cường công tác ôn tập, phụ đạo cho học sinh yếu kém. Điều này cho thấy, chất lượng giáo dục là một quá trình, không thể chỉ có tăng cường bồi dưỡng, phụ đạo ở năm lớp 12 mà có thể vực được chất lượng nhanh chóng.
Tuy thế, chính nhờ có thi cử nghiêm túc, cả xã hội cùng vào cuộc, khi đó ngành giáo dục mới thấy được cần đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư mạnh hơn cho giáo dục ở các “vùng trũng” về chất lượng, tăng cường bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý,... Tại thời điểm ấy rất cần biết kết quả thật để ra các quyết định về chính sách giáo dục. Sự thật điểm số thấp ở một số địa phương đã cho thấy, có không ít địa phương nghiêm túc tiếp thu và tìm nguyên nhân đưa ra các giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục. Nhưng cũng có một số người tỏ ra không nhiệt thành ủng hộ, do kết quả thi cử thấp sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương (?!). Vì nhiều lý do, việc giữ nghiêm kỷ luật thi cử đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng sau đó lại nhanh rơi vào quên lãng và việc gian lận trong giáo dục lại tái diễn.
Vấn đề đặt ra lúc này, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, về dài hạn thì việc thay đổi cách thức thi cử khó tạo ra sự thay đổi đột phá về chất lượng, bởi chất lượng giáo dục là mang tính tự thân, phản ánh bên trong của hệ thống, việc đo lường chỉ là cách thức phản ánh chất lượng thông qua thi cử mà thôi. Chất lượng thực thế nào thì đo lường sẽ ra thế ấy.
Chung mối quan tâm, đặt chất lượng dạy và học lên trước, thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thắn: Thay đổi thi cử nhưng phải bám sát mục tiêu phát triển nhân cách, năng lực chứ không phải biến học sinh thành thư viện, bồ kiến thức hay máy luyện thi. Muốn thế, chúng ta cần nhận thức rõ Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI với mục tiêu là phát triển năng lực tư duy, để thành người chứ không chỉ thi cử lấy bằng cấp.
Cần tiếp cận lại hệ thống
Nhìn lại quá trình đổi mới thi cử từ năm 2000 trở lại đây, đất nước ta trải qua một số lần đổi mới thi vào đại học (ĐH) sau nhiều năm liền giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu đánh giá yêu cầu trình độ tối thiểu của một học sinh tốt nghiệp THPT, còn thi ĐH là một kỳ thi riêng với việc tổ chức thi tại các cơ sở giáo dục ĐH. Những năm ấy tỷ lệ đỗ vào ĐH rất thấp do quy mô ĐH còn “khiêm tốn” và việc luyện thi ở các trường ĐH và thành phố lớn phát triển rầm rộ. Sau đó, Bộ GD-ĐT tiến hành kỳ thi “3 chung” là chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển.
Đến năm 2015, triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ GD-ĐT, sau gần 5 năm chuẩn bị đã thống nhất ghép hai kỳ thi vào làm một, tổ chức tại địa phương (coi thi và chấm thi), có sự tăng cường cán bộ coi thi, thanh tra từ các trường ĐH, CĐ. Việc ra đề thi vẫn do Bộ GD-ĐT chủ trì, và thi trắc nghiệm đã được thí điểm áp dụng từ những năm trước đó. Năm 2015 là năm đầu thi “hai chung” đã gây cho xã hội một phen rối loạn do tra cứu điểm và đăng ký nguyện vọng. Đến năm 2016, 2017 tạm gọi là hai năm yên ổn hơn mặc dù công tác ra đề thi vẫn còn quá nhiều hạn chế. Cho đến năm 2018, những khuyết tật và lỗ hổng của kỳ thi “hai trong một” này bộc lộ rõ nét những bất cập.
Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích về bất cập của “khâu đột phá” thi cử, từ đó gợi mở những giải pháp: Thi cử chỉ là một khâu trong quá trình giáo dục nhưng chịu chi phối rất lớn của năng lực hệ thống cơ sở giáo dục (cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH), quy hoạch giáo dục, việc làm sẵn có ở thị trường lao động, tính đồng bộ trong hệ thống giáo dục từ địa phương đến trung ương,... Vấn đề của chúng ta là do, việc chuẩn bị nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, không gắn với chính sách và chiến lược đổi mới thi cử, khiến đổi mới càng chắp vá.
Chất lượng của thiết kế chính sách cũng như kỹ thuật ra đề thi, các quy trình thủ tục đang cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong thi cử hiện hành. Bên cạnh đó, sự lẫn lộn giữa quản lý hành chính giáo dục với việc cung cấp dịch vụ công khảo thí đang là trở ngại lớn cho đổi mới giáo dục một cách mạnh mẽ. Bộ GD-ĐT quanh năm lo cho thi cử sẽ mất nhiều sức lực vào việc tập trung chỉ đạo đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Trong các phiên thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu tuy không tán thành đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng để linh hoạt cho Chính phủ trong việc tổ chức thi, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.
Để giảm bớt sức ép lên các kỳ thi cử rất cần phải có một quy hoạch phát triển giáo dục tốt, tạo cơ hội phát triển bình đẳng giáo dục công và tư, huy động nguồn lực trong xã hội cung cấp nhiều dịch vụ giáo dục chất lượng hơn, đầu tư vào đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên. Đồng thời, bảo đảm một sự đồng bộ phát triển toàn hệ thống để tạo ra nhiều lựa chọn cho người dân với các con đường học tập khác nhau.