Xét về nguồn kinh phí đầu tư, có hai mô hình chính: (1) Các dự án của Chính phủ liên kết với nước ngoài như ĐH Việt Đức (VGU), Việt Pháp (USSH), Việt Nhật (JVU)…; (2) Các hình thức dựa vào nguồn tài chính tư nhân, bao gồm (2.1) các trường ĐH do nước ngoài sở hữu, đặt trụ sở và hoạt động tại Việt Nam như trường hợp RMIT Vietnam, hay British University Vietnam (BUV), (2.2) trường ĐH của Việt Nam có sự tham gia của phía nước ngoài về nguồn vốn hoặc nhân sự, như Fulbright University Vietnam (FUV) hay American University Vietnam (AUV), (2.3) Các chương trình đào tạo liên kết với đối tác quốc tế dưới nhiều hình thức: bằng đôi, bằng ngoại, 2+2, 3+1… và diễn ra ở cả trường công lẫn trường tư.
Về mô hình “đại học xuất sắc”
Ý thức được tầm quan trọng của những trường ĐH nghiên cứu hàng đầu đối với việc phát triển kinh tế tri thức của quốc gia, nhiều nước đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức để tạo nên những ngôi trường như thế. Tuy nhiên, qua thời gian, khi cơn sốt say mê hào quang của những “tiêu chuẩn vàng” Harvard, Stanford, Cambridge lắng xuống, người ta nhận ra đó là một mục tiêu xa vời, vì trường ĐH đẳng cấp quốc tế là kết quả của những truyền thống văn hóa tinh thần hàng trăm năm, hình thành từ nỗ lực của rất nhiều thế hệ, chứ không chỉ đơn thuần là kết quả của một nguồn lực khổng lồ.
Vì thế, về sau, Việt Nam không nói tới “ĐH đẳng cấp quốc tế” nữa, mà chỉ dùng khái niệm “ĐH theo chuẩn mực quốc tế”, “ĐH xuất sắc”… Mặc dù thay đổi tên gọi, nhưng có lẽ kỳ vọng không thay đổi bao nhiêu. Các trường ĐH theo mô hình này được mong đợi sẽ lọt vào top 200, top 500 những trường ĐH tốt nhất trên thế giới.
Thế nhưng, mong đợi đó đang ngày càng giảm, vì tất cả những trường được gọi là “ĐH xuất sắc” với sự hợp tác với quốc tế như đã kể trên, đều không có được mô hình phát triển bền vững, xét về mặt tài chính. Khoản tiền vay ban đầu chỉ là một phần, chi phí vận hành nó với các chuẩn mực quốc tế và đội ngũ giáo sư quốc tế mới là một thách thức lớn, nhất là khi quy mô tuyển sinh quá nhỏ. Với bản chất hướng tới đỉnh cao và môi trường làm việc với giáo sư quốc tế, rõ ràng là nguồn tuyển của các trường này rất hẹp. Nếu lại thu phí cao, thì càng hẹp lại. Mà sinh viên càng ít, thì học phí lại càng cao mới đủ bù đắp ít nhiều chi phí. Vì thế, có thể nói, bài toán phát triển bền vững với các trường này hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Đó chính là lý do khiến chúng ta thấy Chính phủ đã có quyết định giao ĐH Việt Đức về cho ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, còn ĐH Việt Pháp thì giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Với các mô hình dựa vào nguồn vốn tư nhân
RMIT được xem là một trường hợp thành công. Lý do chính, là vì năng lực lãnh đạo và mô hình quản trị có hiệu quả. RMIT đã giải quyết rất tốt bài toán hài hòa giữa tính chất quốc tế và những đặc điểm của địa phương. Nhờ môi trường quốc tế hóa mạnh mẽ, không chỉ trong việc sử dụng tiếng Anh, mà còn là cách tổ chức môi trường học tập, chương trình đào tạo và giáo viên thừa hưởng từ RMIT Ô-xtrây-li-a, nhà trường đã thu hút được số lượng sinh viên ngày càng lớn (chỉ trong vòng mười năm đã tăng từ 200 lên đến 5.000), và với mức học phí cao nhất trong khu vực tư ở Việt Nam (gần 300 triệu đồng/trọn khóa, tùy ngành).
FUV và AUV là hai trường hợp rất khác. Nếu RMIT Vietnam ngay từ đầu đã xác định rất rõ tính chất dịch vụ trong hoạt động đào tạo, và được thành lập với giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì FUV và AUV đều tuyên bố không vì lợi nhuận và được thành lập với giấy phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Tuy nhiên, còn quá sớm để nhận định về kết quả hoạt động của FUV và AUV, nhưng dù sao, sự có mặt của những trường như vậy cũng là một dấu hiệu cởi mở đối với vấn đề hội nhập.
Trong khi đó, các chương trình liên kết đào tạo có mặt tích cực là mang lại yếu tố quốc tế cho một bộ phận trong các trường đại học, giúp nhiều người được tiếp cận với tài liệu, chương trình và giảng viên nước ngoài. Tuy vậy, với hơn 400 chương trình liên kết đào tạo trong cả nước cùng với đối tác từ 34 quốc gia, rất khó tránh việc chất lượng của những chương trình này trong thực tế rất đa dạng, không loại trừ nhiều bằng cấp dễ dãi từ những trường không có uy tín ở các nước.
Tạo môi trường linh hoạt, tự chủ và minh bạch
Tuy mục tiêu có những trường đẳng cấp quốc tế đã được nhìn nhận là chưa phù hợp, thì ý định đưa GDĐH hội nhập vào dòng chảy toàn cầu là một kế hoạch hoàn toàn đúng đắn và chính đáng.
Có lẽ trong bối cảnh nguồn lực công hạn hẹp, việc đổ kinh phí vào một vài trường để đạt được một thứ hạng nào đó, là điều rất nên thận trọng, bởi vì nó dẫn đến việc phải giảm đầu tư cho cả hệ thống. Trong khi đó, mối liên hệ thật sự giữa thứ hạng của một vài trường và sự tăng trưởng kinh tế hay phát triển xã hội của một nước là điều chưa được chứng minh.
Vì thế, có lẽ cần có những nghiên cứu nghiêm túc và được thực hiện một cách độc lập, nhằm đánh giá những mô hình hợp tác đã được thực hiện trong những năm qua, nhìn nhận khách quan những gì được và mất, thành tựu cũng như nguy cơ để rút ra những kinh nghiệm cho chặng đường sắp tới.
Mặt khác, bên cạnh những mô hình hợp tác quốc tế do Nhà nước khởi xướng ở khu vực công, cần nhìn nhận rằng, khu vực tư cũng có động lực mạnh mẽ để làm tốt việc hợp tác quốc tế. Với sự năng động, họ có nhiều sáng kiến để tận dụng các nguồn lực tư cho việc tăng cường tính chất quốc tế ở các trường.
Điều mà các trường cần, là một chính sách cởi mở và trao quyền tự chủ nhiều hơn để họ có được sự linh hoạt cần thiết. Điều Nhà nước có thể làm là thúc đẩy một môi trường minh bạch thông tin và hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định. Một sáng kiến đơn giản, thí dụ một cổng thông tin trực tuyến do Bộ GD-ĐT quản lý, cung cấp tất cả thông tin về các chương trình liên kết, năng lực của đối tác cũng như kết quả đào tạo qua thành tích của cựu sinh viên những chương trình này.
Các quỹ tài trợ nghiên cứu như Nafosted và các chương trình hỗ trợ khác cần có tiêu chí tính điểm ưu tiên hơn cho những nghiên cứu có đối tác quốc tế cùng chia sẻ chi phí, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu ở cấp trường. Việc hợp tác với đồng nghiệp quốc tế trong hoạt động nghiên cứu cũng cần trở thành thước đo kết quả hoạt động của giảng viên, bắt đầu từ việc coi đó như thước đo thành tích tiến đến chỗ coi như tiêu chuẩn nghề nghiệp.