Kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2013

Còn nhiều trăn trở

NDO - Hai đợt thi chủ yếu, mùa tuyển sinh ÐH, CÐ năm nay đã khép lại. Thế nhưng, trước yêu cầu của thực tiễn, trước chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, xã hội vẫn đặt những câu hỏi: làm sao để giảm áp lực, và thi cử thế nào cho thật sự hiệu quả?

Dịu bớt áp lực

Ðã mười năm Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) ra quy chế tổ chức tuyển sinh ÐH, CÐ theo hình thức "ba chung". Ðây là kỳ thi được coi là quan trọng, căng thẳng nhất trong năm, được cả xã hội đặc biệt chú ý. Sau hai đợt thi, toàn quốc có 258 lượt trường đại học tổ chức thi. Tổng số thí sinh (TS) dự thi hơn 1.298.000/ 1.673.000 TS đăng ký, đạt tỷ lệ 77,6% (giảm 0,7% so với năm 2012). Con số trên cho thấy, cổng trường đại học vẫn là lối vào đời số một mà các bạn trẻ lựa chọn.

Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các TS dự thi đạt kết quả tốt, ngành giáo dục phối hợp các địa phương, đoàn thể... tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ tích cực và có hiệu quả. Sĩ tử và người thân đã nhận được sự sẻ chia, đồng cảm từ cả lực lượng chức năng, công an, quân đội và nhất là các bạn trẻ thuộc nhiều thành phần. Mưa lớn ngập đường, BCH Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã điều xe lội nước chuyên dụng để đưa các thí sinh đến điểm thi. Nhiều cảnh sát giao thông cũng được huy động chở những thí sinh bị muộn giờ. Cả nhà chùa, các tăng ni phật tử cũng xắn tay, thức khuya dậy sớm chuẩn bị những suất cơm chay miễn phí dành tặng các TS. Những việc làm tình nghĩa ấy là hình ảnh đẹp khẳng định truyền thống hiếu học của đất nước.

Nhưng, cũng thật đáng buồn khi ở đâu đó vẫn còn tồn tại những chiêu trò "ăn theo" mùa thi, trộm cướp, móc túi, "hét" giá phòng trọ, "bắt bí" những thí sinh nghèo và những người nông dân chất phác lần đầu đưa con "lai kinh ứng thí".

Việc cho phép TS mang máy ghi âm, ghi hình (theo quy định) vào phòng thi nhằm mục đích chống tiêu cực được Bộ GD-ÐT tiếp tục duy trì. Mặc dù không có TS nào mang theo những thiết bị này, song như lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, "ra quy chế như vậy để việc tổ chức được chủ động, thêm một kênh giám sát của xã hội, việc coi thi được minh bạch hơn". Bên cạnh đó, công tác thanh tra - kiểm tra cũng được củng cố, Bộ đã thành lập 11 đoàn Thanh tra lưu động với nhiệm vụ kiểm tra đột xuất các hội đồng thi.

Thêm một điểm mới trong kỳ thi này là ở đợt thi thứ hai có thay đổi thứ tự các môn thi của các khối B, C, D, nhằm giúp cho TS bớt căng thẳng khi phải làm hai môn tự luận trong cùng ngày.

Những băn khoăn...

Vẫn còn đến hơn 375.000 hồ sơ ảo, gây lãng phí khoảng hơn 20 tỷ đồng (tính theo lệ phí ÐKDT 60.000 đồng/bộ), và còn gây nhiều khó khăn cho công tác tổ chức.

Thực tế cho thấy, cơ cấu các ngành học năm nay có thay đổi. Khá đông thí sinh dự thi vào những ngành có cơ hội việc làm cao như: công an, quân đội..., trong khi những ngành liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân hàng... số lượng TS giảm rõ rệt. Theo lý giải của ông Phạm Duy Hòa - Phó Hiệu trưởng ÐH Xây dựng, nguyên nhân là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cùng với nhu cầu nhân sự cho các ngành này đang bão hòa. Còn theo Ðại tá Trần Minh Chất - Phó Giám đốc HV Cảnh sát Nhân dân: "Học viện có tổng số 37.705 TS dự thi, đạt tỷ lệ hơn 90%, tăng hơn 7.000 TS so với năm trước. Lượng TS tăng mạnh do cơ chế bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp của ngành. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng muốn con em mình có một môi trường rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm, tránh được các tệ nạn xã hội".

Theo quy chế của bộ, các trường không tổ chức thi được phép gửi TS thi tại các trường tổ chức thi. Nhiều năm nay, vấn đề này đã tạo thêm lo lắng cho nhiều hội đồng tuyển sinh. PGS,TS Ðinh Thị Mai - Phó Hiệu trưởng ÐH Công đoàn bày tỏ: "Năm nay, chúng tôi đón tiếp hơn 27.000 TS thì có tới hơn 6.000 hồ sơ gửi "thi nhờ". Ðiều này đã tạo thêm rất nhiều áp lực". Cùng chung nỗi băn khoăn, PGS, TS Bùi Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng ÐH Ngoại thương, bức xúc: "Trường tôi cũng có hơn 1.000 TS thi nhờ. Tôi thấy việc này thật vô lý, trường nào có năng lực đào tạo thì đương nhiên phải có năng lực tuyển sinh! Chúng tôi phải "ẵm" thêm số lượng lớn các TS của trường khác mà không được chia sẻ gì, trong khi phải gánh thêm áp lực trách nhiệm, phải bố trí thêm giám thị, thêm chi phí. Chưa tính tiền thuê phòng, ước tính mỗi phòng thi chúng tôi đã phải bù lỗ từ hơn ba triệu đồng. Bộ cần sớm có những điều chỉnh để kỳ thi năm sau bảo đảm hợp lý và công bằng hơn".

Ðổi mới như thế nào?

Nhiều chuyên gia đánh giá cao cách ra đề năm nay có tính phân loại, một số câu hỏi mang tính ứng dụng, thực tế. Nhiều TS cho rằng đề thi vừa sức, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình THPT lớp 12. Trước đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay bộ đã mời cả những giáo viên THPT tham gia và phản biện đề thi, giúp cho nội dung đề bám sát chương trình học. Nhìn chung, dự báo, năm nay ít TS bỏ giấy trắng, hầu hết TS đều làm được khoảng 50-60% câu hỏi, số bài điểm cao có thể sẽ nhiều hơn năm trước, phổ điểm chung ở khoảng 5-7 điểm.

Bàn về đổi mới thi cử, PGS,TS Nguyễn Văn Nhã nêu cụ thể: "Theo Ðiều 43 Luật GDÐH (có hiệu lực từ tháng 1-2013), Bộ GD-ÐT cũng đang rất trăn trở để có giải pháp hỗ trợ các trường ÐH, CÐ trong công tác tuyển sinh, nhất là các trường ngoài công lập. Ngay từ năm 2009, Bộ đã chủ trương giao một số trường ÐH trọng điểm nghiên cứu, đăng ký đổi mới tuyển sinh... nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Có lẽ phải sau 2015? Ngoài kỳ thi "ba chung", trên thực tế đã có một vài trường khối nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng, cũng đã có chính sách ưu tiên cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Song, chúng tôi hy vọng lãnh đạo bộ cùng với các nhà quản lý sớm giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường".

GS Nguyễn Lân Dũng khái quát: "Căng thẳng thi cử lớn là do ngành giáo dục đang duy trì hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học quá gần nhau. Theo tôi nên bỏ kỳ thi THPT, để chuyển sang hình thức xét tốt nghiệp. Nhất định không thể bỏ kỳ thi đại học, nhưng phải nhanh chóng đổi mới cho phù hợp và có hiệu quả thật sự. Thực tế cho thấy hằng năm có khá đông sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm, nhưng tại sao áp lực vào đại học vẫn đè nặng mỗi người, mỗi nhà như vậy? Xin thưa, thứ nhất do công tác hướng nghiệp ở ta rất kém; thứ hai, do sự "hiếu danh" vẫn là căn bệnh trầm kha của xã hội".

Mong sao có thêm nhiều ý kiến tâm huyết, xác thực, mang tính xây dựng cao trong việc dạy và học. Vấn đề không chỉ dừng lại ở cách thức tổ chức một kỳ thi ra làm sao, mà cần lắm những đổi mới táo bạo, đột phá trong công tác lựa chọn và đào tạo tài năng, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà theo hướng khoa học và có tầm chiến lược.

* Theo quy định, các trường ÐH có tổ chức thi tuyển sinh sẽ hoàn thành chấm thi và công bố điểm thi trước ngày 10-8. Bộ GD-ÐT cũng sẽ công bố điểm sàn, kết quả thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 15-8-2013.

Còn nhiều trăn trở ảnh 1

Thí sinh làm bài thi tại Học viện Cảnh sát nhân dân.