Phóng thành công vệ tinh VNREDSAT-1

Muôn trùng tầm mắt Việt Nam

NDO - Sau bao nhiêu phập phồng hồi hộp của ba lần trì hoãn vì lý do thời tiết, 9 giờ 06 phút 31 giây ngày 7-5-2013, vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1 đã nương theo tên lửa đẩy VEGA, từ bãi phóng Ku-ru, Guy-a-na (Kourou, Guyana) tiến thẳng vào quỹ đạo. Một thời khắc lịch sử. Một bước tiến vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam.

Giới hàn lâm và đông đảo những người yêu khoa học nước nhà đã phải chờ đợi khoảnh khắc này, khoảnh khắc tiếp nối thành công của những dự án vệ tinh trong quá khứ gần như VINASAT-1 (năm 2008) và VINASAT-2 (năm 2012) từ mấy  ngày trước đó trong lo lắng. Nhưng cuối cùng, điều mong đợi đã đến. Ðiểm khởi đầu của hệ thống quan sát Trái Ðất từ vũ trụ thuộc quyền sở hữu của Việt Nam đã được thiết lập. 15 giờ chiều ngày 7-5, những tín hiệu đầu tiên từ VNREDSAT-1 truyền về đã được thu nhận, chỉ còn đợi những bức ảnh "báo tiệp" đầu tay.

Sẽ có gì thay đổi sau khi thiết bị quan sát ấy thật sự đi vào hoạt động trong tương lai? Thiết thực nhất, khi liên tục gửi về những tấm ảnh kích thước 20x20 cm với độ phân giải cao, VNREDSAT-1 sẽ là "trợ thủ" đắc lực giúp ngành khí tượng thủy văn cung cấp thông tin cho người dân về những diễn biến phức tạp như bão, lũ lụt, động đất. Các công tác phòng ngừa, cứu hộ, cứu nạn... vì thế, cũng sẽ có thể được triển khai hiệu quả hơn.

VNREDSAT-1 cũng sẽ còn là một thứ công cụ giám sát các tài nguyên thiên nhiên và môi trường, điều mà bất cứ xã hội hiện đại nào cũng đang hướng tới. Trước đây, để phục vụ những công tác này, Việt Nam phải mua dữ liệu và ảnh từ vệ tinh viễn thám thuộc các đối tác nước ngoài, với những cái giá "trên trời" (khoảng từ 2.000 đến 5.000 USD/ảnh). Nay, đã có cơ sở để hy vọng là trong tương lai gần, chúng ta có thể tự khai thác từ những nguồn thông tin của chính mình.

Với kết cấu địa lý phức tạp, Việt Nam sẽ còn cần đến rất nhiều vệ tinh quan sát Trái Ðất như thế. Nhưng, trước khi mơ quá xa, chúng ta cần "đứa con đầu lòng" VNREDSAT-1 "chào đời" thành công, để mở toang một "đột phá khẩu" về phía đài "quan sát vũ trụ". Chúng ta đã thực hiện được điều đó. Nền khoa học Việt Nam đã thực hiện được điều đó, và rất nhiều viễn cảnh tươi sáng cũng đang bừng lên từ đó. Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thật sự được triển khai, bước đầu là với khả năng làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ hôm nay.

Có lẽ như thế vẫn chưa phải là tất cả những gì chúng ta hình dung về những tác động tích cực của sự kiện này đối với tương lai. Song, ít nhất là trong những niềm hạnh phúc ngất ngây của các nhà khoa học Việt Nam khi chứng kiến màn hình thông số chuyển hết sang mầu xanh an toàn vào buổi sáng ngày 7-5, hay với cảm giác nhẹ nhõm khi liên tục nhận những tín hiệu ổn định và tốt lành vào buổi chiều, một bầu không khí lạc quan và tự hào vẫn đang lan tỏa. Rất đáng chờ đợi, cái thời điểm mà muôn trùng Trái Ðất, qua ánh hỏa tiễn xuyên trời ở Guy-a-na, được thu về trong tầm mắt Việt Nam...

* Giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: "Dự án vệ tinh VNREDSAT-1 thành công không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ mà còn góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người nói riêng".

* Vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1 là một vệ tinh quang học, có khả năng chụp lại toàn bộ ảnh bề mặt Trái Ðất, với thời gian lặp lại là ba ngày. VNREDSAT-1 được tên lửa đẩy VEGA phóng lên cùng hai vệ tinh Proba-V của Bỉ và EST Cube-1 của E-xtô-ni-a (Estonia).

VNREDSAT-1 được thiết kế và chế tạo bởi công ty Pháp chuyên sản xuất vệ tinh Astrium SAS (thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng châu Âu), có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm, nặng khoảng 120 kg, với tuổi thọ ước tính vào khoảng 5 năm theo thiết kế.  

Dự án VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư 55,8 triệu euro (gồm khoản cho vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam).

Với VNREDSAT-1, Việt Nam là quốc gia thứ năm trong khu vực Ðông - Nam Á và là quốc gia thứ 25 trên thế giới sở hữu vệ tinh quan sát Trái Ðất.