Báo chí giải pháp, tiềm năng cần được khai mở

Cuộc cạnh tranh không cân sức giữa báo chí và mạng xã hội đã đặt ra cho cơ quan báo chí và nhà báo cần có những giải pháp để “giữ chân” công chúng. Việc khai mở những thể loại báo chí mới để thay đổi cách cung cấp thông tin cho bạn đọc được cho là cách làm phù hợp, trong đó, báo chí giải pháp (solutions journalism) là một hướng đi nhiều tiềm năng.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo chuyên đề Báo chí giải pháp và phát triển bền vững.
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo chuyên đề Báo chí giải pháp và phát triển bền vững.

Những năm gần đây, báo chí giải pháp hay báo chí xây dựng đang trở thành xu hướng mới của báo chí thế giới. Theo thống kê của Tổ chức mạng lưới báo chí giải pháp (Solution Journalism Network), nhiều hãng tin, tờ báo lớn đã đi đầu, mở ra các chuyên mục, chương trình với các thông tin tích cực và chú trọng đến yếu tố giải pháp cho các vấn đề xã hội. Như vậy, báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà đưa tin về các vấn đề tiêu cực theo hướng xây dựng, tìm ra giải pháp khắc phục để đem lại kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.

Theo Nhung Nguyễn (Mạng lưới báo chí giải pháp Việt Nam), báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dự báo bằng chứng mà không ca tụng chúng. Một tác phẩm báo chí giải pháp cần có đủ bốn thành tố/trụ cột: Giải pháp, Bằng chứng, Hạn chế và Bài học. Một bài báo giải pháp tập trung vào hành động, những thay đổi mang tính hệ thống; không mô tả giải pháp như một phép nhiệm màu, đưa tin một cách thực tế giải pháp đó hiệu quả và cả không hiệu quả thế nào; nó không phải là ý tưởng, lý thuyết mà là những gì đã và đang được thực hiện trên thực tế; không quảng cáo, hô hào mà nêu rõ những nỗ lực đang diễn ra, ưu nhược điểm của nó để người đọc tự suy ngẫm. Tại Việt Nam chưa tìm được nhiều bài báo chí giải pháp đáp ứng được đầy đủ bốn thành tố/trụ cột nêu trên. Phần lớn chỉ dừng lại ở giới thiệu nỗ lực và ý tưởng giải quyết vấn đề một cách đơn giản, thiếu thông tin phản biện và bài học.

Có nhiều cách để triển khai một bài báo giải pháp - bao gồm những bài đơn giản, ngắn gọn. Nhà báo có thể chuẩn bị và bắt tay vào làm theo những gợi ý sau:

Các bước đầu triển khai một bài báo giải pháp, không khác các bước làm bài về một vấn đề. Theo đó, phóng viên tìm xem xã hội đang có giải pháp gì (thay vì vấn đề gì) và đến nơi kiểm chứng, phỏng vấn, thu thập dữ liệu để chứng minh về giải pháp đó hiệu quả đến mức nào (thay vì kiểm chứng vấn đề này có tồn tại và nghiêm trọng đến mức nào). Mọi bản năng, kỹ năng nghề nghiệp của nhà báo vẫn có thể phát huy ở báo chí giải pháp. Quan trọng là nhà báo có chủ đích và chủ động đi tìm các giải pháp để viết.

Nhà báo có thể khởi động bằng cách tìm kiếm xem những vấn đề mình hay đưa tin đang có những cố gắng giải quyết nào và đặt các câu hỏi như: Do ai làm? Tại sao họ chọn cách này? Nó có hiệu quả không và hiệu quả đến đâu? Làm sao tôi biết được nó hiệu quả thật (bằng chứng)? Có điểm nào giải pháp này chưa khắc phục được? Và nếu người/nơi khác muốn bắt chước, họ nên biết điều gì? Và tập trung thông tin vào giải pháp đó một cách chính xác, không tâng bốc, phóng đại.

Dưới góc nhìn của chuyên gia truyền thông Trần Lệ Thùy, báo chí giải pháp cũng là cách tiếp cận để bảo đảm nội dung báo chí có chất lượng cao. Tờ Financial Times đã phát triển chỉ số “Số lượt đọc chất lượng” - ước tính xem ai đó có đọc ít nhất một nửa bài viết hay không, qua đó, đo lường mức độ hấp dẫn của một bài viết riêng lẻ. Financial Times phát hiện ra rằng, “bài đọc chất lượng” có liên quan đến kết quả tích cực khi nói đến đăng ký trả tiền. Những người không đăng ký có lượt truy cập vào “bài đọc chất lượng” có nhiều khả năng đăng ký hơn và những người đăng ký có nhiều “Bài đọc chất lượng” hơn sẽ ít có khả năng rời bỏ hơn. Do đó, chất lượng của nội dung đi cùng với thành công của mô hình trả tiền.

Việc triển khai báo chí giải pháp đòi hỏi sự thay đổi lớn từ phía các cơ quan báo chí và phóng viên. Đầu tư vào nguồn lực, đào tạo, và công nghệ, cùng với sự hỗ trợ và khuyến khích từ các tòa soạn, sẽ giúp báo chí giải pháp phát triển mạnh mẽ và mang lại giá trị thật sự cho xã hội. Nhà báo cần chuẩn bị sẵn sàng để đảm nhận vai trò phức tạp và đòi hỏi cao hơn trong bối cảnh báo chí hiện đại.

Để báo chí giải pháp phát triển, các cơ quan báo chí cần thực hiện một số biện pháp, như khuyến khích văn hóa làm báo giải pháp, bằng cách đào tạo chuyên sâu để nhà báo hiểu rõ cách tiếp cận và triển khai thể loại báo chí này; đưa vào chiến lược nội dung của tòa soạn, cung cấp nguồn lực tài chính-thời gian-công nghệ để phóng viên có thể thực hiện. Bên cạnh đó là hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, phi lợi nhuận, cộng đồng để tìm kiếm và xác minh các giải pháp hiệu quả, quảng bá mạnh mẽ các bài báo giải pháp qua các kênh truyền thông xã hội, bản tin email, và các sự kiện trực tuyến để thu hút độc giả, tạo các diễn đàn thảo luận và phản hồi từ độc giả để xây dựng cộng đồng quan tâm đến báo chí giải pháp.

Chuyên gia Trần Lệ Thùy khẳng định, lao động của nhà báo sẽ vất vả hơn nhiều khi triển khai báo chí giải pháp, nhưng cũng mang lại hiệu quả và ảnh hưởng lớn hơn. Để viết một bài báo theo hướng báo chí giải pháp, các nhà báo cần có khả năng nghiên cứu kỹ lưỡng, để tìm kiếm và xác minh các giải pháp đã và đang được triển khai thành công. Nhà báo cần biết cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để hiểu rõ hiệu quả của các giải pháp. Nhà báo phải phỏng vấn không chỉ các chuyên gia và người thực hiện giải pháp mà còn cả những người hưởng lợi từ giải pháp đó để có cái nhìn toàn diện. Nhà báo cũng có thể phải thực hiện các chuyến đi thực địa để quan sát trực tiếp và thu thập thông tin chính xác. Nhà báo phải thành thạo trong việc sử dụng công nghệ để tạo ra các nội dung đa phương tiện như video, podcast, và đồ họa thông tin, và phát triển kỹ năng kể chuyện để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn và dễ hiểu... Nhà báo cần có kỹ năng phân tích và phản biện để đánh giá hiệu quả thật sự của giải pháp và tránh những cái nhìn hời hợt; luôn đặt câu hỏi và kiểm chứng thông tin để bảo đảm tính chính xác và trung thực của bài viết.

Báo chí giải pháp hay còn gọi là báo chí mang tính xây dựng là một hình thức đưa tin vượt xa việc đưa tin truyền thống bằng cách không chỉ nêu bật các vấn đề mà còn tập trung vào các giải pháp tiềm năng. Cách tiếp cận này nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn cân bằng hơn về thế giới bằng cách giới thiệu các sáng kiến, đổi mới và câu chuyện thành công nhằm giải quyết các thách thức xã hội.

Mười câu hỏi khi bắt tay viết bài báo giải pháp

Những câu hỏi này không phải là một danh sách kiểm tra, mà là những yếu tố bạn cần cân nhắc để chắc chắn hướng đi của mình.

1. Câu chuyện của bạn có giải thích nguyên nhân của một vấn đề xã hội không?

2. Câu chuyện có trình bày một giải pháp liên quan đến vấn đề đó không?

3. Câu chuyện có đi sâu vào quá trình giải quyết vấn đề và chi tiết cách thực hiện không?

4. Liệu quá trình giải quyết vấn đề có là trọng tâm của mạch câu chuyện không?

5. Có bằng chứng về kết quả liên quan đến giải pháp hay không?

6. Câu chuyện có giải thích được những hạn chế của giải pháp không?

7. Câu chuyện truyền tải được hiểu biết sâu sắc nào hay bài học nào không?

8. Câu chuyện có giống bài quảng cáo hay tán tụng quá đà không?

9. Câu chuyện có dựa trên những nguồn tin, nhân vật có trải nghiệm thực địa hay chỉ dựa vào những đánh giá chuyên môn trên cao?

10. Câu chuyện có tập trung vào nỗ lực giải quyết hơn là vào nhân vật lãnh đạo/người đổi mới/người làm điều tốt không?

(Nhung Nguyễn dịch. Bản gốc được xuất bản trên trang web SJN vào năm 2013 và chỉnh sửa vào năm 2017 bởi Người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành SJN)