Từ khởi đầu gian khó
Trong căn phòng làm việc nhỏ, thầy Đỗ Hữu Mười, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu hồi tưởng về những ngày gian khó chưa xa. Tóc đã ngả bạc, nhưng ký ức về những ngày đầu thành lập trường cách đây 10 năm vẫn vẹn nguyên trong tâm trí thầy.
Thầy Mười là giáo viên dạy toán giỏi của Trường THPT Khoái Châu, huyện Khoái Châu. Năm 2006, thầy được phân công làm Phó Hiệu trưởng phụ trách phân hiệu Trường THPT Khoái Châu đóng trên địa bàn xã Đông Kết. Là người được phân công phụ trách xây dựng đề án thành lập Trường THPT Nguyễn Siêu năm 2008, thầy Mười nhớ lại, nhà trường quyết định lấy tên Nguyễn Siêu để đặt tên cho trường trung học phổ thông mới vì cụ Nguyễn Siêu sinh thời làm quan án sát Hưng Yên thời vua Tự Đức. Cụ Nguyễn Siêu là người rất giỏi văn thơ, có công khôi phục các công trình văn hóa, khuyến học ở địa phương. Lấy tên một danh nhân văn hóa đặt tên cho trường, lãnh đạo ngành giáo dục Hưng Yên và huyện Khoái Châu hồi ấy mong muốn trường sẽ trở thành nơi đào tạo ra những thế hệ học sinh có đức, có tài để sau này ra đời dựng xây đất nước.
Trường THPT Nguyễn Siêu thành lập tháng 7-2008 có 21 lớp, tuyển sinh trên địa bàn bốn xã nằm ở phía tây huyện Khoái Châu, gồm: Đông Kết, Tân Châu, Tứ Dân và Đông Ninh. Từ năm học 2009 - 2010, trường tuyển sinh thêm học sinh của hai xã Đại Tập và Liên Khê.
Thầy Mười nhớ lại: Khi trường mới thành lập năm 2008, cơ sở vật chất rất khó khăn, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học còn thiếu thốn. Nhà trường phải đi học nhờ tại Trường tiểu học xã Đông Kết với hai dãy nhà cấp bốn dành cho khu lớp học và một phòng nhỏ vừa làm văn phòng nhà trường, vừa là nơi sinh hoạt của các thầy, cô giáo. Trang thiết bị dạy và học chỉ có vỏn vẹn hai chiếc máy tính, một máy phô-tô-co-py và hai máy in. Đội ngũ giáo viên hầu hết là giáo viên trẻ, mới ra trường, kinh nghiệm dạy còn ít. Trong khi đó, học sinh chủ yếu là con em gia đình thuần nông. Mức độ quan tâm của phụ huynh học sinh đối với việc học hành của con cái không được nhiều như con cán bộ, công chức. Khó khăn chồng chất.
Cô Trọng Thị Kiều, Phó Hiệu trưởng nhà trường vẫn nhớ như in ngày khai giảng năm học đầu tiên 2008 - 2009 của Trường THPT Nguyễn Siêu. Dịp khai giảng năm ấy đúng vào đợt mưa lụt to. Trường tiểu học Đông Kết ngập lụt hết. Vậy là thầy trò phải khai giảng “nhờ” tại trụ sở UBND xã Đông Kết. Tốt nghiệp đại học hạng ưu, cô Kiều được nhiều trường mời về công tác. Nhưng nặng lòng với quê hương, cô Kiều quyết định về quê dạy học để đem tâm huyết truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học sinh.
Thời kỳ đầu mới thành lập trường, cơ sở vật chất và thực nghiệm gặp nhiều khó khăn. Với môn hóa học, để có dụng cụ thực nghiệm cho học sinh hiểu quả là điều “xa xỉ” đối với trường mới như Nguyễn Siêu. Vậy mà với quyết tâm cao, cô Kiều đã bền bỉ truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học sinh thân yêu để các em nắm vững môn học như hóa học cả về lý thuyết và thực hành. Năm học 2011 - 2012, đội tuyển học sinh giỏi hóa của Trường Nguyễn Siêu do cô Kiều hướng dẫn đã đoạt giải nhì cấp tỉnh đồng đội, trong đó một em đoạt giải nhì cá nhân và hai em đoạt giải ba. Sau 34 năm gắn bó với nghề giáo, cô Kiều cảm thấy thật hạnh phúc vì tâm huyết gắn bó với quê hương đã gặt hái thành quả ban đầu, đào tạo nên những lứa học sinh ngoan, giỏi.
Càng trò chuyện với những thầy giáo, cô giáo của Trường Nguyễn Siêu, chúng tôi càng hiểu thêm tâm huyết và lòng yêu nghề thiết tha của đội ngũ các thầy cô nơi đây. Cô Đỗ Thị Hoài, Phó Hiệu trưởng nhà trường được coi là giáo viên trẻ so với thầy Mười và cô Kiều, năm nay cũng đã bước qua tuổi 40. Là giáo viên toán dạy lớp năng khiếu Trường THCS Khoái Châu, cô Hoài gắn bó với Trường Nguyễn Siêu từ những ngày đầu. Cô nhớ năm học đầu tiên 2008 - 2009 ấy, mưa to ngập lụt. Đang đêm các thầy cô giáo phải lội nước vào trường để “sơ tán” chiếc máy phô-tô-co-py duy nhất của trường đến nơi an toàn.
Những thành quả đáng tự hào
Một giai đoạn mới đã mở ra với trường Nguyễn Siêu vào năm 2009, khi UBND tỉnh Hưng Yên đầu tư xây dựng trường trên diện tích gần 2,5 ha. Thầy Mười vẫn còn nhớ khi tiến hành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng trường, có một số hộ dân còn băn khoăn về tính khả thi của dự án nên chưa thật sự đồng thuận trong việc đền bù và di dời. Tuy nhiên, một số hộ dân đã đi đầu trong việc di dời để lấy mặt bằng phục vụ việc xây dựng trường như gia đình ông Đỗ Quang Chính là gia đình chính sách có ba sào đất đã nhanh chóng nhận tiền đền bù, hay nhà ông Phụng có tám sào cũng vui vẻ nhận tiền đền bù. Với những hộ dân ở Đông Kết, việc con em họ có ngôi trường khang trang để học tập là ước nguyện lớn lao mà bao năm qua họ đã chờ mong.
Năm học 2010 - 2011, trường đưa vào sử dụng khối nhà lớp học 15 phòng. Các năm tiếp theo, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên, huyện Khoái Châu, của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên nên nhà trường đã có đủ các phòng học, phòng học bộ môn, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên và các phòng chức năng khác.
Thực hiện chủ trương, định hướng phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước, tiếp thu và học tập các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, năm học 2012 - 2013, lãnh đạo nhà trường đã thảo luận và xác định việc phấn đấu xây dựng Trường THPT Nguyễn Siêu đạt chuẩn quốc gia sẽ là điều kiện tốt nhất để học sinh được học tập trong một môi trường thuận lợi, có cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập đầy đủ. Đây cũng là điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Những thành tích thu được trong công tác dạy và học ở Trường THPT Nguyễn Siêu thật đáng ghi nhận. Học sinh tốt nghiệp THPT 5 năm gần đây đều đạt hơn 95%. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm tương đối cao. Kết quả thi học sinh giỏi lớp 12 thường đứng trong tốp 10 trên tổng số 37 trường THPT trong toàn tỉnh. Năm học 2015 - 2016 và năm học 2016 - 2017, tỷ lệ học sinh khối 12 thi đỗ đại học nguyện vọng một đạt hơn 60%. Trường cũng có học sinh đỗ thủ khoa Đại học Luật năm 2013 là em Tường Thị Ánh. Trong năm 2014, một học sinh khác của trường là em Đỗ Thị Minh Thúy được tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn tin học và đoạt giải khuyến khích. Điều đáng nói là Trường Nguyễn Siêu là trường khu vực duy nhất có học sinh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Hưng Yên năm học ấy.
Nhìn lại những thành tích ấy, không thể không tự hào với những gì mà đội ngũ các thầy giáo, cô giáo Trường THPT Nguyễn Siêu đã đạt được. 10 năm là khoảng thời gian chưa dài đối với lịch sử hình thành và phát triển của một ngôi trường. Nhưng đối với Trường Nguyễn Siêu, thành tích ấy thật đáng trân trọng, bởi đó không chỉ là những con số ghi nhận những kết quả dạy và học ấn tượng, mà đó chính là quả ngọt được tạo nên từ lòng tâm huyết với sự nghiệp trồng người cao quý của các thầy giáo, cô giáo nơi đây.
Tâm huyết của các thầy, cô đã tạo nên “mùa quả ngọt”.