Hướng đi không thể tách rời dòng chảy của báo chí Việt Nam

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, báo chí dữ liệu đã có những bước phát triển nhất định nhưng nhìn chung loại hình báo chí này vẫn có khoảng cách khá xa so với trình độ phát triển của báo chí dữ liệu trên thế giới. Phần lớn báo chí dữ liệu ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở việc xử lý các dữ liệu không quá phức tạp được thể hiện bằng những hình thức tương đối đơn giản, như: hình họa tĩnh (infographics), hình họa động, tương tác (animation, interactive), các bài báo dài kết hợp đa phương tiện (long-form, megastory),… Chỉ một số lượng ít các tác phẩm báo chí xử lý bộ dữ liệu lớn với hình ảnh trực quan hóa sinh động. Chẳng hạn như các bài viết thuộc chuyên mục “Spotlight” của VnExpress hay loạt bài về cuộc chiến chống Covid-19 đăng trên Báo Nhân Dân năm 2021 với tên gọi “Cuộc chiến chưa từng có với biến chủng Delta” hoặc một số tác phẩm của Thông tấn xã Việt Nam,…
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Shorthand
Ảnh minh họa. Nguồn: Shorthand

Trong vài năm qua, một trong những nhiệm vụ chiến lược của VnExpress là đầu tư cho các sản phẩm khác biệt dựa trên thế mạnh của công nghệ, nhu cầu của công chúng và năng lực của phóng viên. Chúng tôi có nhóm phóng viên Spotlight chuyên làm các sản phẩm nội dung chất lượng cao, số lượng không phải là mục tiêu (tất nhiên mỗi năm vẫn có KPI tối thiểu phải sản xuất ra bao nhiêu nội dung) mà chúng tôi quan trọng đó là tính hoàn thiện của từng sản phẩm.

Mỗi một sản phẩm như vậy, có những bài được thực hiện nhanh nhất là hai tuần nhưng cũng có những đề tài chúng tôi đã đầu tư thực hiện đến cả tháng vì ở Việt Nam thật ra việc tiếp cận những dữ liệu không thật sự thuận tiện và không dễ dàng. Ngoại trừ Tổng Cục thống kê, các bộ ngành đều có số liệu thống kê nhưng họ ít công khai và ngay cả khi họ công khai thì việc tiếp cận những nội dung đó cũng không dễ, cho nên, đây là một trong những khó khăn khi mà các bài chuyên sâu này sử dụng dữ liệu làm nền tảng cốt lõi.

Tổng Biên tập VnExpress Phạm Hiếu

Báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Các cơ quan báo chí hiện nay cần coi việc phát triển báo chí dữ liệu như một yêu cầu bắt buộc. Nguồn dữ liệu mở, dữ liệu liên kết, dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí, đặc biệt là dữ liệu cho việc phân tích xu hướng báo chí sẽ là cơ sở cho việc lọc và làm giàu dữ liệu, phân tích đánh giá, trực quan hoá dữ liệu là những thao tác cơ bản để ứng dụng báo chí dữ liệu trong kể chuyện đa phương tiện, tạo tính đặc sắc và vượt trội của nội dung báo chí.

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. Cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể. Ngoài ra, các cơ sở báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay g

PGS, TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các tòa soạn báo chí Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể bảo đảm tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả.

Thạc sĩ Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông