Ký ức ngày khai trường

NDO - 1. Tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện của chính mình. Chẳng biết nếu tôi không sinh ra trên mảnh đất ấy, không cắp sách đi học tại cái đình làng ấy và không học những bài thơ đã găm vào trí nhớ tôi, thì tôi có thành nhà văn hay không?

Tôi sinh ra ở Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định. Ngày ấy làng quê chưa có điện. Chỉ có ngọn đèn măng-xông và ánh trăng ngà dành cho ngày đập lúa ở sân đình. Hai thứ ánh sáng đó mời gọi để chúng tôi thành những con thiêu thân. Bên này sân đình những anh chị thanh niên đập lúa. Bên kia chúng tôi Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lác có nhà hiển vinh/ Thầy thuốc có nhà hay không?... Làng quê nhộn nhịp gặt hái xong thì những buổi tối chìm vào màn đêm yên tĩnh. Ấy là những người lớn. Còn lũ trẻ chúng tôi vẫn rồng rắn kéo nhau đi trên đường làng tối đen. Mùa đom đóm, chúng tôi bắt đom đóm cho vào lọ pê-nê-xi-lin. Trong ánh sáng lập lòe chúng tôi hát: Đom đóm có chùm có chọe/ Có mẹ mày đây có bố mày đó/ Mở cửa tao vào/ Tao xin tí lửa/ Tao chữa nồi cơm/ Tao đơm cho mày bát đầy tú ụ.

Làng tôi ở một con sông và những cái mương bao quanh. Con sông là nơi cấm kỵ, chỉ khi nào có người lớn đi cùng mới được sang bên kia, trên một chiếc cầu cong cao, để cho thuyền chui qua. Còn những con mương, lũ trẻ được chơi men theo nó. Bên kia con mương cuối làng là cánh đồng bát ngát. Đi trên cánh đồng đó, qua ba cây gạo là đến làng khác. Cuối làng có một bụi tre rất dày. Quanh bụi tre có thể buộc được hai chục con trâu. Cách bụi tre khoảng 20 mét là nhà bà tráng bánh đa. Mẹ tôi rất thích ăn bánh đa vừng. Và chúng tôi thì thích ăn hơn cả mẹ. Mùa đông khi mấy mẹ con đã chui vào chăn ấm, bỗng mẹ bảo: Bây giờ có bánh đa mà ăn thì rất thích. Tôi xung phong đi luôn. Tôi trùm cái khăn len của mẹ lên đầu. Tôi cầm theo ngọn đèn hạt đỗ. Tôi đi qua bụi tre um tùm. Tôi đến nhà bà bán bánh tráng. Tôi đợi bà quạt bánh cho tôi. Trong lúc đợi tôi cứ nhìn như thôi miên vào lò lửa đang cháy dàn dạt, bên trên có cái nồi to. Tôi thích mê li lò lửa ấm áp nhà bà.

Tôi đi học vỡ lòng. Lớp học đầu tiên trong đời là ở đình làng. Và cô giáo đầu tiên trong đời là một người phụ nữ đứng tuổi và bị gù. Cái gù trên lưng cô không thể làm cô đứng thẳng được. Nhưng mỗi buổi sáng trước khi vào lớp cô thường tập hợp cả lớp ngay ngắn. Tự cô hô dõng dạc: "Nghiêm, đằng trước thẳng, mỗi bạn cách nhau một cánh tay". Cô đến từng bạn uốn thế đứng thẳng rồi cô mới cho vào lớp. Theo nhịp thước của cô, chúng tôi đọc: O tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ thời thêm râu. O, a hai chữ khác nhau, vì a có cái móc câu bên mình.

Hết lớp vỡ lòng chúng tôi ra trường cấp 1, cách xa nhà hai cây số. Chúng tôi đi tắt cánh đồng lúa. Lúa cao hơn đầu chúng tôi. Lên lớp một tôi được học bài thơ: Làng tôi làng anh/ Cùng giống nhau nhỉ/ Có lũy tre xanh/ Có người cày cấy/ Nuôi tôi và anh/ Trong lũy tre xanh/ Có chim Vàng Anh/ Có con sáo nhỏ/ Nó hót thanh thanh/ Chúng ta yêu lũy tre xanh/ Yêu làng yêu xóm yêu anh đi cày. Một bài thơ quá giản đơn nhưng nó mở ra một chân trời của tôi.

Từ lũy tre làng đó tôi được học cách ứng xử làng xóm, kính trên nhường dưới, yêu thương kính trọng cha mẹ. Tôi được học niềm vui và nỗi buồn. Và tôi được học sự linh thiêng và sự cấm kỵ. Để sau này dù tôi có đọc hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn câu thơ hay thì hiển hiện lên trong trí óc của tôi cũng trong cái làng quê ấy. Như khi tôi đọc câu chuyện "Tìm mẹ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì cây gạo đó chính là cây gạo trên cánh đồng lúa quê tôi. Những cái cây người nông dân đã trồng trên cánh đồng để lấy bóng mát nghỉ ngơi sau buổi cày. Những cái cây đó cũng thành cột mốc cho lũ trẻ chúng tôi khôn lớn, bằng cách đo bước chân của chúng tôi đi xa hơn những cái cây.

2. Tôi được dự nhiều lễ khai giảng. Có một lần tôi đã chứng kiến một lễ khai giảng buồn. Đã lâu rồi. Có một trường tiểu học, vào ngày lễ khai giảng cha mẹ đã ngăn cản không cho con đến trường, để phản đối thầy hiệu trưởng. Tôi đã đến ngôi trường đó. Tôi đã đến nhà một số em. Tôi đã nhìn thấy đôi mắt buồn của các em. Và cả nỗi sợ trong những đôi mắt trong veo đó. Làng quê đó rất nghèo. Những thân ngô được chặt về dựng ở vách tường. Những chú bò được ngự ngay ở cổng nhà. Khi muốn vào nhà thì phải đi qua bò. Một người mẹ nói với tôi: Chúng tôi không cho các cháu đi học, để phản đối thầy hiệu trưởng. Thầy đã khinh lũ trẻ. Thầy lại bảo, chúng bay đựng sách vở trong cái túi phân thế kia, về bảo cha mẹ mua cặp sách tử tế...

Tôi bảo đứa trẻ mang những cuốn sách đựng trong chiếc túi, vốn trước đó là đựng phân ka-li. Đứa bé đưa những cuốn sách, cuốn vở cho tôi xem. Những cuốn sách quyển vở được bọc thẳng thớm, chữ viết trên nhãn vở nắn nót, đều tăm tắp. Nhìn nét chữ đẹp của em bé, tôi dâng tràn xúc động. Em len lén đến bên tôi thì thầm: "Cô ơi, cháu thích đi học lắm". Tôi đã đưa những cuốn vở trong túi phân cho thầy hiệu trưởng xem. Nhưng cuốn vở mới chỉ có nhãn vở. Thầy hiệu trưởng rơm rớm nước mắt nói: "Tôi sai rồi". Sau đó các em được cha mẹ đưa đến trường. Thầy hiệu trưởng cũng không phải chuyển đi trường khác.

3. "Nghiêm, đằng trước thẳng, mỗi bạn cách nhau một cánh tay. Chào cờ chào!". Học sinh trường làng vẫn cách xếp hàng như vậy, vẫn cách chào cờ như vậy, vì nhiều em vẫn chân trần đến lớp. Nhưng thủ khoa trường làng ngày một nhiều. Những cậu bé, cô bé con nhà nông, một buổi đi học, một buổi đi làm đồng vẫn sắp tên mình trong danh sách thủ khoa. Vẫn sắp tên mình trong danh sách đi thi Ô-lim-pích quốc tế, dù ngày đi thi không có nổi một bộ quần áo tươm tất. Vâng, tất cả đã cho thấy một điều tất yếu: Ở đâu có thầy giỏi thì ở đó có trò giỏi. Thầy, cô bây giờ được đào tạo bài bản. Thầy, cô mang hết tâm huyết để dạy cho những em ham học. Dạy đến hết chữ. Và chính các thầy, cô là những người luôn biết cách nhen nhóm từng tia lửa mỏng manh thành đốm lửa.

* Biển học rộng lớn, học ở thầy một, học ở sách mười. Thầy cô và học sinh trường làng ít có sách hay để tham khảo. Nhưng họ lại có cách để nhen nhóm từng tia lửa mỏng manh thành đốm lửa...