Nền tảng đang hình thành
Gần đây, nhà sáng lập Daum Communications, “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc, được định giá 10 tỷ USD, ông Lee Jea-Woong thường xuyên đến Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành “trang trại” tương lai nuôi dưỡng các “kỳ lân” công nghệ như Hàn Quốc 20 năm trước đây. Kỳ lân công nghệ được hiểu là những doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (start-up) có giá trị vốn hóa trên thị trường từ 1 tỷ USD. Nếu như trước kia Hàn Quốc phải trải qua ba giai đoạn: công nghiệp hóa; phát triển công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 để đạt được bước nhảy vọt kinh tế, thì hiện nay, Việt Nam đang hội tụ đủ cả ba yếu tố này.
Một số liệu từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, cả nước hiện có hàng nghìn start-up, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh như vườn ươm DN công nghệ cao Hòa Lạc và mô hình tương tự tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Lượng vốn đổ vào các start-up cũng đang gia tăng. Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào start-up Việt Nam năm 2018 do Topica Founder Institute (TFI) công bố, nguồn vốn này đạt 889 triệu USD, tăng gấp ba lần so năm 2017. Không chỉ tăng mạnh về số lượng thương vụ (92 thương vụ đầu tư), tổng số vốn mà còn tăng về chất lượng.
Tạo kênh gọi vốn chuyên biệt
Rõ ràng, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng để mắt đến thị trường Việt Nam như ông Lee Jea-Woong. Nhưng tìm ra một ứng viên triển vọng để rót vốn lại là câu chuyện khác.
Cho đến nay, Việt Nam chỉ có duy nhất một “kỳ lân” công nghệ là VNG Corporation (được định giá một tỷ USD năm 2014), còn các start-up khác vẫn khó khăn trong thu hút vốn đầu tư để lớn lên, đặc biệt là nguồn vốn ngoại. Trong tổng số vốn 889 triệu USD đổ vào start-up năm 2018, lượng vốn từ các quỹ đầu tư nội địa chiếm khoảng hơn 500 triệu USD. Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Tiki, để gọi vốn từ các nhà đầu tư, start-up phải chứng minh hoạt động sinh lời, nhưng nhiều DN phải chờ khoảng 5 năm mới có lãi.
Để giải quyết nút thắt gọi vốn, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng, đề xuất cơ chế thí điểm Đề án phát triển thị trường chuyên biệt cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo các nhà phân tích, có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, xây dựng thị trường dưới dạng không tập trung, hướng đến đối tượng các nhà đầu tư sẵn sàng chịu rủi ro vì các điều kiện về mặt công khai, minh bạch tài chính của DN niêm yết chưa rõ ràng.
Chia sẻ về các vòng gọi vốn, bà Phạm Khánh Linh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Logivan (ứng dụng kết nối xe tải chở hàng) cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài chưa rót nhiều vốn vào start-up công nghệ vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề trở ngại về ngôn ngữ. Nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam sẽ là yếu tố quyết định giúp start-up Việt vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, cần đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo vào các trường đại học với giáo trình đào tạo bài bản.
DN công nghệ được xác định là động lực giúp Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới. Đến năm 2030, số lượng DN công nghệ của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi; hệ sinh thái các DN công nghệ cũng được thúc đẩy phát triển để chuyển hướng từ lắp ráp, gia công sang sản xuất, chế tác sản phẩm. Xem ra, để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, chỉ thị trường tiềm năng thôi là chưa đủ. Cần khiến cho các start-up của chúng ta có khả năng lọt được mắt xanh của những nhà đầu tư quốc tế, bằng việc nói một “ngôn ngữ chung” và một tầm nhìn vượt trội.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 50 nghìn DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đạt doanh thu khoảng 98,9 tỷ USD/năm, tăng trưởng 8%. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD trong năm 2018.